Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 11:20 (GMT +7)
Tăng cường vệ sinh ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp
Thứ 3, 26/10/2021 | 08:44:58 [GMT +7] A A
Vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) đối với nông, lâm, thuỷ sản vẫn là vấn đề được nhiều người quan tâm, bởi đây là thực phẩm chiếm tới 90% lượng tiêu thụ hằng ngày. Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 34.300 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm nông, lâm, thủy sản. Do vậy, các cơ quan chức năng của tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc kiểm soát chất lượng vệ sinh ATTP đối với những mặt hàng thuộc lĩnh vực này.
Công tác tuyên truyền đến người dân về vệ sinh ATTP nông, lâm, thuỷ sản ngày càng được chú trọng với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Nội dung tuyên truyền tập trung sâu vào tác hại của dư lượng kháng sinh và tạp chất trong sản phẩm thuỷ sản, kiểm dịch con giống, phòng tránh dịch bệnh đối với thuỷ sản nuôi, tác hại dư lượng thuốc, hoá chất trong rau, củ, quả đối với sức khoẻ con người, sự phát triển của giống nòi...
Trong 6 tháng đầu năm 2021, các đơn vị thuộc Sở NN&PTNT và các địa phương đã tổ chức hơn 4.000 lượt tuyên truyền trên đài phát thanh địa phương, cổng thông tin của các địa phương, đơn vị và trên các phương tiện thông tin đại chúng; treo hơn 300 băng zôn và phát hàng chục nghìn tờ rơi tuyên truyền về ATTP trong sản xuất, kinh doanh, chế biến sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp.
Cùng với đó, Sở NN&PTNT thường xuyên tổ chức tập huấn công tác quản lý chất lượng ATTP; những thông tư, quy định về các biện pháp ngăn chặn hành vi đưa hoá chất sử dụng trong sản xuất nông, lâm nghiệp; hướng dẫn quy trình phát hiện hoá chất độc hại trong nuôi trồng… đến các phòng, ban của Sở, phòng kinh tế, NN&PTNT các địa phương, một số đơn vị trên địa bàn tỉnh. 6 tháng đầu năm, các ngành thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh và 13 địa phương đã tổ chức 34 hội nghị, tập huấn bồi dưỡng kiến thức về ATTP cho 3.329 lượt người là cán bộ quản lý, chủ các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, 646 buổi tọa đàm, nói chuyện lồng ghép phổ biến kiến thức ATTP cho 27.093 lượt người của các tổ chức hội, đoàn thể và người tiêu dùng.
Sở NN&PTNT tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương nhân rộng, mở rộng các chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, đảm bảo gia tăng cả 3 tiêu chí về số chuỗi, số sản phẩm được kiểm soát ATTP theo chuỗi, số điểm bán sản phẩm, nhằm tăng thị phần cung ứng sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, tăng giá trị sản phẩm và lợi nhuận cho người dân, doanh nghiệp tham gia chuỗi. Đến nay đã cấp 20 giấy xác nhận chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn với 59 loại sản phẩm thực phẩm nông nghiệp; hỗ trợ 1 cơ sở chế biến thực phẩm xây dựng, áp dụng mô hình tiên tiến đạt chuẩn HACCP tại huyện Đầm Hà.
Không chỉ có vậy, Sở NN&PTNT cùng các địa phương còn tích cực xây dựng, kết nối sản xuất và tiêu thụ thực phẩm nông, lâm, ngư an toàn. Hiện nay, có 329 sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc 124 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP của tỉnh. Hầu hết sản phẩm đã được thẩm định, chứng nhận đủ điều kiện ATTP, hoặc ký bản cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Một số cơ sở sản xuất đã ứng dụng công nghệ bảo quản, chế biến nâng cao giá trị sản phẩm OCOP. Chất lượng, mẫu mã bao bì sản phẩm được cải thiện và được người tiêu dùng ưa chuộng như: Sứa ăn liền; ruốc hàu, nước mắm; sản phẩm bổ dưỡng từ hàu biển HABI.
Việc kiểm tra, kiểm soát vệ sinh ATTP nông, lâm, thuỷ sản luôn được chú trọng. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2021, các đơn vị thuộc Sở NN&PTNT đã tổ chức thẩm định, xếp loại định kỳ cho 59 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Qua đó có 8 cơ sở xếp loại A (tốt), 50 cơ sở xếp loại B (đạt), 1 cơ sở cấp loại C (không đạt). Đoàn liên ngành của tỉnh kiểm tra 10 cơ sở gồm chợ, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, ngư nghiệp, lấy 43 mẫu mực thành phẩm test nhanh, 2 mẫu kiểm nghiệm labo, qua đó cho thấy các mẫu đều đạt yêu cầu.
Các địa phương cũng đã tiến hành kiểm tra gần 1.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến nông, lâm, thủy sản; qua đó phát hiện khoảng 50 cơ sở vi phạm, với tổng số tiền bị xử phạt lên tới hơn 510 triệu đồng. Cùng với xử phạt vi phạm hành chính, thực phẩm nông, lâm, thủy sản không bảo đảm an toàn đã được tịch thu, tiêu hủy với tổng số lượng hơn 6 tấn của hơn 60 tổ chức, cá nhân. Điển hình, một số loại có khối lượng lớn như 600kg ba kích; 190kg hạt hướng dương; 50kg củ cải muối; 932kg thủy, hải sản; 2.569kg thịt gia súc, gia cầm, 5.690kg chân gà, 240 kg con cà ra... với giá trị hàng tiêu hủy ước đạt lên đến hàng tỷ đồng.
Mặc dù vậy, công tác vệ sinh ATTP nông, lâm, thuỷ sản vẫn còn những mặt hạn chế. Nhiều người dân do chạy theo lợi nhuận vẫn sử dụng hoá chất độc hại trong sản xuất, chế biến, bảo quản rau, quả, thuỷ sản… Điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn còn ít (mới có 6 cơ sở) khiến việc kiểm soát dịch bệnh gia súc, gia cầm trước khi giết mổ trở thành thực phẩm còn hạn chế… Bởi vậy, để công tác vệ sinh ATTP trong nông, lâm, thuỷ sản có chuyển biến tích cực, công tác tuyên truyền cần tiếp tục được tăng cường và bám sát người dân hơn nữa; đồng thời cần xây dựng các điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; quy hoạch các điểm bán thực phẩm sạch ngay tại các chợ tạo điều kiện cho sản phẩm rau, quả sạch đến tay người tiêu dùng một cách thông dụng nhất.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()