Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 04:06 (GMT +7)
Tăng cường quan trắc, bảo vệ môi trường
Thứ 4, 11/08/2021 | 08:56:37 [GMT +7] A A
Quảng Ninh có nhiều hoạt động sản xuất công nghiệp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nước, không khí. Chính vì vậy, tỉnh đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị thường xuyên có hoạt động xả thải ra môi trường phải đầu tư hệ thống các trạm quan trắc môi trường tự động, truyền số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý, giám sát chặt chẽ.
Hệ thống quan trắc môi trường tự động trên địa bàn tỉnh bắt đầu được triển khai đầu tư từ năm 2013. Khi đó, tỉnh đã dành trên 77 tỷ đồng tiền ngân sách nhà nước, cùng với TKV cùng với 7 doanh nghiệp xi măng, nhiệt điện trên 45 tỷ đồng, để đầu tư, hình thành 19 trạm quan trắc môi trường tự động. Các trạm quan trắc môi trường này đều được triển khai đầu tư, lắp đặt tại những vị trí thường xuyên có hoạt động phát thải ra môi trường trong các nhà máy, phân xưởng sản xuất xi măng, nhiệt điện, khai trường khai thác than hoặc đo nồng độ khói, bụi trong không khí tại một số khu vực đông dân cư, đô thị của tỉnh.
Trước những nguy cơ tiềm ẩn về ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến quá trình phát triển của tỉnh theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, từ năm 2016 đến nay, tỉnh tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo các tổ chức, đơn vị có hoạt động sản xuất, kinh doanh phát thải lớn trên địa bàn tỉnh bắt buộc phải đầu tư các trạm quan trắc môi trường tự động, liên tục theo đúng tinh thần Nghị định số 38/NĐ-CP (ngày 24/4/2015) của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu.
Theo đó, từ năm 2016 đến nay, đã có thêm 129 trạm quan trắc môi trường tự động, liên tục được các đơn vị, doanh nghiệp triển khai đầu tư, lắp đặt, nâng tổng số các trạm quan trắc môi trường tự động, liên tục trên địa bàn toàn tỉnh lên 148 trạm.
Ông Phạm Văn Cường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết: Có thể thấy sự vào cuộc tích cực từ các đơn vị ngành than, điện, xi măng trong nỗ lực bảo vệ môi trường. Mặc dù tình hình sản xuất, kinh doanh của các đơn vị có gặp những khó khăn nhất định, các đơn vị vẫn dành kinh phí đầu tư hàng trăm tỷ đồng hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường tự động. Đến nay, các đơn vị ngành Than đã đầu tư 47 trạm quan trắc môi trường tự động, các đơn vị sản xuất xi măng đầu tư 20 trạm, các đơn vị sản xuất điện đầu tư 35 trạm.
Được biết, hiện 148 trạm quan trắc môi trường tự động trên địa bàn tỉnh (gồm: Trạm quan trắc nước thải, trạm quan trắc khí thải, trạm quan trắc môi trường không khí xung quanh, trạm quan trắc nước mặt, trạm quan trắc nước biển ven bờ) đều hoạt động 24/24 giờ. Kết quả các thông số từ các trạm quan trắc đều được truyền trực tiếp về Trung tâm Điều hành được đặt tại Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường). Các thông tin về môi trường sau khi truyền về trung tâm điều hành sẽ được chuyển tải đến điện thoại cầm tay của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện, các bộ phận chuyên môn của Chi cục Bảo vệ môi trường, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, giám sát và chỉ đạo; đồng thời truyền trực tiếp về Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định.
Ông Trần Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường, cho biết: Tại trung tâm điều hành, khi phát hiện các số liệu chuẩn bị vượt ngưỡng (vạch vàng) hoặc vượt ngưỡng (vạch đỏ), cán bộ trực báo cáo với lãnh đạo và thông tin trực tiếp cho doanh nghiệp để có hướng xử lý kịp thời. Trường hợp có sự cố thì doanh nghiệp phải có báo cáo ngay bằng văn bản tới Sở Tài nguyên và Môi trường, đồng thời có kế hoạch khắc phục ngay. Nếu doanh nghiệp chưa khắc phục kịp thời hoặc tái diễn thì đơn vị sẽ tham mưu cho Sở Tài nguyên và Môi trường mời doanh nghiệp lên lập biên bản và xử lý vi phạm theo quy định.
Việc xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống quan trắc môi trường tự động trên địa bàn tỉnh đã mang lại hiệu quả quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về môi trường trên địa bàn tỉnh; nâng cao ý thức, trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường. Qua quá trình theo dõi kết quả truyền về từ các trạm quan trắc môi trường tự động mà Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường nhận được, hầu hết các chỉ số đều nằm trong giới hạn cho phép của quy chuẩn địa phương hoặc quy chuẩn Việt Nam.
Được biết, trong thời gian tới đây, để nâng cao hơn nữa hiệu quả, chất lượng các trạm quan trắc môi trường tự động, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tăng cường kiểm tra đột xuất, lấy mẫu đối chứng, đánh giá độc lập hoạt động của các trạm quan trắc tự động tại các doanh nghiệp, để đảm bảo tính chính xác của các số liệu quan trắc tự động. Đồng thời, chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh và UBND TP Hạ Long kiểm soát chặt chẽ môi trường Vịnh Hạ Long để bảo vệ cảnh quan, môi trường di sản, và tạo thuận lợi trong phát triển ngành du lịch, dịch vụ.
Mạnh Trường
Liên kết website
Ý kiến ()