Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 15/11/2024 13:16 (GMT +7)
Tăng trưởng kinh tế nhờ nội lực
Thứ 6, 16/12/2022 | 10:54:55 [GMT +7] A A
Tại hội thảo "Động lực phát triển kinh tế Việt Nam 2023" do báo Xây dựng tổ chức, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), nguyên Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã nêu rõ thực trạng khó khăn của các doanh nghiệp hiện nay.
Bức tranh kinh tế năm 2022 khó khăn
Theo ông Vũ Tiến Lộc, năm 2022, trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19, cộng đồng các doanh nghiệp Việt Nam đã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức và vẫn có thể tiếp tục chịu tác động kéo dài. Mặc dù các con số vĩ mô của nền kinh tế vẫn đang tích cực, nhưng thực chất, hoạt động của các doanh nghiệp đang trong "mùa đông giá lạnh" năm 2022, với bức tranh có gam màu xám chủ đạo.
Trong 11 tháng đầu năm, số doanh nghiệp mới thành lập tăng 33% so với năm 2021. Điều này minh chứng cho việc, trong khó khăn các doanh nghiệp trẻ vẫn có tinh thần khởi nghiệp cao, nhưng bên cạnh đó cũng có tới 123.000 doanh nghiệp phải rút khỏi thị trường, đây là tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay.
"Cứ 10 doanh nghiệp được thành lập thì 7 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, đây là con số đáng suy nghĩ. Bản chất của hiện tượng này là sự tổn thất của thị trường, nó là vấn đề tăng trưởng, vấn đề việc làm và niềm tin trong nền kinh tế", ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Nếu nhìn sâu vào bức tranh kinh tế, có thể thấy các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn khi hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp. Năm 2020, chỉ 39,7% doanh nghiệp có lãi, 41% hòa vốn. Thế nhưng, năm 2022, hiệu suất kinh doanh của doanh nghiệp không tăng vì đã suy kiệt sau 2 năm chống chọi với dịch bệnh, sau đó lại đương đầu với nhiều khó khăn từ suy thoái, chiến tranh, đứt gãy chuỗi cung ứng trên thế giới...
Còn theo TS. Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, khó khăn của các doanh nghiệp và thách thức với tăng trưởng kinh tế vẫn còn hiện hữu. Trong đó có các nguyên nhân do dịch bệnh, rủi ro địa chính trị và cạnh tranh chiến lược giữa các nước khiến chuỗi cung ứng gián đoạn. Thêm vào đó, kinh tế thế giới đang đối mặt nguy cơ suy thoái nhẹ, làm giảm nhu cầu thương mại, khiến xuất khẩu của Việt Nam gặp khó khăn hơn; thu hút đầu tư FDI và các nguồn lực khác cũng chậm lại; du lịch quốc tế của Việt Nam khó tăng nhanh. Các rủi ro lạm phát cũng kéo theo rủi ro ở khu vực sản xuất, tài chính - tiền tệ, bất động sản... cũng là những vấn đề lớn đối với tăng trưởng kinh tế hiện nay.
Ngoài ra, xét về tổng thể, có thể thấy "điểm nghẽn" lớn nhất của nền kinh tế hiện nay là nhiều cơ chế quản lý, chính sách pháp luật chưa thực sự đồng bộ, còn chồng chéo, nên ảnh hưởng đến nhiều hoạt động đầu tư kinh doanh, chẳng hạn như các dự án liên quan đến bất động sản thì còn vướng mắc nhiều ở Luật Đất đai, hay đầu tư công vẫn còn vướng ở quy trình, thủ tục… Do đó, giải quyết nút thắt thể chế, tháo gỡ để tạo đà là yêu cầu cấp thiết từ trong năm 2023.
Nâng cao nội lực để tăng trưởng kinh tế bền vững
Trước thực tế trên, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, đối mặt với những thách thức như vậy, những yếu kém trong nội bộ của doanh nghiệp được bộc lộ ra, tác động trực tiếp đến tình hình kinh doanh, buộc các doanh nghiệp phải rút khỏi thị trường. Song, nhìn ở góc độ tích cực, những yếu tố khách quan này tạo nên sự đổi mới, buộc các doanh nghiệp thay đổi để thanh lọc, khiến cho quá trình tái cấu trúc của thị trường diễn ra mạnh mẽ hơn.
Nền kinh tế bước vào 2023 với những khó khăn và thách thức mới. Bức tranh kinh doanh của những tháng cuối năm 2022 sẽ tiếp tục diễn biến trong 6 tháng đầu năm 2023. Do vậy, các doanh nghiệp chỉ có thể nâng cao nội lực để ứng phó với sự thay đổi. Đây sẽ yếu tố khiến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp được cải thiện và mở rộng hơn. Và để thích ứng với bối cảnh mới, vượt qua thách thức, các doanh nghiệp nên đi theo hướng phát triển bền vững, đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi nhân văn. Mặt khác, các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực pháp lý, để đảm bảo an toàn trong kinh doanh và cần quan tâm nhiều hơn vấn đề pháp lý trong sản xuất, xuất nhập khẩu, nhằm hạn chế tối đa những phát sinh rủi ro.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ, các cơ quan quản lý đã có những chương trình cải cách thể chế, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, chương trình cải cách kinh tế, nhưng những kết quả vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Mặc dù tăng trưởng kinh tế năm 2022 đáng phấn khởi so với những khó khăn đã trải qua, nhưng thời gian tới cũng đặt ra nhiều thách thức ở nội tại và bên ngoài, khiến hoạt động của các doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn.
Do vậy, năm 2023 là năm Chính phủ phải thực thi các hành động một cách mạnh mẽ, quyết liệt, kịp thời và đầy đủ các giải pháp đã đề ra. Đối với các nhóm giải pháp, cần bám sát những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp để kịp thời giải quyết các vướng mắc. Một trong những vấn đề đó là cơ chế, thể chế, Chính phủ cần tập trung giải quyết các vấn đề căn cơ như: Đầu tư công, giải quyết các vấn đề phát sinh mới, vướng mắc mới, tránh những quyết sách đột ngột, không dự báo trước, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ứng phó với khó khăn, thích ứng, chuyển hướng.
Đồng thời, Chính phủ cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và quan tâm đặc biệt đến sự minh bạch và công bằng, hướng tới chất lượng cao hơn, không chỉ đơn thuần là giải quyết các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Làm được điều này sẽ tạo cơ hội để các doanh nghiệp vượt qua thách thức để phát triển, bứt phá trong thời gian tới.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()