Tất cả chuyên mục

Ngày 2/7, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tổ chức hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025 theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến với các địa phương.
Dự và chủ trì tại điểm cầu Trung ương có Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo.
Dự tại điểm cầu Quảng Ninh có đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; các đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy; các thành viên BCĐ phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tỉnh và lãnh đạo 54 xã, phường, đặc khu.
6 tháng đầu năm 2025, việc triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã đạt nhiều kết quả nổi bật, đặc biệt Ban Chỉ đạo Trung ương đã ban hành các kế hoạch chiến lược triển khai Nghị quyết 57 với sự đồng hành của các doanh nghiệp công nghệ lớn trong nước. Quốc hội đã thông qua các luật có ý nghĩa quan trọng, tạo hành lang pháp lý mới, ưu tiên phát triển các lĩnh vực công nghệ chiến lược như trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, dữ liệu lớn, Internet vạn vật. Chính phủ cũng đã ban hành các nghị định và nghị quyết tập trung tháo gỡ nhiều rào cản về thể chế, nhất là các quy định liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, cơ chế một cửa, một cửa liên thông; quy định về phân cấp, phân quyền phù hợp với mô hình chính quyền hai cấp ở địa phương.
Cùng với đó, đã đưa vào vận hành Hệ thống giám sát, đánh giá Nghị quyết 57 và Hệ thống tiếp nhận phản ánh, kiến nghị, sáng kiến trong lĩnh vực KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Về hạ tầng số, đến nay đã có 12.106 trạm 5G được triển khai, phủ sóng hơn 26% dân số, hướng tới mục tiêu 90% dân số được tiếp cận 5G vào cuối năm 2025. Cả nước hiện có 858 doanh nghiệp KHCN; 45 doanh nghiệp công nghệ cao; hơn 73.000 doanh nghiệp công nghệ số đang hoạt động.
Một điểm rất nổi bật là sự đồng hành, tham gia hết sức tích cực, chủ động của các doanh nghiệp công nghệ lớn trong nước. Tập đoàn công nghệ lớn như: Viettel, VNPT, FPT, CMC... không chỉ tham gia với vai trò nhà thầu thực hiện dự án, mà còn trực tiếp cùng Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành xây dựng giải pháp, đề xuất chính sách.
Tại hội nghị, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã thực hiện nghi thức bấm nút ra mắt 3 nền tảng ứng dụng phục vụ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW gồm: Cổng Thông tin điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam; Hệ thống thông tin giám sát, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW; Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị, sáng kiến, giải pháp phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Đồng thời, các đại biểu đã thảo luận về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu đề ra theo Nghị quyết 57-NQ/TW.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu trong thay đổi tư duy dẫn đến hành động. Thủ tướng cho rằng, cần tiếp tục tháo gỡ, hoàn thiện thể chế, chính sách, xây dựng cơ chế, chính sách ưu tiên thúc đẩy; huy động, động viên, khuyến khích nguồn lực trong nhân dân. Cùng với đó, phát triển cơ sở dữ liệu trong mỗi cấp, mỗi ngành; cung cấp sóng, điện đến vùng sâu, vùng xa; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và đẩy mạnh phong trào "Bình dân học vụ số"; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa; phân cấp, phân quyền mạnh hơn nữa, cắt giảm thủ tục hành chính rườm rà...
Kết luận hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương đã triển khai tích cực, có những sáng kiến hay trong phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Tuy nhiên, con đường phía trước còn nhiều khó khăn, điểm nghẽn, thách thức trong tư duy chỉ đạo, cơ chế phối hợp...
Tổng Bí thư lưu ý, các mục tiêu, nhiệm vụ đã đặt ra theo Nghị quyết 57-NQ/TW là rất lớn, có tính chiến lược và cấp bách nên đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải chủ động rà soát các nhóm nhiệm vụ, quyết liệt trong triển khai hành động để đưa nghị quyết đi vào chiều sâu, thực chất. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thông thoáng, đột phá. Ban Chỉ đạo, Cơ quan thường trực và tổ giúp việc tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát độc lập, kịp thời phát hiện các điểm nghẽn, xử lý ngay từ cơ sở.
Đẩy nhanh phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, tạo nền tảng đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, qua đó thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số. Phát triển mạnh mẽ nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn. Quan tâm bố trí nguồn lực tài chính một cách tập trung, hiệu quả để triển khai các nhiệm vụ đã đề ra. Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông về các nội dung đột phá của Nghị quyết 57-NQ/TW để huy động sự tham gia của toàn xã hội.
Ý kiến ()