Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 11:18 (GMT +7)
Tăng cường cơ sở vật chất, đảm bảo chất lượng các hoạt động giáo dục
Thứ 3, 05/09/2023 | 11:00:00 [GMT +7] A A
Nhiều năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn xác định phát triển GD&ĐT là quốc sách hàng đầu và đầu tư cho GD&ĐT là đầu tư cho phát triển. Chính vì vậy, các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh luôn ưu tiên đầu tư cho các cơ sở giáo dục cải tạo, sửa chữa, xây mới trường lớp, mua sắm trang thiết bị..., đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và mũi nhọn.
Hàng năm, tỉnh Quảng Ninh luôn ưu tiên nguồn kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất trường học, củng cố mạng lưới trường lớp, mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học… đáp ứng điều kiện dạy và học trên địa bàn tỉnh, nhất là đảm bảo điều kiện tối thiểu để triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Nhờ đó, đến nay cơ sở vật chất toàn ngành Giáo dục đã tiếp tục được bổ sung, củng cố theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa, hiện đại, tập trung xóa bỏ các phòng học xuống cấp, phòng học tạm, phòng học nhờ, thực hiện kế hoạch cải tạo, sửa chữa, nâng cấp các công trình nhà vệ sinh, nhà công vụ… Đến nay, tỷ lệ phòng học kiên cố hóa của cả tỉnh được nâng lên 92,1% và tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt trên 89%.
Trong đó, ngành Giáo dục và Đào tạo đã chủ động rà soát nhu cầu về cơ sở vật chất, ưu tiên các địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới hải đảo, đảm bảo tập trung, trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, tích cực, chủ động rà soát phân bổ kinh phí chi cho giáo dục đào tạo đảm bảo tiến độ, đáp ứng yêu cầu; triển khai tổ chức thực hiện “Đề án cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở vật chất ngành Giáo dục tỉnh giai đoạn 2022-2025”.
Để kịp thời chuẩn bị khai giảng năm học 2023-2024, các địa phương đã hoàn thành công tác bảo dưỡng, sửa chữa công trình trường học trước 25/8/2023. Đặc biệt, ngành GD&ĐT đã phối hợp với các địa phương, đơn vị thực hiện tham mưu theo lộ trình đến năm 2025, mỗi huyện có ít nhất 01 trường học công lập ở mỗi cấp học giáo dục phổ thông, mỗi thành phố, thị xã có 01 trường THPT công lập theo tiêu chí chất lượng cao. Trước mắt, ưu tiên nguồn lực ở những nơi còn nhiều khó khăn, tập trung đầu tư 22 trường theo tiêu chí chất lượng cao do các địa phương đề xuất giai đoạn 2022-2025. Đầu năm học 2023-2024, tỉnh khánh thành và đưa vào sử dụng 2 trường THPT: Bình Liêu, Cẩm Phả. Hiện nay đang tiếp tục hoàn thiện trường THPT Quảng La và triển khai xây dựng các công trình khác như các trường THPT: Trần Phú, Ngô Quyền, Uông Bí, THCS Hải Hà (Hải Hà), Tiểu học Đông Ngũ I (Tiên Yên), Tiểu học Đồng Tiến (Cô Tô)...
Song song với đó, Sở GD&ĐT và các địa phương cũng thực hiện tốt công tác mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu. Qua rà soát nhu cầu sử dụng mua sắm thiết bị dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018, cụ thể cho các lớp 2, 3, 4, 6, 7 và lớp 8, tỉnh đã phân bổ 444.746 triệu đồng cho 13 địa phương và Sở GD&ĐT; phân bổ kinh phí theo nhu cầu mua sắm thiết bị phục vụ dạy và học (bàn, ghế, bảng) cho các trường học theo phân cấp quản lý, theo đó có 09/13 địa phương đăng ký với tổng mức kinh phí 16.898 triệu đồng (địa phương 13.522 triệu đồng, Sở GD&ĐT 3.375 triệu đồng).
Để chuẩn bị cho năm học 2023-2024 này, với sự chủ động phối hợp của toàn ngành Giáo dục và Đào tạo, cùng các địa phương, đơn vị, cơ bản các trường học trên địa bàn toàn tỉnh đã và đang được đầu tư, chỉnh trang, sẵn sàng chào đón năm học mới với tinh thần quyết tâm thi đua dạy tốt, học tốt và thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mà ngành đề ra.
Bảo Bình
Liên kết website
Ý kiến ()