Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 06:53 (GMT +7)
Tăng cường hợp tác hải quan Việt Nam - Trung Quốc
Thứ 2, 21/08/2023 | 13:33:11 [GMT +7] A A
Năm 2012, Hội đàm “Hai nước - Bốn bên” được tổ chức đầu tiên tại TP Nam Ninh (Trung Quốc) và được xác định là cơ chế quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa hải quan 3 tỉnh biên giới (Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng) và Hải quan Nam Ninh (Trung Quốc). Cuối tháng 7/2023, Hội đàm lần thứ 9 được tổ chức tại Quảng Ninh (Cục Hải quan Quảng Ninh chủ trì) đã đạt nhiều nhận thức chung trong lĩnh vực chống buôn lậu, thông quan hàng hóa và quản lý biên giới.
Theo đánh giá của các bên cho thấy, qua các lần Hội đàm không chỉ khẳng định tình hữu nghị, láng giềng bền vững mà còn tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau về chính sách, thủ tục hải quan và tình hình thương mại song phương. Đặc biệt, từ sau Hội đàm "Hai nước - bốn bên" lần thứ 8, với sự nỗ lực, tích cực chung của cả bốn bên, các nội dung thỏa thuận giao lưu, hợp tác đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Cụ thể: Cục Hải quan các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng (Việt Nam) với Hải quan Nam Ninh (Trung Quốc) đã thực hiện 24 công hàm để trao đổi, cung cấp thông tin định kỳ, đột xuất về công tác chống buôn lậu, kết quả xác minh doanh nghiệp, chứng từ thuộc bộ tờ khai hải quan và hỗ trợ cung cấp thông tin phục vụ công tác thu thập chứng cứ vi phạm. Ngoài ra, Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn) và Hải quan Hữu Nghị quan (TP Nam Ninh) đã thực hiện một cuộc Hội đàm tại Km số 0 vào ngày 18/1/2023 để tìm phương án khôi phục thông quan hàng hoá trở lại, thiết lập lại đường ưu tiên thông quan cho hàng hoá.
Về phía hải quan 3 tỉnh biên giới Việt Nam cũng tích cực tham gia các cuộc Hội đàm giữa chính quyền địa phương Việt Nam với chính quyền địa phương Trung Quốc; chủ động tham mưu chính quyền địa phương thúc đẩy mở rộng, nâng cấp cơ sở hạ tầng khu vực cửa khẩu và đề xuất áp dụng cơ chế, chính sách ưu tiên cho việc mở rộng giao thương thúc đẩy kim ngạch XNK hai chiều. Qua đó, đã có sự điều chỉnh chính sách phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng linh hoạt hơn, nhanh chóng giúp cho hoạt động XNK qua các cửa khẩu, lối mở cơ bản đã đi vào ổn định, không bị gián đoạn, tạo tâm lý yên tâm và môi trường kinh doanh ổn định cho các doanh nghiệp có hoạt động XNK. Tổng kim ngạch XNK hàng hóa trên địa bàn các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng từ sau Hội đàm lần thứ 8 đến nay đạt nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, tại Cục Hải quan Quảng Ninh, tổng kim ngạch hàng hóa XNK qua các cửa khẩu đường bộ là trên 852 triệu USD; tại Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn, tổng kim ngạch của tất cả các loại hình XNK qua địa bàn đạt 22,631 tỷ USD; tại Cục Hải quan tỉnh Cao Bằng, tổng kim ngạch hàng hóa XNK qua địa bàn là trên 268 triệu USD.
Trong công tác kiểm soát chống buôn lậu, Cục Hải quan các tỉnh Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn đã chủ trì, phối hợp bắt giữ, xử lý 794 vụ, trị giá hàng hóa vi phạm 56,6 tỷ đồng. Trong công tác đấu tranh, phòng chống ma túy, Cục Hải quan các tỉnh Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng bắt giữ 9 vụ, 9 đối tượng; tang vật thu giữ 1.062,16gram ma túy tổng hợp và heroin. Qua đó, cho thấy các bên luôn tích cực, chủ động trong việc tạo điều kiện cho XNK hàng hóa, trao đổi thông tin về công tác điều tra chống buôn lậu và các vấn đề liên quan.
Theo đánh giá của Cục Hải quan các tỉnh biên giới Việt Nam, bên cạnh những kết quả tích cực, vẫn còn tồn tại một số khó khăn vướng mắc, như: Phía Trung Quốc thường thay đổi các chính sách đối với hoạt động XNK dẫn đến doanh nghiệp hai bên bị động trong các hoạt động có liên quan; hai bên chưa tổ chức lễ công bố nâng cấp đối với Cửa khẩu chính (Hoành Mô - Động Trung, Lý Vạn - Thạc Long); cửa khẩu Quốc tế (Tà Lùng - Thủy Khẩu, Trà Lĩnh - Long Bang)… nên các loại hình XNK chưa được đa dạng. Phía Trung Quốc cũng chưa cho phép triển khai thông quan lối mở Pò Hèn - Thán Sản; chưa thông quan trở lại các cặp cửa khẩu lối mở (Cốc Nam - Lũng Nghịu, Nà Nưa - Nà Hoa, Na Hình - Kéo Ái, Pò Nhùng - Dầu Ái, Co Sâu - Bắc Sơn); chưa thống nhất về thời gian làm việc chính thức tại cửa khẩu; danh mục các mặt hàng hoa quả, thủy sản của Việt Nam được phép nhập khẩu vào Trung Quốc và danh mục hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu Chi Ma - Ái Điểm còn ít; mặt hàng hoa quả, thủy sản của Việt Nam chưa được phép nhập khẩu vào Trung Quốc qua cửa khẩu Hoành Mô - Động Trung, lối mở Bắc Phong Sinh - Lý Hỏa...
Tại Hội đàm lần thứ 9 vừa qua, các bên đã trao đổi, đưa ra nhiều đề xuất, giải pháp thiết thực cho các hoạt động liên quan. Trong đó, các bên quán triệt, triển khai quyết liệt tinh thần "Tuyên bố chung về việc tăng cường thúc đẩy và làm sâu sắc mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc"; cùng duy trì, bảo vệ sự thông suốt của chuỗi cung ứng qua địa bàn do các bên quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thông quan hàng hóa hợp pháp. Đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm về mô hình "Hải quan thông minh, Biên giới thông minh, Kết nối thông minh"; tích cực tham mưu cấp có thẩm quyền đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng, nâng cấp cửa khẩu, nỗ lực hạn chế tình trạng ùn tắc tại các cặp cửa khẩu trọng điểm giữa hai nước...
Ông Nguyễn Văn Nghiên, Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Ninh, cho biết: Với tôn chỉ “Hòa bình - Ổn định - Hữu nghị - Hợp tác”, Hội đàm lần thứ 9 đã đạt được những thỏa thuận rất quan trọng để đưa quan hệ hợp tác giữa các bên ngày càng mở rộng, đi vào chiều sâu. Từ đó, cùng nhau thúc đẩy an ninh, sự phát triển thuận lợi thương mại giữa hai nước và việc đi lại của nhân dân hai nước.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()