Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 29/11/2024 06:45 (GMT +7)
Tăng cường công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ
Thứ 3, 15/04/2014 | 06:22:37 [GMT +7] A A
Trong những năm qua, mặc dù công tác phòng cháy và chữa cháy (PCCC) đã được các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở quan tâm chỉ đạo, thực hiện và thu được nhiều kết quả. Tuy nhiên, việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC ở một số địa phương, ngành, đơn vị còn nhiều hạn chế; nguy cơ cháy nổ, gây thiệt hại lớn về người và tài sản còn tiềm ẩn, nhất là ở các chợ, trung tâm thương mại, nhà cao tầng, các kho xăng dầu, khí gas, vật liệu nổ công nghiệp, hầm lò khai thác than, tàu du lịch, cơ sở sản xuất và nhà kho khung thép mái tôn, cơ sở tập trung đông người và khu đông dân cư... Trong khi đó trang bị phương tiện PCCC tại chỗ, lực lượng PCCC cơ sở và dân phòng ở nhiều nơi còn thiếu, yếu và hoạt động chưa hiệu quả.
Điển hình của tình trạng này là vụ cháy chợ Hải Hà xảy ra trong năm 2013 vừa qua và mới đây là vụ cháy tàu du lịch của Công ty TNHH Cửu Long trên Vịnh Hạ Long xảy ra vào ngày 10-4. Trong các vụ cháy này, rõ ràng công tác phòng cháy, chữa cháy tại chỗ còn nhiều yếu kém, không hiệu quả. Đặc biệt với vụ cháy tàu du lịch của Công ty TNHH Cửu Long, mặc dù xảy ra vào ban ngày, tàu đang trên đường vào bờ, nhưng việc phát hiện đã không kịp thời, chỉ khi ngọn lửa bùng phát lớn mới báo cho các cơ quan chức năng, nên hậu quả thiệt hại về mặt vật chất (con tàu) là khá nặng nề...
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế và giảm thiểu tới mức thấp nhất những thiệt hại do cháy nổ gây ra, mới đây UBND tỉnh đã có Chỉ thị số 06/CT-UBND về việc tăng cường thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ năm 2014. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Giám đốc, người đứng đầu các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung Luật PCCC năm 2001, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC năm 2013, các văn bản hướng dẫn thi hành, các tiêu chuẩn, quy phạm về an toàn PCCC và quy định về cứu nạn, cứu hộ của lực lượng PCCC. Tập trung tuyên truyền phòng ngừa các sự cố cháy nổ trong sử dụng ngọn lửa trần, sử dụng điện, hàn cắt kim loại, trong bảo quản, sử dụng chất dễ cháy như xăng dầu, khí gas, vật liệu nổ công nghiệp và các lĩnh vực dễ xảy ra cháy nổ khác. Phản ánh các biện pháp, kinh nghiệm, các điển hình thực hiện tốt công tác PCCC; đồng thời phê phán những hành vi vi phạm, thiếu trách nhiệm trong công tác PCCC. Hướng dẫn cách thao tác sử dụng phương tiện chữa cháy tại chỗ để dập lửa, việc tổ chức thoát nạn khi có cháy xảy ra... Qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và toàn thể người dân chấp hành nghiêm các quy định về PCCC, làm tốt công tác PCCC&CNCH ngay từ cơ sở...
Cháy nổ thường gây ra các hậu quả vô cùng nghiêm trọng và có thể xảy ra ở bất cứ đâu, vào thời điểm nào. Do vậy việc chủ động, tích cực triển khai công tác PCCC&CNCH phải là công việc thường trực, thường xuyên của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị. Có như vậy chúng ta mới kịp thời khắc phục, xử lý mọi sơ hở, thiếu sót, sai phạm về PCCC, hạn chế nguyên nhân dẫn đến cháy, nổ...
Thanh Tùng
Liên kết website
Ý kiến ()