Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 05:35 (GMT +7)
Tăng lương công chức, viên chức
Thứ 7, 22/10/2022 | 10:29:11 [GMT +7] A A
Gần 2 năm qua, do ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 khiến việc tăng lương nói chung, tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức nói riêng phải tạm hoãn lại. Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, nội dung tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức đã được đưa ra bàn thảo và nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo đại biểu, cử tri, nhân dân trong cả nước.
Trong ngày khai mạc Kỳ họp thứ 4, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có tờ trình gửi Quốc hội về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương năm 2023, kế hoạch tài chính ngân sách năm 2023-2025. Trong đó, một trong những nội dung quan trọng nhận được sự quan tâm của cử tri là việc tăng lương cho cán bộ, công chức, viên thức. Theo đó, Chính phủ đề xuất Quốc hội chưa thực hiện cải cách tiền lương trong năm 2023, nhưng từ ngày 1/7/2023 thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng (khoảng 20,8%); tăng chi lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do ngân sách đảm bảo khoảng 12,5%. Hỗ trợ thêm đối với đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp; tăng chi trợ cấp ưu đãi người có công và tăng chi các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở khoảng 20,8%. Từ ngày 1/1/2023, điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở.
Việc đề xuất tăng lương lần này nhận được sự đồng tình cao của cử tri cả nước nói chung, cán bộ, công chức, viên chức nói riêng, bởi lần điều chỉnh tăng lương cơ sở áp dụng với cán bộ, công chức, viên chức gần nhất là từ 1/7/2019, tăng từ 1,39 triệu đồng lên 1,49 triệu đồng.
Đối với ngân sách để tăng lương công chức, viên chức đợt này, dự kiến sẽ tăng chi ngân sách nhà nước khoảng 60.000 tỷ đồng, trong tổng số tăng chi khoảng 338.000-340.000 tỷ đồng của năm 2023. Về nguồn ngân sách cho tăng lương, cùng với việc sử dụng nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, dự kiến bố trí dự toán chi ngân sách Trung ương năm 2023 là 12.500 tỷ đồng để đảm bảo nguồn thực hiện.
Lương cơ sở là mức lương dùng làm căn cứ tính lương của cán bộ, công chức, viên chức... trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác. 3 năm qua do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nên việc tăng lương đã không thể thực hiện. Điều này đã ảnh hưởng đến đời sống cán bộ, công chức, viên chức.
Do đồng lương chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, chi tiêu cho cuộc sống đơn giản hằng ngày, thời gian qua, đã có không ít cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, ban, ngành, địa phương bỏ việc, chuyển việc. Nhất là gần 2 năm chống chọi với dịch bệnh Covid-19, với cường độ làm việc cao, căng thẳng, nguy hiểm, trong khi đồng lương thấp chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của cuộc sống đã khiến nhiều cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Y tế chuyển công tác, xin nghỉ, bỏ việc. Theo báo cáo của Bộ Y tế thì trong 6 tháng đầu năm 2022, có tổng số 4.162 viên chức y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc. Lũy kế từ đầu năm 2021 đến 30/6/2022 có 9.467 viên chức y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc.
Do dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội dẫn đến thực hiện thu ngân sách nhà nước gặp khó khăn nên lương cơ sở chưa được điều chỉnh kể từ 1/7/2019 trở lại đây được cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hết sức chia sẻ. Chính vì vậy, khi mà nền kinh tế đã dần phục hồi, tăng trưởng trở lại sau đại dịch thì việc tăng lương là hợp lý, kịp thời, qua đó động viên cán bộ, công chức, viên chức... tiếp tục cống hiến, lao động hăng say để xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.
Thái Bình
Liên kết website
Ý kiến ()