Theo quyết định này, mỗi công dân Thái Lan từ 16 tuổi trở lên sẽ nhận được 10.000 baht (hơn 280 USD) qua ví điện tử để chi tiêu cho những hàng hóa, dịch vụ nhất định trong một khoảng thời gian cụ thể, tân Thủ tướng Srettha Thavisin ngày 11/9 thông báo trước quốc hội Thái Lan.
Tổng số tiền 560 tỷ baht sẽ được chi trong 6 tháng, sử dụng ngân sách nhà nước và các khoản thuế bổ sung mà không cần vay mới, ông Srettha cho hay.
Đây là một trong những chính sách nhằm phục hồi nền kinh tế trì trệ, được Thủ tướng Srettha coi là ưu tiên hàng đầu của chính phủ. Theo ông, kế hoạch sẽ được đảm bảo để phân phối dòng tiền đồng đều trên tất cả các lĩnh vực, kỳ vọng đóng vai trò kích hoạt, đánh thức nền kinh tế Thái Lan.
Các quan chức cho rằng hiệu ứng với nền kinh tế có thể gấp 4 lần số tiền được phát, nâng mức tăng trưởng kinh tế trong năm tới lên 5%, từ mức dự báo 2,8% năm nay.
Nhưng kế hoạch có thể làm tăng thâm hụt tài chính, hạn chế khả năng chịu những cú sốc kinh tế trong tương lai của Thái Lan, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế Mỹ, Nhật Bản.
Ông Srettha Thavisin, 60 tuổi, đại diện đảng Pheu Thai, hồi tháng 8 trở thành tân Thủ tướng Thái Lan, chấm dứt ba tháng bế tắc chính trị ở nước này. Ngay sau khi được bầu, ông Srettha đã nêu những ưu tiên chính sách trong nhiệm kỳ, trong đó nhấn mạnh vào kinh tế và vị thế quốc gia.
Tân Thủ tướng Thái Lan nhậm chức trong bối cảnh đất nước đứng trước nguy cơ lạm phát tăng vọt, khi hạn hán đe dọa giảm sản lượng cây trồng trọng yếu như lúa và mía, khiến nông dân và các doanh nghiệp nhỏ gặp nhiều khó khăn.
Kế hoạch phát tiền trước đó được đảng Pheu Thai đưa ra nếu ứng viên đảng này đắc cử và lập chính phủ, song vấp phải hàng loạt chỉ trích từ các đảng khác. Việc thiết lập hệ thống tiền kỹ thuật số để thực hiện chương trình này cũng có thể tạo ra những tác động nhất định đến thị trường.
Ý kiến ()