Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 07:41 (GMT +7)
Tạo điều kiện củng cố, nâng cao tiềm lực công nghiệp quốc phòng, an ninh
Thứ 4, 21/02/2024 | 17:10:48 [GMT +7] A A
Theo Chủ tịch Quốc hội, Luật Công nghiệp Quốc phòng, An ninh và Động viên Công nghiệp là dự án luật khó khi luật gốc về phát triển công nghiệp chưa có, hai Pháp lệnh liên quan được thông qua đã lâu.
Sáng 21/2, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp cho ý kiến về một số nội dung lớn tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Công nghiệp Quốc phòng, An ninh và Động viên Công nghiệp.
Tham dự có: Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; các Phó Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Khắc Định, Nguyễn Đức Hải, Thượng tướng Trần Quang Phương; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp, lãnh đạo các bộ, ngành hữu quan…
Phát biểu mở đầu cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Công nghiệp Quốc phòng, An ninh và Động viên Công nghiệp.
Ngay sau kỳ họp, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật.
Theo kế hoạch, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến tại phiên họp tới đây và dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024). Nhấn mạnh đây là dự án Luật rất quan trọng, có nhiều chính sách đặc thù, vượt trội để phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần phải chuẩn bị tốt nhất hồ sơ dự án Luật trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và Quốc hội xem xét, thông qua.
Tại cuộc họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới đã báo cáo về một số nội dung lớn tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật này.
Sau khi nghe ý kiến phát biểu, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Ban soạn thảo dự án luật và các cơ quan đã tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là cơ hội tạo điều kiện cho công nghiệp quốc phòng, an ninh được củng cố, phát triển, nâng cao tiềm lực trong bối cảnh cần nâng cao khả năng tự lực tự cường để phát triển, nhất là Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) đã ban hành Nghị quyết về Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đây là dự án luật khó khi luật gốc về Phát triển công nghiệp chưa có, dự án luật được xây dựng lần đầu trong bối cảnh hai Pháp lệnh liên quan được thông qua đã lâu (từ năm 2003 và 2008), gồm: Pháp lệnh Động viên công nghiệp đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI thông qua ngày 25/2/2003 và Pháp lệnh Công nghiệp Quốc phòng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII thông qua ngày 26/1/2008, được sửa đổi, bổ sung ngày 22/12/2018.
Trước yêu cầu của thực tiễn, cần xây dựng dự án Luật Công nghiệp Quốc phòng, an ninh, Động viên Công nghiệp nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng; khắc phục kịp thời những khó khăn, bất cập để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, động viên công nghiệp.
Trên tinh thần đó cần xác định tính chất dự án luật này là những vấn đề mang tính nguyên tắc, thể chế hoá quan điểm của Đảng. Những vấn đề cụ thể, chi tiết, Chính phủ quy định thêm để đảm bảo sự đồng bộ của hệ thống pháp luật và tính đặc thù.
Cùng với đó cơ quan hữu quan bám sát Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 17/11/2022, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có những nội hàm như: "Phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh theo hướng lưỡng dụng, hiện đại, tự lực, tự cường, liên kết chặt chẽ với công nghiệp dân sinh, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia. Tăng cường liên kết, chuyển giao, chuyển đổi công nghệ giữa công nghiệp dân sinh và công nghiệp quốc phòng, hình thành một số nền tảng đổi mới sáng tạo dùng chung"; "Tăng cường hợp tác, liên doanh, liên kết, đầu tư nguồn lực hỗ trợ các cơ sở dân sinh phục vụ công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh. Cơ cấu lại các cơ sở công nghiệp quốc phòng, hình thành các cơ sở công nghiệp an ninh bảo đảm tinh gọn, hiệu quả, hiện đại theo hướng lưỡng dụng, hiện đại"…
Dự án luật cần tiếp tục được hoàn thiện theo hướng nội dung bám sát dự án luật đã được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu Pháp lệnh Động viên Công nghiệp và Pháp lệnh Công nghiệp Quốc phòng, tham khảo một số Luật khác, nghiên cứu thêm thiết kế chính sách…
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ những vấn đề lớn cần tổng hợp các ý kiến của các bộ, ngành hữu quan, nghiên cứu để chọn những phương án tối ưu để tiếp tục trao đổi.
Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội chủ trì cùng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an phối hợp cùng các cơ quan hữu quan, trên nền tảng đã có, tiếp thu hoàn thiện những vấn đề lớn trên tinh thần trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồ sơ dự án luật cần được xem xét, nghiên cứu cẩn trọng, kỹ lưỡng, công phu và bám sát quy trình theo quy định.
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật này với 102 lượt ý kiến. Ngay sau kỳ họp, dự thảo Luật được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện theo ý kiến đại biểu Quốc hội có 7 Chương với 86 Điều (so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, dự thảo Luật được bổ sung 15 điều, bỏ 2 điều, bổ sung một số nội dung)…/.
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()