Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 06:36 (GMT +7)
Tăng cường quản lý doanh nghiệp sau thành lập
Thứ 4, 02/06/2021 | 08:13:28 [GMT +7] A A
Đi đôi với hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh theo các ngành, nghề đã đăng ký, tỉnh Quảng Ninh còn tăng cường các biện pháp quản lý doanh nghiệp sau thành lập, nếu doanh nghiệp nào vi phạm pháp luật, tạm ngừng kinh doanh không thông báo sẽ kiên quyết thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh theo đúng quy định.
Theo báo cáo của Sở KH&ĐT, 5 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã thành lập mới được 838 doanh nghiệp và đơn vị phụ thuộc, nâng tổng số doanh nghiệp và đơn vị phụ thuộc hiện đang đăng ký kinh doanh trên địa bàn tỉnh đạt 18.700 đơn vị, với tổng số vốn đăng ký đạt 183.000 tỷ đồng.
Nhằm tăng cường công tác quản lý đối với doanh nghiệp, đảm bảo cho các doanh nghiệp hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích theo pháp luật, nhất là doanh nghiệp mới thành lập, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau thành lập (Quyết định số 1590/2016/QĐ-UBND). Theo đó, trách nhiệm quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp được phân định rõ ràng, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp, từng cơ quan quản lý nhà nước cụ thể.
Ông Nguyễn Hồng Dương, Giám đốc Sở KH&ĐT, cho biết: Mặc dù số doanh nghiệp và đơn vị phụ thuộc thành lập mới 4 tháng đầu năm không cao, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 song các ngành chức năng của tỉnh vẫn duy trì quy chế phối hợp quản lý doanh nghiệp theo đúng quy định. Mọi thông tin về doanh nghiệp đều được các cơ quan trao đổi đảm bảo chính xác, đầy đủ, kịp thời; hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, không làm phát sinh thủ tục hành chính và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động bình thường.
Với mục đích tạo chuyển biến về nhận thức pháp lý, ý thức pháp luật và thói quen tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, các sở, ngành của tỉnh đã tăng cường hỗ trợ pháp lý, qua đó tạo lập các điều kiện cần thiết phục vụ hoạt động thực thi pháp luật, giúp các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, tránh các rủi ro về pháp lý.
Đơn cử như Sở Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Sở KH&ĐT, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và UBND các địa phương tổ chức nhiều hội nghị tập huấn, tuyên truyền pháp lý cho các doanh nghiệp tại địa bàn TP Hạ Long, TP Uông Bí, TP Cẩm Phả, TP Móng Cái. Lãnh đạo Sở Tư pháp chia sẻ: Hiện nay đơn vị đã và đang biên soạn, phát hành 4 loại tờ gấp tuyên truyền, phổ biến pháp luật; quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật ở xã, phường, thị trấn; đề cương giới thiệu các luật mới được ban hành... gửi đến cộng đồng doanh nghiệp. Từ đó đã hỗ trợ được doanh nghiệp trong việc kịp thời nắm bắt, cập nhật thông tin về các chính sách, chương trình hỗ trợ, tiến độ thực hiện các chính sách, tư vấn trực tuyến, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp.
Hiện nay, định kỳ hằng tháng, Sở KH&ĐT tổng hợp, cung cấp thông tin đăng ký doanh nghiệp và thông tin về tình trạng hoạt động của doanh nghiệp đến các cơ quan quản lý chuyên ngành cùng cấp và UBND cấp huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính thông qua các cán bộ đầu mối với hình thức qua thư điện tử. 6 tháng/lần, Sở KH&ĐT và Cục Thuế tỉnh đối chiếu thông tin doanh nghiệp trên hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, hệ thống thông tin đăng ký thuế và thông tin về vi phạm của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nếu xét thấy đơn vị, doanh nghiệp nào bỏ địa chỉ kinh doanh, nợ thuế, vi phạm pháp luật sẽ được các ngành chức năng phối hợp xử lý vi phạm theo đúng quy định của Luật Doanh nghiệp.
Điển hình như năm 2020, các ngành chức năng của tỉnh đã tiếp nhận thông tin và xử lý vi phạm đối với trên 2.000 doanh nghiệp, với các lý do vi phạm như bỏ địa chỉ kinh doanh, tạm ngừng kinh doanh không thông báo, không thực hiện báo cáo đúng thời hạn khi có yêu cầu từ cơ quan đăng ký kinh doanh. Trong đó, buộc 1.691 doanh nghiệp phải báo cáo tình hình hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh 370 doanh nghiệp.
Ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, cho biết: Trong thời gian tới đây, Hiệp hội sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, UBND các địa phương của tỉnh tăng cường công tác quản lý, giám sát, hỗ trợ doanh nghiệp và các đơn vị phụ thuộc. Trong đó chú trọng việc nắm bắt tình hình khó khăn, nhu cầu vốn đầu tư của doanh nghiệp, từ đó đề xuất với các cấp, các ngành có hướng hỗ trợ giải quyết phù hợp, hạn chế thấp nhất việc doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh, giải thể, phá sản.
Mạnh Trường
Liên kết website
Ý kiến ()