Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 26/11/2024 07:09 (GMT +7)
Tạo chuyển biến trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở
Thứ 3, 25/05/2021 | 09:31:23 [GMT +7] A A
Trong những năm qua, việc thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở luôn được các cấp, các ngành của Quảng Ninh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, thực hiện.
Các cấp, các ngành của tỉnh đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện Kết luận số 120/KL/TW ngày 7/1/2016 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở” bằng việc ban hành các chỉ thị, kế hoạch, văn bản chỉ đạo; thành lập Ban chỉ đạo QCDC các cấp.
Đồng thời, Quảng Ninh cũng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức; tăng cường kiểm tra, giám sát về thực hiện QCDC ở cơ sở. Từ năm 2016 đến nay, các đơn vị, địa phương trên địa bàn Quảng Ninh đã thực hiện 797 cuộc kiểm tra giám sát; qua đó phát hiện 39 vi phạm.
Cùng với đó, các cấp chính quyền còn huy động sự vào cuộc của Mặt trận tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức chính trị xã hội trong công tác này. Uỷ ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội đã thực hiện tốt vai trò trong giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên. Nội dung giám sát tập trung vào việc thực hiện các chính sách, pháp luật có liên quan trực tiếp đến đoàn viên, hội viên và nhân dân.
Qua đó, nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên và nhân dân về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở được nâng cao. Các xã, phường, thị trấn nghiêm túc thực hiện công khai, minh bạch những nội dung theo quy định, tập trung vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, các chính sách an sinh xã hội, các quy định, trình tự giải quyết thủ tục hành chính, vay vốn ưu đãi, bình xét hộ nghèo... bằng cách niêm yết tại trụ sở UBND xã, nhà văn hóa thôn, bản, khu phố, thông qua hệ thống loa truyền thanh, thông qua họp tổ dân, khu phố...
Tiêu biểu như TX Đông Triều đã xây dựng 194 bảng tin tại 21/21 trụ sở UBND cấp xã và 173/173 nhà văn hóa thôn, khu để niêm yết công khai các nội dung cho người dân. Hay như huyện Ba Chẽ đặt hòm thư góp ý ở cả 74 khu phố để người dân tham gia góp ý với chính quyền địa phương... Từ đây, người dân được tham gia bàn bạc, quyết định mức huy động các nguồn đóng góp tự nguyện để xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi. Tham gia xây dựng hương ước, quy ước...
Trong năm 2020, 177 xã, phường, thị trấn trên địa bàn Quảng Ninh đều thành lập Ban thanh tra nhân dân với 1.235 thành viên; thành lập 429 ban giám sát đầu tư cộng đồng theo chương trình, dự án. Các Ban này tập trung thanh tra, giám sát các công trình phúc lợi công cộng, việc thực hiện chế độ chính sách, thu chi các loại quỹ, các khoản đóng góp của nhân dân, công khai tài chính... Qua đó, đã phát hiện một số sai phạm, kịp thời kiến nghị với chính quyền giải quyết, xử lý, giúp cơ quan nhà nước, chính quyền thực hiện tốt hơn công tác quản lý.
Nhờ đó, các vấn đề mà người dân quan tâm đều được xem xét, giải quyết ngay từ cơ sở theo thẩm quyền. Từ năm 2016 đến 2020, cơ quan hành chính nhà nước các cấp ở Quảng Ninh đã tiếp 42.565 lượt công dân với gần 28.100 vụ việc. Trong 3.371 đơn khiếu nại, 220 đơn tố cáo thuộc thẩm quyền, cơ quan hành chính các cấp đã giải quyết 3.276 vụ việc khiếu nại, 211 vụ việc tố cáo. Các vụ việc còn lại cũng đã được giải quyết trong quý I/2021. Với các dự án trọng điểm, dự án lớn của tỉnh, địa phương, các địa phương đều tổ chức tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.
Về phía các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh thời gian qua cũng đã nghiêm túc thực hiện QCDC theo quy định; gắn việc thực hiện QCDC với thực hiện cải cách hành chính, xây dựng phong cách làm việc theo hướng “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với nhân dân”. Thủ trưởng các cơ quan thường xuyên lắng nghe ý kiến phản ánh, kiến nghị đề xuất của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), tạo điều kiện để CBCCVC tham gia góp ý. Các đơn vị đều thực hiện công khai, minh bạch trong đánh giá CBCCVC, các chủ trương mua sắm trang thiết bị, việc tuyển dụng, nâng lương, quy hoạch, bổ nhiệm, lấy phiếu tín nhiệm, bổ nhiệm lại CBCCVC...
Qua kiểm tra của các đoàn liên ngành cho thấy, ý thức, đạo đức công vụ trong đội ngũ CBCCVC được nâng cao, nhất là những người làm công tác tiếp dân, trực giải quyết công việc, hồ sơ TTHC cho người dân, doanh nghiệp. Hàng năm, cơ quan đều rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy định cho phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị; triển khai tổ chức Hội nghị CBCCVC đảm bảo theo quy định.
Các doanh nghiệp trên địa bàn cũng tích cực vào cuộc trong thực hiện QCDC cơ sở; xây dựng thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể với nhiều nội dung có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật. Các doanh nghiệp đều xây dựng các loại nội quy, quy chế nội bộ và công khai đến người lao động. Việc tổ chức hội nghị người lao động tại các doanh nghiệp đã kịp thời giải quyết những vướng mắc, bất cập trong công tác lãnh đạo, điều hành và kiến nghị của người lao động. Năm 2020, 364 doanh nghiệp có công đoàn cơ sở tổ chức hội nghị người lao động.
Việc triển khai thực hiện tốt QCDC ở cơ sở đã góp phần giúp Quảng Ninh hoàn thành thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()