Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 02:27 (GMT +7)
Tạo cơ sở pháp lý đồng bộ để CSCĐ đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới
Thứ 3, 26/10/2021 | 08:15:34 [GMT +7] A A
Dự thảo Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ) là nội dung quan trọng được bàn thảo trong chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu luật này được thông qua sẽ góp phần xây dựng lực lượng CSCĐ chính quy, hiện đại, bảo đảm nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn TTATXH trong thời gian tới. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã ghi nhận ý kiến của các đơn vị liên quan và cử tri xung quanh dự thảo luật này.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh: “Thống nhất với đề xuất của Chính phủ về việc ban hành Luật CSCĐ là hết sức cần thiết”
Việc sớm ban hành Luật CSCĐ là hết sức cần thiết vì hiện Pháp lệnh CSCĐ đã bộc lộ hạn chế và lạc hậu so với Luật Công an nhân dân năm 2018.
Qua nghiên cứu và tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, các ngành liên quan cho thấy, Dự thảo Luật CSCĐ đã quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của CSCĐ để bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; các biện pháp công tác và việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ của CSCĐ; phân định các trường hợp và thẩm quyền điều động CSCĐ thực hiện nhiệm vụ; quy định cơ chế phối hợp giữa CSCĐ với cơ quan, tổ chức, lực lượng chức năng có liên quan. Đồng thời, dự thảo Luật cũng kế thừa các quy định còn phù hợp của Pháp lệnh CSCĐ, bổ sung những quy định mới nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật có liên quan, đáp ứng yêu cầu xây dựng và kiện toàn tổ chức, hoạt động của CSCĐ trong tình hình mới.
Bên cạnh đó, Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đã tổng hợp ý kiến để có một số góp ý cụ thể liên quan đến nguyên tắc hoạt động của CSCĐ, các hành vi bị nghiêm cấm, quyền hạn của CSCĐ, biện pháp công tác, chế độ, chính sách đối với cán bộ CSCĐ ở những địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa…
Thượng tá Nguyễn Thuận, Phó Giám đốc Công an tỉnh: Cơ bản nhất trí với các quy định trong dự thảo luật
Qua nghiên cứu, lấy ý kiến, Công an tỉnh cơ bản nhất trí với những quy định mới như: CSCĐ là lực lượng nòng cốt, chuyên trách thực hiện biệp pháp vũ trang bảo vệ ANQG, bảo đảm TTATXH. Đây là quy định kế thừa hợp lý từ Pháp lệnh CSCĐ năm 2013, nhằm xác định chức năng đặc thù của CSCĐ so với các lực lượng khác trong CAND. Hay quy định về nguyên tắc hoạt động của CSCĐ là “Đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước”.
Tham gia ý kiến vào dự thảo luật, Công an tỉnh đã có văn bản đề nghị xác định rõ cơ sở pháp lý cho CSCĐ trong quá trình hợp tác, trao đổi kinh nghiệm khi được huy động tham gia thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, tránh chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng khác đã được pháp luật quy định. Đồng thời, đề nghị bổ sung chi tiết một số quy định liên quan đến việc sử dụng biện pháp vũ trang để thực hiện nhiệm vụ của CSCĐ; được mang theo người vũ khí, công cụ hỗ trợ, chủ động ngăn chặn, vô hiệu hóa tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ trong trường hợp các phương tiện này trực tiếp tấn công, xâm phạm hoặc đe dọa tấn công xâm phạm mục tiêu bảo vệ của CSCĐ.
Ngoài những chế độ, chính sách được hưởng theo quy định chung, CSCĐ khi phục vụ tại ngũ còn được hưởng các chính sách ưu đãi và chế độ đặc thù phù hợp với tính chất nhiệm vụ và địa bàn hoạt động, trong trường hợp công tác ổn định lâu dài được bố trí nhà ở công vụ… Công an tỉnh cũng tán thành phương án 1, quy định về hệ thống tổ chức của CSCĐ để đảm bảo và nâng cao tính chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong công tác xây dựng lực lượng.
Luật sư Đặng Thị Kim Dung, Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV LK và Cộng sự: Nâng Pháp lệnh lên thành Luật CSCĐ là rất kịp thời
Dưới góc độ pháp lý, Pháp lệnh CSCĐ số 08/2013/UBTVQH13 được ban hành đã gần 10 năm và với chỉ một văn bản hướng dẫn là Thông tư số 58/2015/TT-BCA quy định về tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội của lực lượng CSCĐ đã thể hiện được tính ổn định của các quy phạm pháp luật được nêu trong đó. Tuy nhiên, những biến động về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trong những năm gần đây đòi hỏi sự có mặt nhiều hơn của lực lượng CSCĐ, từ đó thấy rằng cần thiết phải có thêm các quy định về chức năng, quyền hạn cũng như cơ chế quản lý, điều động đối với lực lượng này, để vừa đáp ứng nhu cầu bảo đảm TTATXH, ANQG, vừa đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong quản lý.
CSCĐ là lực lượng vũ trang đặc biệt, với quyền hạn và nhiệm vụ mang tính chất đặc thù, nhưng văn bản quy phạm pháp luật cao nhất quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, hoạt động, chế độ chính sách và cơ chế quản lý đối với lực lượng này mới chỉ dừng lại ở Pháp lệnh là chưa thực sự tương xứng. Bởi vậy, trong quá trình nghiên cứu để điều chỉnh, bổ sung các quy định liên quan đến lực lượng CSCĐ, việc cân nhắc nâng Pháp lệnh lên thành Luật CSCĐ là cần thiết, kịp thời và tương xứng với vị thế của một lực lượng vũ trang tinh nhuệ.
Ông Nguyễn Đăng Thành (khu 3, phường Cao Thắng, TP Hạ Long): Luật CSCĐ cần sớm được thống nhất, ban hành
Theo dõi các phiên họp của Quốc hội, tôi được biết tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV đang tập trung bàn thảo cho ý kiến đối với Tờ trình về dự án Luật CSCĐ. Theo tôi, trong bối cảnh hiện nay, nhiều hoạt động trong xã hội có diễn biến hết sức phức tạp, bởi vậy cùng với các lực lượng chức năng, nhiệm vụ của CSCĐ có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc giữ gìn TTATXH. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có quy chế quy định về quyền hạn của CSCĐ nên việc giải quyết vụ việc vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều quy định còn bị chồng chéo với các lực lượng vũ trang khác.
Do đó, tôi mong muốn Luật CSCĐ sẽ sớm được thống nhất, ban hành chính thức trong thời gian tới, để các quy định mới được hiện thực hóa trong cuộc sống, góp phần thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước và từng bước hiện đại lực lượng CSCĐ.
Ông Trần Trọng Đại (phường Yết Kiêu, TP Hạ Long): Tạo hành lang pháp lý quan trọng cho lực lượng đặc thù thực hiện tốt nhiệm vụ
Thực tế trong thời gian qua cho thấy, các loại tội phạm ngày càng hoạt động manh động, nhất là tội phạm sử dụng vũ khí “nóng”, tội phạm xã hội “đen”. Trong khi đó, CSCĐ là lực lượng đặc thù, luôn đối mặt với nhiều hiểm nguy so với các lực lượng công an khác. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có Pháp lệnh CSCĐ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành. Vì vậy, để tạo hành lang pháp lý quan trọng cho lực lượng CSCĐ thực hiện tốt nhiệm vụ theo yêu cầu thực tiễn đặt ra, cần thiết phải nâng lên thành luật. Qua đó, thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng lực lượng CSCĐ, nhất là các nội dung liên quan đến quyền con người, quyền công dân để bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với pháp luật hiện hành.
Theo dõi qua các thông tin đại chúng, tôi nhận thấy, dự thảo Luật CSCĐ đã quy định cụ thể về nhóm nhiệm vụ và quyền hạn, mối quan hệ phối hợp với các lực lượng khác trong khi thi hành nhiệm vụ. Những quy định mới này cụ thể hơn, dễ hiểu hơn, dễ áp dụng và có tính tương thích với các văn bản khác đã ban hành liên quan đến vấn đề an ninh trật tự.
Hoàng Nga - Minh Đức
- Thảo luận tại tổ về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê
- Hội nghị lấy ý kiến tham gia vào các dự án luật trình tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV
- Lấy ý kiến tham gia vào các dự án luật trình tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV
Liên kết website
Ý kiến ()