Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 00:57 (GMT +7)
Tăng cường phòng, chống hoạt động “tín dụng đen”
Thứ 3, 18/06/2024 | 09:10:55 [GMT +7] A A
Những năm gần đây, đặc biệt là sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 12 về tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động “tín dụng đen”, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật có liên quan đến “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được kiềm chế, kiểm soát hiệu quả.
Xác định công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của toàn xã hội trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường biên tập tài liệu tuyên truyền về hoạt động “tín dụng đen”; trong đó, tập trung thông báo phương thức, thủ đoạn, nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm và biện pháp phòng ngừa.
Bên cạnh tuyên truyền qua các hội nghị, họp tổ dân, khu phố, tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng; các ngành còn triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, các tiện ích của mạng xã hội. Qua đó, hàng trăm buổi tuyên truyền phòng chống hoạt động “tín dụng đen” đã được thực hiện với hàng chục nghìn người tham gia.
Theo đó, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn đã tổ chức quán triệt và tiến hành quản lý chặt chẽ CBCCVC và người lao động chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về giao dịch, vay mượn, sử dụng vốn an toàn. Đồng thời xử lý nghiêm các hành vi tham gia các hoạt động “tín dụng đen”, cho vay lãi nặng, bảo kê, đòi nợ…
Từ tháng 4/2019 đến tháng 4/2024, toàn tỉnh đã tiếp nhận, phát hiện, điều tra, xử lý 62 vụ với 118 đối tượng liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Qua đó khởi tố, xử lý hình sự 59 vụ với 113 bị can; xử lý hành chính 3 vụ với 5 đối tượng. Tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” chủ yếu tập trung vào hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Các địa phương thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân khi có nhu cầu vay vốn liên hệ với các ngân hàng, tổ chức tín dụng, không nên thực hiện giao dịch với các cơ sở cầm đồ, hỗ trợ tài chính trái phép.
Các ngân hàng, tổ chức tín dụng triển khai các nội dung đơn giản hóa các thủ tục hành chính để người dân dễ dàng tiếp cận vay vốn đúng mục đích góp phần hạn chế “tín dụng đen”. Ngân hàng Nhà nước tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các ngân hàng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, phát triển các dịch vụ trực tuyến hỗ trợ hoạt động vay vốn của người dân, doanh nghiệp.
Từ năm 2019 đến nay, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã triển khai 26 chương trình tín dụng chính sách đến các đối tượng chính sách, người nghèo, người không có tài sản đảm bảo, người lao động thu nhập thấp; ưu tiên tập trung các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để hạn chế các hoạt động “tín dụng đen”. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước tỉnh còn tổ chức 103 cuộc thanh tra, kiểm tra, giám sát tổ chức tín dụng; tập trung vào hoạt động huy động vốn; cho vay; phòng chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng; đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng…
Các đoàn thể tích cực đứng ra tín chấp, hỗ trợ hội viên vay vốn phát triển kinh tế, tạo việc làm, giảm nghèo bền vững…
Công an tỉnh thường xuyên tổ chức kiểm tra các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, nhất là các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, hỗ trợ tài chính; tăng cường quản lý cư trú tại địa bàn cơ sở đối với số nhân viên tại các cơ sở này.
Từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 54 đoàn công tác, tiến hành kiểm tra 489 lượt đối với 414 cơ sở kinh doanh. Qua đó phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính 75 cơ sở và 75 cá nhân vi phạm. Các lỗi vi phạm chủ yếu là không lập hoặc không ghi chép đầy đủ sổ quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ; không lưu giữ bản sao giấy tờ tùy thân của người mang tài sản đến cầm cố theo quy định; cầm cố tài sản không chính tên, chính chủ hoặc không có giấy ủy quyền hợp pháp; nhận cầm cố tài sản thuộc sở hữu của người khác nhưng không có giấy ủy quyền hợp lệ của người đó cho người mang tài sản đi cầm cố...
Với việc tăng cường quản lý nhà nước trong công tác phòng chống hoạt động “tín dụng đen”, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật có liên quan đến “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được kiềm chế, kiểm soát hiệu quả. Cuối năm 2018, trên địa bàn tỉnh có 798 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, cho vay, hỗ trợ tài chính; đến nay chỉ còn 157 cơ sở. Nhiều ổ nhóm, đối tượng hoạt động cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự được phát hiện và bị triệt phá. Nhiều năm nay, trên địa bàn tỉnh không có vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()