Tất cả chuyên mục

Ở Quảng Ninh hiện nay, những bãi tắm được quy hoạch và đạt chuẩn đều là bãi tắm du lịch, xa khu dân cư. Vì thế, nhiều năm nay, người dân thường giải nhiệt mùa hè ở một số bãi tắm tự phát. Đáng tiếc là do quy hoạch và quản lý chưa tốt nên năm nào cũng xảy ra tình trạng đuối nước thương tâm. Trước thực trạng trên, UBND tỉnh đã ra nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường quản lý các bãi tắm, điểm tắm tự phát trên địa bàn tỉnh.
![]() |
Nhiều người dân đến tắm ở bãi tắm tự phát khu vực Vựng Đâng (TP Hạ Long). Ảnh: Phạm Học |
THIẾU BÃI TẮM DÂN SINH
Quảng Ninh có hàng trăm cây số đường bờ biển với cát trắng, nước sâu hình thành các bãi tắm đẹp, thu hút hàng triệu lượt khách mỗi năm. Theo thông tin từ Sở Du lịch, cả tỉnh có 9 bãi tắm được cấp phép hoạt động. Trong đó, ở Hạ Long có 5 bãi tắm: Bãi tắm Công viên Đại Dương, bãi tắm Tuần Châu, bãi tắm Marine Plaza, bãi tắm Soi Sim, bãi tắm Ti Tốp. Ngoài 5 bãi tắm vừa kể, còn 4 bãi tắm khác được cấp phép như: Mai Quyền - Bãi Dài, Sơn Hào (Vân Đồn); Trà Cổ (TP Móng Cái) và bãi tắm Quảng Hồng (TP Cẩm Phả).
Tại TP Hạ Long, các bãi tắm du lịch tập trung ở khu vực Bãi Cháy, Tuần Châu và các đảo trên Vịnh Hạ Long. Các bể bơi nhân tạo lại rất ít nên khu vực Hòn Gai hình thành 14 điểm tắm tự phát, trải dài dọc đường bao biển từ khu vực Vựng Đâng đến Cột 8. UBND TP Hạ Long đã có chủ trương quy hoạch bãi tắm công cộng khu vực phía Đông thành phố theo hình thức xã hội hoá. Trong năm 2016, UBND TP Hạ Long đã đề nghị cho phép Công ty CP Minh Anh đầu tư bãi tắm tại phường Hồng Hà (TP Hạ Long). Tuy nhiên, đến nay bãi tắm này vẫn chưa thành hiện thực. Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, lý giải sự chậm trễ này là do phải chờ quy hoạch đường bao biển nối TP Hạ Long với TP Cẩm Phả.
Cũng như Hạ Long, TP Cẩm Phả có gần 70km đường bờ biển tại hầu hết các phường, xã thì chỉ có duy nhất bãi tắm do Công ty TNHH Xây dựng Quảng Hồng đầu tư tại phường Cẩm Sơn được cấp phép còn lại có đến 23 điểm tắm tự phát.
Hiện nay, theo thống kê chưa đầy đủ, cả tỉnh vẫn còn hơn 200 điểm tắm, bãi tắm tự phát; địa phương ít thì có tới 5-6 điểm, nhiều thì lên đến vài chục điểm, bãi tắm tự phát. Một số điểm tắm nước khá sâu, nước chảy xiết, nhiều đá ngầm, không có phao giới hạn, điểm canh gác và lực lượng, phương tiện cứu hộ, lại có nhiều phương tiện giao thông thuỷ hoạt động tiềm ẩn nguy cơ đuối nước, nhất là đối với trẻ em. Tại các điểm này, vào những ngày hè nắng nóng, có hàng trăm người đến tắm và khá nhiều người không trang bị áo phao.
![]() |
Du khách vui chơi và tắm biển tại bãi biển Minh Châu (huyện Vân Đồn). |
PHÒNG NGỪA TAI NẠN ĐUỐI NƯỚC
Để nâng cao chất lượng các bãi tắm du lịch, tháng 9-2013, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định 2526/2013/QĐ-UBND, ban hành Quy chế quản lý bãi tắm du lịch trên địa bàn tỉnh. Nội dung quy chế quy định khá rõ về các quy định của bãi tắm đạt chuẩn phục vụ khách du lịch bao gồm từng hạng mục cụ thể. UBND tỉnh cũng đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu các sở, ngành, địa phương rà soát, kiểm tra các bãi tắm, điểm tắm tự phát, phòng tránh đuối nước; yêu cầu Chủ tịch UBND các địa phương thực hiện nghiêm túc những chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, nếu để xảy ra tai nạn tại các bãi tắm tự phát.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Xây dựng phối hợp với các sở: Giáo dục và Đào tạo, Tài nguyên và Môi trường, Du lịch, Giao thông - Vận tải đã kiểm tra việc quản lý các bãi tắm, điểm tắm tại 9 địa phương gồm: Uông Bí, Quảng Yên, Hoành Bồ, Hạ Long, Cẩm Phả, Cô Tô, Ba Chẽ, Tiên Yên, Đầm Hà. Sở Xây dựng cũng đề nghị các địa phương còn lại gửi báo cáo để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
Đoàn kiểm tra liên ngành đã tập trung kiểm tra điểm tắm: Kênh dẫn nước Nhà máy nhiệt điện Uông Bí, đầm cửa đình đền Điền Công của TP Uông Bí; đầm thuỷ sản thôn 9 xã Sông Khoai (TX Quảng Yên); đập Cầu Trắng xã Quảng La (Hoành Bồ); cầu Bài Thơ 2, cầu Hải đội 2, khu vực Nhà máy tuyển than Nam Cầu Trắng (TP Hạ Long); hồ Bến Do, bờ biển khu vực Cẩm Trung (TP Cẩm Phả); điểm tắm Thống Nhất, Đông Trong (Vân Đồn); đập Pắc Hoóc, thác Khe Vằn (Bình Liêu); cầu ngầm 2, khu vực Đầu Rồng (Hải Hà), bãi tắm Đầu Đông, bến Hèn (TP Móng Cái).
Để phòng ngừa tai nạn đuối nước tại các bãi tắm tự phát có mực nước sâu trong mùa hè mùa mưa bão sắp tới, nhìn chung các địa phương đã triển khai thực hiện nghiêm túc theo các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh. Một số địa phương đã lắp đặt các bể bơi thông minh tại các trường, các trung tâm văn hoá thể thao bằng nguồn vốn xã hội hoá; tổ chức các lớp dạy bơi, chống đuối nước và tai nạn thương tích cho học sinh.
Tuy nhiên, một số nơi vẫn chưa cắm biển cấm tắm hoặc cảnh báo nguy hiểm, chưa bố trí lực lượng tuần tra. Một số nơi có biển cấm nhưng khi không thấy bóng dáng của lực lượng chức năng là người dân lại bất chấp xuống tắm.
Một khó khăn nữa là ở các địa phương, việc quản lý bãi tắm liên quan đến nhiều phòng ban nhưng lại chưa giao cho một đơn vị nào chủ trì, làm đầu mối cụ thể nên dẫn đến tình trạng chồng chéo, kém hiệu quả.
Tại cuộc làm việc mới đây với huyện Cô Tô, đồng chí Vũ Thị Thu Thuỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu huyện rà soát kiểm tra các bãi tắm, bố trí các phao giới hạn khu vực tắm, cắt cử người túc trực cứu hộ và Chủ tịch UBND huyện phải phân cấp chịu trách nhiệm cho các xã, thị trấn. Chủ tịch UBND huyện chịu trách nhiệm trước tỉnh, còn Chủ tịch UBND xã, thị trấn và lãnh đạo các đơn vị thuộc huyện phải chịu trách nhiệm trước huyện nếu để xảy ra tai nạn đuối nước.
Thiết nghĩ, không chỉ riêng Cô Tô mà tất cả các địa phương khác trong toàn tỉnh đều cần làm tốt điều này để đảm bảo một mùa hè vui tươi, an toàn cho người dân và du khách.
Huỳnh Đăng
ÔNG NGUYỄN MẠNH TUẤN, PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ XÂY DỰNG:
ÔNG LƯƠNG BÌNH QUẢNG, TRƯỞNG PHÒNG NGHIỆP VỤ THỂ DỤC THỂ THAO (SỞ VĂN HOÁ - THỂ THAO):
BÀ NGUYỄN THỊ THUỶ, KHU 3, PHƯỜNG YẾT KIÊU (TP HẠ LONG):
BÀ VŨ THỊ HẠNH, TRƯỞNG PHÒNG QUẢN LÝ CÁC CƠ SỞ LƯU TRÚ VÀ DỊCH VỤ DU LỊCH (SỞ DU LỊCH):
CHỊ VŨ THỊ DIỆU LINH, PHÓ BÍ THƯ THƯỜNG TRỰC TỈNH ĐOÀN: Phạm Học - Tạ Quân (Thực hiện) |
Ý kiến ()