Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 06:40 (GMT +7)
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT, phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước
Thứ 3, 30/05/2023 | 20:50:30 [GMT +7] A A
Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành Chỉ thị số 33-CT/TU ngày 29/5 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước; quản lý, giáo dục thanh thiếu nhi, học sinh trong dịp hè trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Thời gian qua, tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chủ trương, chỉ thị, kết luận của Trung ương và của tỉnh đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước; quản lý, giáo dục thanh thiếu nhi, học sinh trong dịp hè. Qua đó, tạo chuyển biến cơ bản về nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội.
Tuy nhiên, qua kiểm tra, giám sát, khảo sát việc tổ chức triển khai thực hiện các nội dung nêu trên vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, nhất là còn tiềm ẩn nguy cơ gia tăng tai nạn giao thông nếu không được chỉ đạo quyết liệt, triển khai thường xuyên, liên tục các giải pháp đồng bộ; văn hóa tham gia giao thông chưa được định hình rõ nét; một số địa phương còn xảy ra các vụ tai nạn đuối nước nghiêm trọng, thương tâm đối với học sinh, trẻ em, đồng thời còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ học sinh, trẻ em bị tai nạn thương tích tại gia đình, cộng đồng, trường học, nhất là bị bạo lực, cháy, bỏng, tai nạn giao thông, rơi, ngã ở các khu chung cư, nhà cao tầng; việc quản lý, giáo dục thanh thiếu nhi, học sinh trong dịp hè hiệu quả chưa cao, công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trong thanh niên, thiếu niên cần phải được quan tâm nhiều hơn nữa. Nguyên nhân chủ yếu là do một số cơ quan, đơn vị, địa phương có lúc, có nơi triển khai thực hiện chưa quyết liệt, kịp thời, đầy đủ và nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh; chưa thực sự quan tâm đến công tác tuyên truyền sâu rộng và cảnh báo nguy cơ cho các tầng lớp nhân dân, cộng đồng dân cư, hộ gia đình; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa tiến hành thường xuyên; công tác phối hợp giữa các ngành, các cơ quan, tổ chức, giữa gia đình, nhà trường và chính quyền địa phương có việc còn chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao. Ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của một bộ phận người dân tham gia giao thông chưa tốt; nhận thức, kiến thức của cộng đồng, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em về phòng, chống tai nạn thương tích trên tất cả các loại hình tai nạn, thương tích còn hạn chế,…
Để tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; quản lý, giáo dục thanh thiếu nhi, học sinh trong dịp hè trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu:
1. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị phải xác định công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; quản lý, giáo dục thanh thiếu nhi, học sinh trong dịp hè là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để tăng cường, sâu sát hơn nữa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò, trách nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu trong triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác này; trọng tâm là đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới”, Kết luận số 45-KL/TW, ngày 01/02/2019 của Ban Bí thư về “Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông” và Kế hoạch số 280-KH/TU, ngày 03/5/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Kết luận số 45-KL/TW; Chỉ thị số 17/CT-TTg, ngày 16/05/2016 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường chỉ đạo, thực hiện phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho học sinh, trẻ em”; Chỉ thị số 23/CT-TTg, ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em”; Quyết định số 1248/QĐ-TTg, ngày 19/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2021 - 2030”, Công điện số 398/CĐ-TTg ngày 02/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về “tăng cường công tác phòng, chống đuối nước trẻ em”; Chỉ thị số 37-CT/TU, ngày 03/6/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về ”Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với công tác phòng, chống tai nạn đuối nước cho người dân và khách du lịch trên địa bàn tỉnh”; Chỉ thị số 10-CT/TU, ngày 25/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về ”Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước”…
Hằng năm, cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp, các địa phương, cơ quan, đơn vị có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao xây dựng chương trình, kế hoạch và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; quản lý, giáo dục thanh thiếu nhi, học sinh trong dịp hè; tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh và công khai kết quả xử lý đối với tổ chức, cá nhân vi phạm. Người đứng đầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các địa phương, thủ trưởng các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan phải chủ động bám sát, nắm chắc tình hình, thường xuyên chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các nội dung công việc liên quan đến các công tác này thuộc phạm vi, trách nhiệm, thẩm quyền quản lý và chịu trách nhiệm trực tiếp về các vụ việc nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng xảy ra do nguyên nhân chủ quan, lơ là, thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý; chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và xử lý theo quy định của pháp luật đối với các vụ tai nạn nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
2. Nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em của các ngành chức năng và chính quyền các cấp. Đặc biệt chú trọng tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu phải gương mẫu và tích cực vận động người thân, gia đình và nhân dân thực hiện nghiêm quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp, tác động vào quá trình xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng. Xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhà nước, chiến sỹ các lực lượng vũ trang điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã uống rượu, bia, đồ uống có cồn, chất kích thích.
Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em, nhất là thực hiện các quy định về an toàn, phòng, phòng chống đuối nước trẻ em trên các phương tiện vận chuyển khách, bến bãi, an toàn giao thông đường thủy, bể bơi, hồ bơi, bãi tắm, các dịch vụ vui chơi dưới nước cho trẻ em; kiên quyết xử lý nghiêm đối với các vi phạm. Thường xuyên rà soát, cảnh báo kịp thời và yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định, tiêu chuẩn, tiêu chí về an toàn tại các khu vực thường xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước, tai nạn thương tích đối với trẻ em, học sinh, đồng thời có biện pháp chủ động phòng ngừa kịp thời, giảm thiểu rủi ro, nguy cơ tiềm ẩn, bảo đảm an toàn cho trẻ em, học sinh từ xa, từ sớm, nhất là tại gia đình, cộng đồng, trường học, các bãi tắm, bể bơi, sông, hồ, các công trình xây dựng, chung cư, nhà cao tầng, trung tâm thương mại, chợ và các địa điểm, công trình công cộng có trẻ em, học sinh tham gia hoạt động (làm rào chắn, biển cảnh báo…). Kiên quyết không để tồn tại các bãi tắm tự phát tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn đối với nhân dân và du khách, nhất là trẻ em.
3. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, phù hợp với từng nhóm đối tượng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, địa phương, cộng đồng dân cư, gia đình, cá nhân về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phòng ngừa tai nạn thương tích trẻ em; tích cực, chủ động phê phán, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật giao thông. Tăng cường phổ biến kiến thức, kỹ năng, quy định về phòng, chống tai nạn thương tích, trong đó có tai nạn đuối nước cho người dân và khách du lịch, nhất là đối với trẻ em, học sinh và tại các địa điểm tiềm ẩn nguy cơ đuối nước để nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật về các công tác này và tự bảo vệ chính mình, bảo vệ người xung quanh khi có tình huống xảy ra; tuyên truyền các biện pháp, kỹ năng sơ cứu, cấp cứu cho người bị đuối nước; phòng ngừa trẻ em bị rơi, ngã ở các khu chung cư, nhà cao tầng.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương đưa nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước đối với trẻ em vào sinh hoạt định kỳ của chi bộ đảng, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể. Ban Cán sự Đảng UBND chỉ đạo UBND tỉnh giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp các ngành chức năng, địa phương đưa nội dung giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông và các biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước vào chương trình tuyên truyền, giáo dục cho học sinh, sinh viên trong các nhà trường. Các cơ sở giáo dục tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, giáo viên, phụ huynh về việc tuân thủ các quy định an toàn, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường và các cơ quan, đoàn thể; rà soát nội dung, chương trình giáo dục thể chất trong nhà trường, chú ý hướng dẫn kỹ năng bơi, sơ cấp cứu, ứng phó với các trường hợp tai nạn gây thương tích (như cháy nổ, hỏa hoạn, bão, lũ...), tai nạn đuối nước; thường xuyên nhắc nhở, khuyến cáo học sinh sử dụng các trang thiết bị an toàn, đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, hướng dẫn học sinh tham gia các hoạt động vui chơi lành mạnh, các lớp học bơi, kỹ năng phòng, chống đuối nước, tai nạn thương tích; thực hiện có hiệu quả mô hình “Trường học an toàn”, “Nhà trẻ, mẫu giáo an toàn”, phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho trẻ em, học sinh.
4. Tăng cường trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và các gia đình trong công tác quản lý, giáo dục thanh thiếu niên trong thời gian không đến trường, đặc biệt là dịp nghỉ hè, các thời điểm xảy ra dịch bệnh, thiên tai. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn phải xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể, thường xuyên chỉ đạo các cấp bộ đoàn, hội, đội đẩy mạnh các hoạt động tình nguyện của giáo viên, tổng phụ trách đội, đoàn viên, thanh niên, sinh viên; phối hợp chặt chẽ với các cơ sở giáo dục và các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan trong việc tiếp nhận, quản lý, tổ chức hoạt động hè bổ ích và ý nghĩa cho thanh thiếu nhi, học sinh trong dịp hè, nhất là giáo dục kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích, hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn thương tích trong trẻ em. Tập trung triển khai tổ chức các hoạt động sinh hoạt hè thiết thực, bổ ích, phong phú, sinh động, hấp dẫn, phù hợp với tâm lý lứa tuổi, đặc thù của từng vùng miền; chú trọng tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, giáo dục phát triển kỹ năng sống, ngoại ngữ, dã ngoại trải nghiệm, ôn luyện văn hóa, các hội thi, hội thao, hội diễn, hội trại, các hình thức sinh hoạt câu lạc bộ lành mạnh trong dịp hè nhằm rèn luyện kiến thức, kỹ năng, sức khỏe và tạo sân chơi bổ ích, giao lưu, học hỏi cho đoàn viên, thanh thiếu nhi trên địa bàn trong dịp hè; trong đó, tập trung nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng, chất lượng hoạt động Cung văn hóa thanh thiếu nhi tỉnh Quảng Ninh và các trung tâm văn hóa thể thao do các địa phương quản lý.
Đảng ủy Công an tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh tăng cường nắm tình hình, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ khóa tu mùa hè dành cho thanh thiếu niên trong cơ sở tôn giáo theo đúng phương châm an ninh chủ động, từ xa, từ sớm, từ cơ sở, bảo đảm lành mạnh, đúng mục đích giáo dục nhân cách, kỹ năng sống cho thanh thiếu nhi; tuyệt đối không để xảy ra lợi dụng hình thức này để trục lợi, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự, làm ảnh hưởng đến lý tưởng, hoài bão của thế hệ trẻ.
5. Quyết tâm giữ vững thành quả thực hiện Chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tuyệt đối không để dịch bùng phát trên địa bàn tỉnh để chăm lo bảo vệ sức khỏe nhân dân, thu hút khách du lịch, ổn định, phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong mùa du lịch. Tăng cường thông tin, truyền thông để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong việc bảo vệ sức khoẻ của bản thân, gia đình và cộng đồng; tạo nền nếp và thói quen thường xuyên trong thực hiện thông điệp 2K trong phòng, chống dịch Covid-19, sử dụng khẩu trang, khử khuẩn ở nơi công cộng, nhất là trong các trường học, cơ sở y tế, trên các phương tiện giao thông công cộng và tại các địa điểm, sự kiện tập trung đông người. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các phương án phòng, chống dịch Covid-19, nhất là ở cấp huyện, cấp xã bảo đảm sẵn sàng ứng phó hiệu quả trong mọi tình huống.
6. Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, cộng đồng dân cư, hộ gia đình chủ động, tích cực thực hiện tốt công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước; đẩy mạnh hoạt động giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan báo chí, truyền thông và nhân dân về nội dung nêu trên. Kiên trì xây dựng văn hóa chấp hành pháp luật, ứng xử văn minh khi tham gia giao thông; đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, trong đó nhấn mạnh yêu cầu tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước trong thanh thiếu nhi, học sinh, sinh viên...
7. Trung tâm Truyền thông tỉnh và các cơ quan, đơn vi, địa phương liên quan tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về các chỉ đạo của tỉnh về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước; quản lý, giáo dục thanh thiếu niên, học sinh trong dịp hè trên địa bàn tỉnh; tập trung vào thời gian cao điểm du lịch, bão lũ, tại các địa điểm công cộng, khu du lịch, bãi tắm công cộng...
8. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy theo dõi, đôn đốc việc tuyên truyền, quán triệt và triển khai Chỉ thị này.
Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chủ trì, phối hợp với các Ban xây dựng Đảng, Văn phòng Tỉnh ủy theo dõi, tổng hợp, định kỳ hằng năm báo cáo tình hình triển khai và kết quả thực hiện Chỉ thị với Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
PV
Liên kết website
Ý kiến ()