Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 09:23 (GMT +7)
Tăng cường quản lý, bảo vệ động vật hoang dã
Thứ 5, 31/10/2024 | 10:56:03 [GMT +7] A A
Nhằm tăng cường thực thi pháp luật, khuyến khích cộng đồng tham gia bảo vệ động vật hoang dã, bảo tồn đa dạng sinh học, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương quyết liệt vào cuộc, tăng cường quản lý, kiểm soát việc săn bắt, nuôi nhốt, buôn bán, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã.
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, các ngành, địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong việc ngăn chặn, kiểm soát các hành vi vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ và bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm trên địa bàn. Tổ chức phổ biến quán triệt cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ, bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm.
Tăng cường biện pháp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng về bảo vệ động vật hoang dã, chim di cư. Các cấp ủy, chính quyền địa phương chủ động ban hành các văn bản cụ thể để chỉ đạo các cấp, ngành phối hợp chặt chẽ tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức tới mọi tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm cộng đồng.
Đơn cử, Chi cục Kiểm lâm tỉnh và các đơn vị trực thuộc thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao năng lực cho công chức, viên chức trong công tác quản lý thực vật rừng, động vật rừng; các văn bản quy phạm pháp luật về xử lý hình sự, xử lý vi phạm hành chính, quản lý, thực thi pháp luật, xử lý vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp. Tiếp nhận động vật là tang vật, vật chứng trong quá trình tạm giữ của các vụ án, vụ việc từ các tổ chức, cá nhân tự nguyện giao nộp Nhà nước và liên hệ với các trung tâm cứu hộ động vật hoang dã để chăm sóc, cứu hộ và tái thả về tự nhiên một số loài động vật hoang dã, nguy cấp quý hiếm; thường xuyên tuần tra, kiểm soát, đẩy mạnh phối hợp với các đơn vị để kịp thời ngăn chặn và xử lý vi phạm...
Sau 5 năm triển khai Nghị định số 06/2019/NĐ-CP (ngày 22/1/2019) và 3 năm triển khai Nghị định số 84/2021/NĐ-CP (ngày 22/9/2021) của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, công tác quản lý, cấp mã các cơ sở nuôi động vật rừng nguy cấp, quý hiếm trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Theo thống kê, đến nay toàn tỉnh có 112 cơ sở gây nuôi động vật rừng (37 cơ sở gây nuôi động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; 62 cơ sở gây nuôi động vật rừng thông thường;13 cơ sở nuôi cả động vật rừng nguy cấp quý hiếm và động vật rừng thông thường) với khoảng 20 loài và 8.000 cá thể; loài nuôi chủ yếu là cầy vòi hương, cầy vòi mốc, kỳ đà hoa, rắn ráo trâu, rắn hổ mang, dúi, nhím... Đến nay, 100% cơ sở nuôi động vật rừng được Chi cục Kiểm lâm cấp mã số.
Giai đoạn 2020-2023, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tổ chức kiểm tra, phối hợp bắt giữ, xử lý 505 vụ vi phạm liên quan tới lĩnh vực lâm nghiệp, trong đó có 67 vụ liên quan đến động vật (săn bắt, nuôi nhốt, bảo vệ động vật rừng). Tổng trị giá thu hồi của các vụ vi phạm về quản lý, bảo vệ động vật rừng là gần 475 triệu đồng. Tịch thu 45 cá thể quý hiếm và 343 cá thể động vật rừng thông thường; 21 cá thể động vật nguy cấp, quý hiếm... 9 tháng năm 2024, các đơn vị thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tiếp nhận, bắt giữ và lập hồ sơ xử lý 32 vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp, trong đó có 2 vụ liên quan đến động vật, tổng trị giá thu hồi gần 18 triệu đồng.
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nguyễn Thanh Khương, mặc dù có nhiều chuyển biến tích cực, song trong công tác quản lý, bảo vệ động vật hoang dã vẫn còn khó khăn, vướng mắc. Để đảm bảo công tác quản lý động, thực vật hoang dã, quý hiếm theo Công ước CITES theo đúng quy định về pháp luật của Nhà nước, thông lệ quốc tế, cũng như tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức tham gia nuôi, trồng các động, thực vật hoang dã, quý, hiếm thì cùng với các giải pháp đồng bộ khác, cơ quan có thẩm quyền cần sớm khắc phục vướng mắc, cụ thể hóa quy định chưa rõ ràng, đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ của pháp luật về quản lý, bảo vệ động thực vật hoang dã.
Thanh Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()