Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 09:39 (GMT +7)
Tăng cường phòng cháy chữa cháy tại các khu dân cư
Thứ 5, 10/06/2021 | 07:34:13 [GMT +7] A A
Theo thống kê của Công an tỉnh, từ tháng 12/2017 đến nay toàn tỉnh xảy ra 118 vụ cháy, thiệt hại tài sản 347 tỷ đồng. Mặc dù tình hình cháy nổ đã được kiềm chế so với giai đoạn trước đó (2015-2017) tuy nhiên vẫn còn diễn biến phức tạp, trong đó 83,9% vụ việc xảy ra tại khu dân cư, nhà dân, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh. Với phương châm “phòng hơn chống”, hiện các cấp, ngành, lực lượng chức năng đang tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế tình trạng cháy, nổ trong mùa nắng nóng.
Tại Uông Bí, mặc dù từ đầu năm đến nay chưa xảy ra vụ cháy nổ, tuy nhiên theo rà soát của cơ quan chức năng trên địa bàn vẫn còn hàng trăm điểm tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao tại các cơ quan, trường học, cây xăng, chợ, khu dân cư. Để đảm bảo an toàn PCCC trên địa bàn, đặc biệt tại các khu vực dân cư, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, UBND thành phố yêu cầu Thủ trưởng các phòng, ban, đơn vị, các phường tăng cường tuyên truyền, giáo dục, vận động để chủ cơ sở, cá nhân, tổ chức tự giác thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC. Xây dựng và phát triển phong trào toàn dân PCCC với phương châm “4 tại chỗ”.
Công an thành phố đã nắm tình hình, triển khai lực lượng tiến hành khảo sát tại các địa bàn trọng điểm; các điểm, các cơ sở tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ để phối hợp cấp ủy chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng có phương án ứng phó cụ thể, kịp thời. Đồng thời, đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền phòng cháy chữa cháy dưới nhiều hình thức, tăng cường kiểm tra phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về an toàn PCCC, tạo bước chuyển biến về nhận thức và ý thức chấp hành của tổ chức và quần chúng nhân dân trong việc thực hiện các biện pháp an toàn PCCC. Cùng với đó, đơn vị hướng dẫn thực hiện chế độ tự kiểm tra an toàn về phòng cháy của người đứng đầu cơ sở; chủ động phối hợp với các cơ sở trọng điểm mở các lớp tập huấn nghiệp vụ, phổ biến kiến thức PCCC cho cán bộ, công nhân viên cũng như phối hợp tổ chức các buổi diễn tập, thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại các kho hàng, xưởng sản xuất...
Thiếu tá Ngô Quang Tiệp, Phó Trưởng Công an TP Uông Bí, cho biết: Công an thành phố chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo toàn diện công tác PCCC&CNCH trên địa bàn. Công tác quản lý nhà nước về PCCC&CNCH được tăng cường, phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm. Đối với các cơ sở không đảm bảo điều kiện về an toàn PCCC, có nguy cơ cháy nổ chúng tôi kiên quyết đình chỉ, tạm đình chỉ hoạt động, đồng thời thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và yêu cầu khắc phục ngay. Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã xử phạt 40 trường hợp vi phạm PCCC với số tiền trên 175 triệu đồng; đề xuất Chủ tịch UBND thành phố tạm đình hoạt động 4 cơ sở vi phạm. Bên cạnh đó, đơn vị cũng phối hợp với các lực lượng, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật PCCC, phối hợp tổ chức thực tập về PCCC; chú trọng đổi mới phương pháp, nội dung huấn luyện...
Để đảm bảo an toàn, phòng chống cháy nổ, thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường các biện pháp PCCC&CNCH. Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, sở, ngành, địa phương, lực lượng chức năng tập trung triển khai nhiều giải pháp, nhằm thực hiện có hiệu quả công tác PCCC nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ cháy, nổ trên địa bàn. Theo đó, lực lượng công an với vai trò nòng cốt, chủ trì, phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương mở đợt kiểm tra an toàn PCCC đối với các khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Trong đó, tập trung vào công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân về công tác đảm bảo PCCC tại khu dân cư, hộ gia đình; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về PCCC. Tổ chức khảo sát, nắm tình hình địa bàn các khu dân cư, nhất là các khu vực có mật độ dân cư cao, tập trung nhiều nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, xe chữa cháy không thể tiếp cận, xa nguồn nước cháy... nhằm chủ động trong việc nắm thông tin, xây dựng phương án xử lý hiệu quả các sự cố cháy, nổ xảy ra. Đi liền với đó, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH duy trì nghiêm túc công tác thường trực sẵn sàng chiến đấu, việc tiếp nhận và xử lý tin báo cháy, nổ; chủ động kế hoạch, phương án điều động lực lượng, phương tiện để chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, xử lý kịp thời các sự cố cháy, nổ.
Ngoài ra, trong công tác quy hoạch các đô thị, khu dân cư, ngành xây dựng chủ trì phối hợp với các bên liên quan bảo đảm các điều kiện về PCCC. Quá trình phê duyệt quy hoạch, cấp phép xây dựng các dự án nhà ở kết hợp kinh doanh cần hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện giải pháp thoát nạn, ngăn cháy lan, ngăn khói giữa khu vực sinh sống với khu vực sản xuất, kinh doanh... Đối với ngành điện kiểm tra, rà soát, khắc phục các yếu tố, điều kiện có thể gây cháy, nổ tại các cột điện, công tơ điện, trạm biến áp; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn an toàn trong lắp đặt, sử dụng điện tới từng khu dân cư, hộ gia đình...
Các địa phương đã tăng cường quản lý nhà nước về PCCC trên địa bàn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân PCCC, củng cố lực lượng PCCC tại chỗ; tăng cường tổ chức thực tập, diễn tập phương án chữa cháy, cứu nạn cứu hộ tại các khu dân cư, các cơ sở. UBND cấp xã thực hiện tiếp nhận hồ sơ quản lý, kiểm tra an toàn về PCCC đối với các khu dân cư, các cơ sở thuộc trách nhiệm quản lý theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP...
Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã tiến hành rà soát các cơ sở nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh thuộc diện quản lý về PCCC. Trong đợt cao điểm về tuyên truyền, kiểm tra an toàn PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh (từ 15/4/2021-14/52021), lực lượng chức năng toàn tỉnh đã tổ chức kiểm tra 365 hộ gia đình có nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; kiểm tra 13 chung cư trên toàn tỉnh. Qua đó, đã xử phạt vi phạm hành chính 12 trường hợp; tổ chức cho 242 hộ gia đình ký cam kết bảo đảm an toàn PCCC.
Thanh Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()