Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 26/11/2024 01:06 (GMT +7)
Tạo động lực tăng trưởng cho ngành bán lẻ Việt
Thứ 3, 26/09/2023 | 15:09:19 [GMT +7] A A
Các nhà bán lẻ Việt Nam kỳ vọng tình hình thị trường sẽ cải thiện giai đoạn nửa cuối năm 2023, dù sự phục hồi chưa thực sự rõ rệt và tốc độ khá chậm chạp.
Ông Nguyễn Anh Đức - chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam - cho rằng cần có chính sách và quy mô hỗ trợ bài bản hơn để tạo niềm tin vững chắc cho người tiêu dùng, đồng thời cũng cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ hơn nữa cho các doanh nghiệp sản xuất trực tiếp.
Bán lẻ theo sát nhịp chuyển động của kinh tế vĩ mô
Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đồng tổ chức, nhiều ý kiến đến từ chuyên gia, doanh nghiệp, cho biết tăng trưởng kinh tế đã có những tín hiệu phục hồi tích cực.
Tuy nhiên, sự phục hồi còn non yếu và cần nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ hơn để duy trì ổn định đà tăng trưởng kinh tế.
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Nguyễn Anh Đức - chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam - cho biết trong hai tháng 7 và 8-2023, ngành bán lẻ có những tín hiệu phục hồi khá tích cực khi lần lượt đạt mức tăng trưởng 7,1%, 7,6% so với cùng kỳ năm trước.
Đây là hiệu quả của các chính sách kích cầu như giảm 2% thuế VAT, giãn thời gian nộp thuế, giảm thuế phí sử dụng đất, đẩy mạnh triển khai các chương trình khuyến mại tập trung quốc gia, chính sách visa du lịch, giảm lãi suất cho vay...
Thời gian qua, các doanh nghiệp bán lẻ cũng nỗ lực tìm nhiều giải pháp cơ cấu lại hoạt động kinh doanh, tạo nền tảng phát triển lâu dài.
Các doanh nghiệp đã thực hiện cơ cấu nguồn cầu hàng hóa đầu vào phù hợp với sự dịch chuyển các nguồn hàng tập trung vào thị trường Việt Nam và quy hoạch nguồn nguyên liệu của các địa phương trong nước.
Về nguồn cung hàng hóa dịch chuyển theo hướng tiêu dùng tiết kiệm, tiêu dùng thông minh, quan tâm nhiều hơn đến những nhu cầu thiết yếu; đón đầu và thực hiện những xu hướng phát triển kinh tế bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn,...
Cuối cùng là cơ cấu hoạt động, cấu trúc tổ chức đáp ứng công tác điện toán hóa, số hóa theo đúng xu hướng phát triển hiện đại.
Tuy nhiên, bức tranh phát triển của ngành bán lẻ được nhận định phải đối mặt với nhiều thách thức mới. Cụ thể người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm, trong đó có đến 59-62 triệu người tiêu dùng lựa chọn mua sắm trực tuyến và giá trị mua sắm ước đạt khoảng 300-320 USD/người/năm.
Câu chuyện sức mua yếu và những ảnh hưởng tiêu cực từ sự trì trệ của nền kinh tế những tháng đầu năm ảnh hưởng đến khả năng chống chịu của không ít nhà kinh doanh.
"Các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam hiện đang thực hiện cơ cấu lại hoạt động, nguồn hàng để phù hợp với nhu cầu, thói quen mới của người tiêu dùng theo hướng thông minh, tiết kiệm hơn.
Đồng thời, cơ cấu lại hoạt động theo hướng đón đầu phát triển kinh tế bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn...
Ngay cả Saigon Co.op, nhà bán lẻ hàng đầu của Việt Nam cũng đang tái cơ cấu lại cấu trúc, vận động mạnh mẽ theo hướng số hóa, đáp ứng xu hướng thương mại hiện đại hiện nay", ông Nguyễn Anh Đức nói thêm.
Các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam hiện đang cơ cấu lại hoạt động theo hướng đón đầu phát triển kinh tế bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn... Ngay cả Saigon Co.op, nhà bán lẻ hàng đầu của Việt Nam cũng đang tái cơ cấu lại cấu trúc, vận động mạnh mẽ theo hướng số hóa, đáp ứng xu hướng thương mại hiện đại hiện nay. Ông Nguyễn Anh Đức (Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam - tổng giám đốc Saigon Co.op) |
Bán lẻ cần được hỗ trợ kịp thời
Từ thực tế của thị trường, các doanh nghiệp ngành bán lẻ bắt đầu chuyển mình, thúc đẩy nhanh tiến trình phát triển thương mại điện tử.
Mặt khác, với các nhà bán lẻ truyền thống, họ buộc phải thay đổi chiến lược, đầu tư phát triển thêm các dịch vụ cung ứng trực tuyến, cải tiến hoạt động kinh doanh hệ thống cửa hàng theo hướng tăng tương tác trải nghiệm trực tiếp và trực tuyến cho người tiêu dùng.
Một yếu tố quan trọng khác, các doanh nghiệp bán lẻ phải ứng dụng số hóa, điện toán hóa nhằm bắt kịp xu hướng thanh toán không tiền mặt của thị trường.
Hiện ước tính với doanh thu 20,5 tỉ USD trong năm 2023, tỉ trọng doanh thu thương mại điện tử bán lẻ chiếm khoảng 8% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước, nếu tính riêng bán lẻ chiếm tỉ trọng khoảng 15%.
Theo đánh giá từ các chuyên gia của Vietnam Report, trong bối cảnh thị trường đang vận động theo hướng thuộc về người mua, bất kỳ "nước cờ" nào của các doanh nghiệp bán lẻ cũng đòi hỏi hiểu biết sâu sắc về chuyển dịch trong xu hướng hành vi của người tiêu dùng và khả năng xác định nhạy bén các xu hướng mới.
Trong khi đó, biến động về điều kiện kinh tế - xã hội trong cùng với sự thay đổi về nhân khẩu học của tầng lớp tiêu dùng, đã tạo nên nhu cầu ngày càng mở rộng và đa dạng, có thể kéo theo những tác động lớn đến cơ cấu hàng hóa tiêu dùng và ngành bán lẻ.
TS Cấn Văn Lực cho rằng cơ hội và thách thức đan xen, vì vậy muốn lấy lại đà phát triển nhanh và bền vững đòi hỏi Quốc hội và Chính phủ cần thực hiện nhiều chính sách, giải pháp vừa đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao khả năng chống chịu, củng cố các động lực tăng trưởng truyền thống vừa tạo không gian đủ rộng để khai thác hiệu quả các mô hình, động lực tăng trưởng mới, cho trước mắt và lâu dài.
Trước bối cảnh kinh tế chung, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh hồi phục, củng cố niềm tin với người dân, doanh nghiệp, người tiêu dùng, tạo luồng sinh khí mới cho môi trường đầu tư, kinh doanh là thông điệp xuyên suốt tại diễn đàn này.
Đây cũng là yêu cầu có tính chất tối thượng. Vì lực đẩy từ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ chính là một trong những cơ sở quan trọng cho kỳ vọng vững vàng vượt qua thời điểm khó khăn, đưa tỉ suất lợi nhuận tích cực hơn trong nửa cuối năm 2023 của các doanh nghiệp bán lẻ.
Theo tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()