Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 05:36 (GMT +7)
Chuyển biến trong công tác phòng chống bạo lực gia đình
Thứ 6, 05/07/2024 | 15:47:14 [GMT +7] A A
6 tháng đầu năm 2024, với nhiều nỗ lực của các cấp, các ngành, công tác phòng chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, nhận thức của người dân ngày càng được nâng lên góp phần phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình trong đời sống xã hội.
Bạo lực gia đình là vấn nạn của xã hội, gây hệ lụy nghiêm trọng đến đời sống gia đình cũng như xã hội. Để phòng chống bạo lực gia đình, việc nâng cao nhận thức cho cấp ủy, chính quyền và nhân dân được là giải pháp ưu tiên hàng đầu. Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch, chương trình về công tác phòng chống bạo lực gia đình. Trên cơ sở đó, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã chủ động thực hiện các hoạt động cụ thể phù hợp với thực tiễn. 6 tháng qua, các sở ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh đã tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền lồng ghép trong các hội thảo, hội nghị tập huấn chuyên đề, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao hưởng ứng các Ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3); Ngày gia đình Việt Nam (28/6) và triển khai tháng hành động Quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình, Tháng hành động vì trẻ em năm 2024 nhằm xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc, phê phán những biểu hiện, hành vi bạo lực gia đình, vi phạm pháp luật về gia đình; khuyến khích mọi cá nhân, tổ chức, cộng đồng có hoạt động tích cực đem lại hạnh phúc cho người thân, gia đình và cộng đồng.
Tính đến hết ngày 15/6/2024, toàn tỉnh đã tổ chức tuyên truyền 600 lượt tin, bài, ảnh trên trên các ấn phẩm báo chí, truyền thông, gần 500 băng zôn tại 178 xã, phường, thị trấn tuyên truyền về công tác gia đình, bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình, trong đó có 40 tin, bài thời sự về công tác gia đình và phòng chống bạo lực gia đình phát sóng trong các chương trình thời sự hàng ngày trên kênh truyền hình QTV1 và QTV3. Phát sóng trên 02 kênh QNR1 và QNR2 với gần 60 tin, bài thời sự về đề tài gia đình và phòng chống bạo lực gia đình, lồng ghép trong các Bản tin thời sự hàng ngày; chuyên đề Dân số và Hạnh phúc; Dân tộc và miền núi, Phụ nữ và thời đại của Trung tâm Truyền thông tỉnh. Cùng với đó là gần 30 tin, bài được đăng tải trên báo in và trên 50 tin, bài, phóng sự trên báo điện tử baoquangninh.vn.
Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2024, Sở Văn hoá và Thể thao đã chủ trì, phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, UBND các địa phương tổ chức thăm, tặng quà cho 51 phụ nữ tiêu biểu, có những hoạt động có tính lan tỏa, ảnh hưởng tích cực trong cộng đồng và 39 gia đình văn hóa tiêu biểu trong toàn tỉnh; in và cấp phát bộ câu hỏi, đáp tình huống pháp luật về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022, Nghị định số 76/2023/NĐ-CP ngày 01/11/2023 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Chủ trì, phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức Hội nghị nói chuyện chuyên đề “Xây dựng gia đình hạnh phúc trong thời đại 4.0” hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình, Ngày gia đình Việt Nam (28/6).
Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch phối hợp với các sở, ngành liên quan lồng ghép các nội dung về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống tệ nạn xã hội, xây dựng ngôi nhà an toàn phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em. Tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em - khai mạc hoạt động hè và tiếp nhận Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Ninh năm 2023; thực hiện Tháng hành động vì trẻ em và các hoạt động quản lý giáo dục thanh thiếu nhi, học sinh hè năm 2024 với chủ đề “Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em, hè vui an toàn, học ngàn điều hay”…
Hội LHPN tỉnh chỉ đạo Hội LHPN các cấp tổ chức hoạt động truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật cho hội viên, phụ nữ cung cấp các kiên thức phòng, chống bạo lực gia đình, phòng chống mại dâm, ma túy, tội phạm trong thanh thiếu niên, tổ chức hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3; Tháng hành động vì trẻ em, Ngày Gia đình Việt Nam, Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình với nhiều hình thức như giao lưu, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm…
Hiện, 100% các huyện, thị xã, thành phố lựa chọn các cụm loa FM là phương tiện truyền thông tới nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh về gương sáng tiêu biểu trong gia đình. Tuyên truyền về kỹ năng ứng xử, kỹ năng xử lý tình huống trong gia đình; công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Cùng với tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về xây dựng gia đình hạnh phúc, bình đẳng, tiến bộ, các cấp, ngành của tỉnh quan tâm duy trì và nhân rộng các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình. Toàn tỉnh hiện có 125 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình theo chuẩn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, 301 câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình, 508 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình và 1025 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng; 01 trung tâm cấp tỉnh (Ngôi nhà Ánh Dương). Nổi bật như, TP Cẩm Phả duy trì hiệu quả và nâng cao chất lượng hoạt động của 16 CLB gia đình hạnh phúc tại 16 xã, phường; TP Uông Bí duy trì hoạt động của 10 CLB xây dựng gia đình hạnh phúc thực hiện nếp sống văn minh. Thời gian qua, hoạt động của các mô hình đã góp phần giảm tình trạng bạo lực gia đình, từng bước giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới từ trong gia đình và ngoài xã hội góp phần cho sự phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Nhờ đó, đến nay toàn tỉnh đã có 95% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa.
Bên cạnh đó, việc nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác gia đình thông qua các hoạt động bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ, nâng cao kiến thức, chuyên môn, hoạt động trợ giúp cũng được chú trọng góp phần tạo sự chuyển biến về nhận thức, hành động của người dân, đẩy lùi bạo lực gia đình. Điển hình trong năm tổng đài 18001769 đã tiếp nhận và tư vấn 1.199 cuộc liên quan đến bình đẳng giới và các vấn đề của trẻ em. Cơ sở Bảo trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh tiếp nhận, chăm sóc 03 trẻ em bị mua bán trở đảm bảo các cháu được học tập, phát triển khả năng của bản thân và tham gia các hoạt động trong Cơ sở cũng như ở nhà trường nơi các cháu đang theo học.
Như vậy, thời gian qua, với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành công tác phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực tuy nhiên số vụ bạo lực gia đình vẫn đang diễn ra trong toàn tỉnh mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Theo báo cáo, đến hết ngày 15/6/2024, toàn tỉnh có 45 vụ bạo lực gia đình chủ yếu là bạo lực tinh thần với nạn nhân là nữ; 1.605 vụ án ly hôn và án liên quan đến hôn nhân gia đình. Vì vậy, trong thời gian tới, để tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình nhằm giảm thiểu các vụ bạo lực gia đình, các sở, ngành, địa phương cần tiếp tục coi công tác gia đình và phòng chống bạo lực gia đình là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và nhiệm vụ hàng năm. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các nội dung liên quan đến công tác nhân rộng và duy trì mô hình phòng, chống bạo lực gia đình gắn với tuyên truyền Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Duy trì việc thu thập chỉ số phòng chống bạo lực gia đình, thông tin về bạo lực gia đình theo từng quý, năm kết hợp với đánh giá rút kinh nghiệm thường xuyên, tập trung nhận diện các mô hình điển hình, giải pháp, cách làm mới, sáng tạo, có hiệu quả, có sức lan toả và hiệu ứng xã hội tích cực để thúc đẩy công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, bình đẳng và tiến bộ.
Ngọc Khôi
Liên kết website
Ý kiến ()