Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 15:46 (GMT +7)
“Chìa khóa” để tạo sự đồng thuận trong nhân dân
Thứ 4, 21/08/2024 | 04:59:12 [GMT +7] A A
Những năm qua việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở được các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện, gắn với nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Qua đó, phát huy tính năng động, sáng tạo và quyền làm chủ thực sự của nhân dân, tạo công bằng và ổn định xã hội, đóng góp tích cực vào sự phát triển của địa phương.
Khi vai trò của người dân được phát huy
Đại Dực là xã vùng cao, với hơn 99% người dân là đồng bào DTTS của huyện Tiên Yên. Từ một xã miền núi khó khăn nhất tỉnh, đến nay Đại Dực đã thay da đổi thịt, đời sống của người dân ngày càng ấm no, đủ đầy. Những con đường bê tông rộng trải dài khắp ngõ xóm, nhiều tuyến đường kiểu mẫu được người dân đóng góp kinh phí, công sức, hiến đất để xây dựng; môi trường cảnh quan xanh, sạch đẹp; đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng cao, nhân dân phấn khởi, đoàn kết, chung sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới.
Kết quả này có được là nhờ địa phương đã thực hiện linh hoạt, hiệu quả các chủ trương, chính sách, phát huy hiệu quả dân chủ ở cơ sở với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, qua đó đã tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân, tham gia xây dựng, phát triển địa phương. Đồng chí Hoàng Việt Tùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đại Dực, chia sẻ: Khi có chủ trương làm bất cứ việc gì, xã đều đưa ra bàn bạc công khai tại các thôn, khi nhân dân thống nhất mới triển khai. Quá trình thực hiện, từ khâu lập kế hoạch, hạch toán kinh phí, đến kiểm tra, giám sát đều tổ chức lấy ý kiến của nhân dân. Sau khi hoàn thành, công khai cụ thể từng khoản chi với nhân dân một cách rõ ràng, minh bạch... Nhờ đó, trong những năm qua, các chủ trương của tỉnh, huyện, đặc biệt là phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn được người dân hưởng ứng tích cực. Trong 10 năm qua, Đại Dực đã huy động người dân đóng góp hàng nghìn ngày công lao động và hơn 600 triệu đồng cùng với ngân sách hỗ trợ của huyện và tỉnh để hoàn thiện hạ tầng nông thôn mới.
Cũng nhờ phát huy hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân nên các chủ trương, chính sách, các mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn đều được người dân hưởng ứng tích cực. Điển hình như hộ gia đình ông Nình A Kun (thôn Khe Lục) với mô hình trồng rừng keo; hộ anh Chíu A Hồ (thôn Khe Ngàn) với mô hình nuôi gà Tiên Yên mỗi năm thu nhập 300-500 triệu đồng hay mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm ớt chào mào của cơ sở Lý Văn Quạn với 4 hộ dân, quy mô sản xuất 2ha ớt, sản lượng 4.000 lọ/năm, doanh thu 200 triệu đồng/năm... Đến nay, toàn xã không còn hộ nghèo, chỉ còn 8 hộ cận nghèo; thu nhập bình quân đầu người đến hết năm 2023 đạt 67,7 triệu đồng (tăng 3,2 triệu đồng so với năm 2022).
Còn tại TP Hạ Long, với 243 thôn, khu phố ở 33 xã, phường trên địa bàn, để phát huy dân chủ, các hoạt động của thành phố luôn được công khai đến tổ dân, khu phố, hoặc đại diện nhân dân (thông qua các kỳ họp HĐND), như: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết, phương án điều chỉnh quy hoạch khu dân cư, phương án đền bù, hỗ trợ GPMB, tái định cư; công khai nhiệm vụ, quyền hạn của các cán bộ chuyên môn trực tiếp giải quyết công việc cho dân theo quy định của pháp luật.
Các xã, phường luôn chú trọng công khai các khoản thu - chi; các đợt vận động quyên góp của dân, như: Các loại quỹ, các khoản đóng góp của dân; kinh phí xây dựng nâng cấp các tuyến đường liên khu, xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng... Các cấp ủy, chính quyền cơ sở thực hiện mở rộng dân chủ để nhân dân tham gia bàn bạc và tự quyết định trực tiếp về chủ trương và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi công cộng trong phạm vi xã, phường, khu phố nhân dân tự quản đóng góp toàn bộ hoặc một phần kinh phí.
Điển hình như thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hạ Long về đầu tư, cải tạo, nâng cấp hạ tầng các khu dân cư, khu đô thị hình thành trước năm 2005 trên địa bàn thành phố. Với sự quan tâm và vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận ủng hộ của nhân dân, Nghị quyết đã thực sự đi vào cuộc sống. Từ năm 2021 đến nay, bằng nguồn ngân sách địa phương và các nguồn xã hội hoá khác, TP Hạ Long đã triển khai thi công trên 100 dự án công trình hạ tầng, mang lại cho thành phố diện mạo đô thị hiện đại, văn minh.
Không chỉ để nhân dân tham gia bàn bạc và tự quyết định trực tiếp về chủ trương và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng, quyền giám sát của nhân dân cũng được phát huy thông qua hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng, hoặc gián tiếp thực hiện sự giám sát của mình thông qua hoạt động của Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. 6 tháng năm 2024, ban thanh tra nhân dân các xã, phường đã tổ chức 13 cuộc giám sát, ban giám sát đầu tư của cộng đồng các xã, phường đã tổ chức 168 cuộc giám sát. Qua công tác giám sát phát hiện một số vụ việc vi phạm, kiến nghị xử lý kịp thời. Ông Phạm Công Lại (khu phố 6, phường Cao Thắng) chia sẻ: Mỗi người dân đều rất đồng thuận với việc công khai, minh bạch, trách nhiệm của các cấp chính quyền trong thực hiện dân chủ ở cơ sở. Qua đó, chúng tôi được thực sự phát huy tinh thần dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra khi tham gia vào các nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương.
Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đều quan tâm đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Các nội dung theo quy định của pháp luật gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội đều được thực hiện công khai minh bạch từ cơ sở. Qua đó đã góp phần tạo không khí dân chủ, đồng thuận, tin tưởng, đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân. Người dân trong tỉnh ngày càng tin tưởng vào sự điều hành của bộ máy chính quyền và thực hiện tốt hơn quyền và nghĩa vụ công dân.
Để quy chế dân chủ thực sự đi vào cuộc sống
Xác định rõ việc thực hiện dân chủ ở cơ sở là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài, tỉnh Quảng Ninh luôn tạo điều kiện để nhân dân phát huy quyền làm chủ của mình, gắn việc phát huy dân chủ với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Trong đó, tỉnh đã thực hiện hiệu quả cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Cấp ủy các cấp đã đưa việc thực hiện dân chủ ở cơ sở vào chương trình, kế hoạch của cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng nhằm đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Nhiều địa phương đã đưa nội dung thực hiện dân chủ ở cơ sở thành tiêu chí đánh giá thi đua cuối năm; chỉ đạo các đơn vị đăng ký mô hình điển hình về thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2024.
Hiện nay, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã thực hiện cơ bản đầy đủ, nghiêm túc các quy định về công khai, minh bạch theo quy định của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 và các quy định của tỉnh phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng như niêm yết tại trụ sở UBND xã, họp dân, tiếp xúc cử tri, qua hệ thống loa truyền thanh, qua các phương tiện công nghệ thông tin (nhóm zalo...). Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, các xã, phường, thị trấn đã tổ chức họp đại diện các hộ gia đình để nhân dân cùng bàn bạc và quyết định các kế hoạch, thực hiện các chủ trương trong việc huy động nhân dân đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng trong phạm vi cấp xã và ở thôn, bản.
Chính quyền cấp xã đã phối hợp chặt chẽ với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp tổ chức cho nhân dân tham gia nhiều ý kiến vào các nội dung quan trọng trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định ban hành, như: Phương án chuyển đổi cơ cấu kinh tế, chuyển đổi sản xuất nông nghiệp, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn; các phương án đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư... Đại diện nhiều hộ gia đình ở các khu dân cư đã tham gia ý kiến trách nhiệm vào nhiều mô hình, dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của địa phương. Qua các ý kiến tham gia của nhân dân, các chủ trương, chính sách ban hành của HĐND, UBND được cụ thể, sát hợp hơn, thuyết phục nhân dân và được nhân dân đồng tình ủng hộ thực hiện.
Bên cạnh đó, các xã, phường, thị trấn luôn quan tâm lãnh đạo việc sửa đổi, bổ sung quy ước, hương ước của cộng đồng dân cư đảm bảo đúng theo tinh thần Nghị định số 61/2023/NĐ-CP ngày 16/8/2023 của Chính phủ gắn với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Ban Thanh tra nhân dân ở cơ sở từng bước được kiện toàn, sửa đổi quy chế hoạt động phù hợp với Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Nội dung giám sát của Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn tập trung chủ yếu là việc thực hiện nghị quyết của HĐND, việc thực hiện chế độ “một cửa” và “một cửa liên thông”, chế độ chi trả, chăm sóc các đối tượng chính sách, lựa chọn các hộ nghèo, hộ cận nghèo… Cùng với đó, hoạt động của Ban giám sát đầu tư của cộng đồng ở xã, phường, thị trấn tập trung vào việc xây dựng, sửa chữa với các công trình, dự án của địa phương, các công trình do nhà nước đầu tư, công trình do các tổ chức hỗ trợ...
Bên cạnh đó, việc thực hiện dân chủ trong quan hệ giải quyết công việc giữa các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước với công dân được quan tâm triển khai quyết liệt, hiệu quả. Các cơ quan, đơn vị tăng cường công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, các mẫu hồ sơ, quy trình, thủ tục giải quyết, thời gian giải quyết, phí và lệ phí theo quy định, tiếp thu, giải quyết các ý kiến đóng góp của công dân, tổ chức; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đổi mới phong cách, lề lối làm việc, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ CBCCVC trong thực thi nhiệm vụ, xây dựng hình ảnh, tác phong, cốt cách của CBCCVC Quảng Ninh “chuyên nghiệp, kỷ cương, tận tâm, mẫu mực, năng động, sáng tạo vì người dân phục vụ”.
Đối với thực hiện dân chủ ở tổ chức có sử dụng lao động, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 20.000 doanh nghiệp đang hoạt động, với trên 500.000 lao động, các tổ chức sử dụng lao động đã chủ động tuyên truyền, phổ biến, định hướng cho người lao động biết và thực hiện theo Bộ Luật lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Thực hiện dân chủ... nhờ đó người sử dụng lao động và người lao động ngày càng nhận thức rõ hơn trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện dân chủ tại nơi làm việc.
Các doanh nghiệp đã nghiêm túc thực hiện công khai nhiều nội dung để người lao động biết như: Tình hình sản xuất, kinh doanh của đơn vị; nội quy lao động, thang, bảng lương, định mức lao động, các loại quỹ và số tiền mà người lao động phải đóng (công đoàn, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp...), thi đua, khen thưởng, kỷ luật, khiếu nại, tố cáo liên quan đến lợi ích người lao động... Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã phối hợp với tổ chức công đoàn tạo điều kiện cho người lao động được khám sức khỏe và trang cấp bảo hộ lao động, được tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao với tinh thần “khỏe để lao động, sản xuất”. Công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp đã phối hợp với người sử dụng lao động quan tâm nâng cao chất lượng hội nghị người lao động. 6 tháng năm 2024 đã có 485 doanh nghiệp tổ chức đối thoại với công nhân lao động. Thông qua đối thoại góp phần tạo sự đồng thuận, gắn bó của người lao động với doanh nghiệp, giảm xung đột lợi ích và tranh chấp lao động tập thể.
Nhờ nỗ lực đưa quy chế dân chủ vào cuộc sống của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể đã góp phần tạo không khí dân chủ, đồng thuận, tin tưởng, đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân. Đây chính là tiền đề quan trọng để Quảng Ninh hoàn thành thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()