4
18
/
1073154
Tạo dựng niềm tin, sẻ chia lợi ích
longform
Tạo dựng niềm tin, sẻ chia lợi ích

 

Những năm qua, với cách làm đột phá, linh hoạt, sáng tạo, Quảng Ninh đã xây dựng được hình ảnh một địa phương năng động, đi đầu trong triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, có môi trường đầu tư, kinh doanh hấp dẫn, hiệu quả, cùng chất lượng điều hành của bộ máy chính quyền ở tốp đầu cả nước. Nói về sức hút của Quảng Ninh, tại buổi tọa đàm “Làm tổ cho đại bàng nội” diễn ra vào đầu tháng 3/2021 tại TP Hạ Long, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đã chia sẻ: Các tập đoàn đến Quảng Ninh đều được người đứng đầu tỉnh mời gọi chân thành. Sự thân tình đó, cộng với thể chế, môi trường tốt đã trở thành động lực, tạo niềm tin cho doanh nghiệp khi đến Quảng Ninh đầu tư. 

Trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, Quảng Ninh luôn đề cao nhiệm vụ phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp với những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể. Từ năm 2014 tới nay, trung bình mỗi năm, tỉnh tổ chức 4 hội nghị gặp gỡ tiếp xúc doanh nghiệp quy mô cấp tỉnh và hàng trăm cuộc gặp gỡ, tiếp xúc doanh nghiệp cấp sở, ban, ngành, địa phương và các cuộc họp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo chuyên đề. Tại các cuộc tiếp xúc, các vấn đề doanh nghiệp kiến nghị đã được tỉnh tổng hợp, thông tin về cách giải quyết đến doanh nghiệp; cùng với đó, rất nhiều vấn đề doanh nghiệp đề xuất ngay tại cuộc họp cũng được lãnh đạo tỉnh chỉ đạo hướng giải quyết ngay. Đối với những vấn đề cần có thời gian nghiên cứu, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo cơ quan tham mưu sớm đưa phương án giải quyết và trả lời doanh nghiệp trong thời gian sớm nhất. Cách làm này của tỉnh được cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư đánh giá rất cao. 

Lãnh đạo tỉnh trao đổi với đại diện doanh nghiệp tại hội nghị DDCI 2020
Lãnh đạo tỉnh trao đổi với đại diện doanh nghiệp tại hội nghị DDCI 2020.

Ông Tạ Đức Quyết, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Du lịch Mai Quyền, cho biết: “Tôi đánh giá cao sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành trong lắng nghe tiếng nói, nguyện vọng và đồng hành cùng doanh nghiệp. Đặc biệt, khi có phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp đến các cấp, các ngành đều được phản hồi và có giải pháp tháo gỡ nhanh nhất...".

Không những thế, cách mà Quảng Ninh đồng hành cùng doanh nghiệp cũng luôn bắt kịp dòng chảy chung của xã hội. Đó là việc quyết tâm trở thành một trong những tỉnh đi đầu cả nước về triển khai Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số để tạo môi trường thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp. Với mục tiêu tạo đột phá, phục vụ tốt nhất nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư, trong suốt thời gian qua, công tác CCHC, xây dựng chính quyền điện tử luôn được tỉnh chú trọng đẩy mạnh, thực hiện thường xuyên, liên tục, không có điểm dừng. Từ đó, góp phần tạo bước tiến vượt bậc về các chỉ số PCI, PAR INDEX của tỉnh, thúc đẩy KT-XH phát triển, thu hút nhiều nhà đầu tư đến Quảng Ninh.

Hiện trên 91% TTHC cấp tỉnh, 100% TTHC ở cấp huyện và nhiều TTHC thuộc các cơ quan ngành dọc của Trung ương, như: Thuế, BHXH, công an, điện, nước... đã được đưa vào giải quyết tại các trung tâm hành chính công. Tất cả TTHC đều được rà soát, cắt giảm, đơn giản về thành phần hồ sơ, trình tự thủ tục, giảm thời gian giải quyết so với trước kia từ 45-60%. Theo thống kê trong năm 2020, tỷ lệ hồ sơ trả kết quả đúng hạn và trước hạn của Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh đạt 99,9%, ở cấp huyện đạt 96,9%; tỷ lệ mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức về TTHC được duy trì ở mức cao…

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh nhận Cúp quán quân PCI năm 2020. Ảnh: Minh Hà.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh nhận Cúp quán quân PCI năm 2020. Ảnh: Minh Hà

Ngoài các kênh trên, tỉnh còn chú trọng nắm bắt thông tin, kiến nghị của doanh nghiệp về chất lượng điều hành, phục vụ của cơ quan nhà nước qua nhiều kênh. 2020 là năm thứ 6 liên tiếp Quảng Ninh triển khai đánh giá chất lượng năng lực điều hành kinh tế của các sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh thông qua bộ chỉ số DDCI. Qua mỗi năm, các chỉ số trong bộ chỉ số này đều được nghiên cứu, thay đổi, bổ sung đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn. Thông qua kết quả lấy ý kiến sẽ giúp chính quyền địa phương nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan về hoạt động của mình trong điều hành kinh tế và sự hài lòng của doanh nghiệp đối với cơ quan nhà nước...

Tỉnh cũng luôn xác định phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để phát triển, lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ, chất lượng điều hành của cơ quan hành chính nhà nước từ tỉnh đến cơ sở. Do đó, các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp mỗi năm đều phải được xây dựng, triển khai đồng bộ, gắn với nỗ lực giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về 4 chỉ số PCI, PAR Index, PAPI, SIPAS. Đặc biệt, Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên mạnh dạn đưa mục tiêu về 4 chỉ số này vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025, thể hiện sự quan tâm, đề cao vai trò, tầm quan trọng của các thước đo, các bộ chỉ số đánh giá, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Năm 2020 tỉnh Quảng Ninh tiếp tục xếp vị trí dẫn đầu toàn quốc về chỉ số PAPI. Đồng thời, tiếp tục được vinh danh ở vị trí quán quân Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2020. Đây là năm thứ tư liên tiếp kể từ năm 2017, Quảng Ninh đứng số một về chỉ số này. 

Tập đoàn Foxconn (KCN Đông Mai, TX Quảng Yên) cho ra lô sản phẩm công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo đầu tiên tại Quảng Ninh, tháng 11/2020. Ảnh: Thu Chung.
Tập đoàn Foxconn (KCN Đông Mai, TX Quảng Yên) cho ra lô sản phẩm công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo đầu tiên tại Quảng Ninh, tháng 11/2020. Ảnh: Thu Chung

Với hàng loạt các cách làm mạnh mẽ, quyết liệt, tiên phong, Quảng Ninh đã dần trở thành “mảnh đất vàng” thu hút đầu tư. 10 năm gần đây, tỷ trọng đầu tư công của tỉnh Quảng Ninh đã giảm dần (từ 60% năm 2010 xuống 37% năm 2015, 28% năm 2019); đầu tư nước ngoài tăng mạnh (từ 5% năm 2010 lên 45% năm 2019); đầu tư tư nhân trong nước tiếp tục tăng, chiếm tới 43% tổng vốn đầu tư. Hiện tỉnh đang thu hút được vốn đầu tư từ trên 20 quốc gia và vùng lãnh thổ. Những dự án lớn trị giá lên tới hàng nghìn tỷ đồng ngày một xuất hiện nhiều hơn ở tỉnh đến từ các nhà đầu tư hàng đầu trong nước, như Sun Group, Vingroup, FLC, BIM, Tuần Châu… cùng với đó là hiện diện của các tập đoàn lớn trên thế giới, như Wyndham, Starwood, ISC Corp, Amata, Nakheel, Hilton... Riêng trong năm 2020, tổng vốn đầu tư thu hút vào các KKT, KCN của tỉnh đạt gần 29.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 1.218 triệu USD, trong đó vốn FDI đạt khoảng 593 triệu USD, gấp 2,6 lần so với năm 2019.

Tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức hội nghị làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hiệp hội Du lịch tỉnh về tháo gỡ khó khăn, phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh vào tháng 3/2021
Tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức hội nghị làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hiệp hội Du lịch tỉnh về tháo gỡ khó khăn, phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh vào tháng 3/2021.

Mới đây nhất, hồi cuối tháng 3/2021, tỉnh Quảng Ninh tổ chức Lễ trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam, tổng mức đầu tư 500 triệu USD, cho Công ty Jinko Solar Hong Kong, nhà đầu tư thứ cấp đầu tiên đầu tư vào KCN Sông Khoai (TX Quảng Yên). Dự kiến, sau khi đi vào hoạt động, doanh thu bình quân của dự án sẽ đạt gần 1,3 tỷ USD/năm; thuế thu nhập doanh nghiệp đóng góp cho ngân sách nhà nước sau thời gian ưu đãi về thuế khoảng 873 tỷ đồng/năm; tạo việc làm ổn định cho trên 2.200 lao động với mức thu nhập cao.

Từ đầu năm 2020 đến nay, giai đoạn khó khăn nhất do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến các doanh nghiệp gần như tê liệt, Quảng Ninh tiếp tục chủ động đồng hành, hỗ trợ, chia sẻ với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ; các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thế mạnh của tỉnh, như: Dịch vụ, du lịch, vận tải, ngân hàng, xuất nhập khẩu...

Bên cạnh đó, tỉnh đã nhanh chóng ban hành các cơ chế, chính sách trợ lực cho ngành Du lịch, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất nông sản, thúc đẩy tiêu thụ nội địa, đẩy mạnh xuất khẩu thủy, hải sản... Cùng với đó, các cấp, ngành, đơn vị đã triển khai nhanh chóng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do Covid-19. Năm 2020, Cục Thuế tỉnh đã thực hiện gia hạn nộp thuế cho gần 2.000 doanh nghiệp với số tiền khoảng 1.000 tỷ đồng, giảm tiền thuê đất trên 22 tỷ đồng. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cũng tích cực giải ngân cho doanh nghiệp vay vốn trả lương ngừng việc cho người lao động giúp duy trì hoạt động doanh nghiệp. Vì vậy, khu vực du lịch dịch vụ dù bị ảnh hưởng rất sâu, song hết năm 2020 vẫn đạt mức tăng trưởng 7,5%; nông lâm thủy sản có nhiều bứt phá khi tăng 3,8% so với năm trước.

Hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người dân TX Đông Triều.
Hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người dân TX Đông Triều.

Anh Nguyễn Văn Phượng, Chủ tàu du lịch Phong Hải, chia sẻ: Gia đình tôi có một tàu chạy theo tuyến trên Vịnh Hạ Long. Đợt dịch Covid-19 vừa rồi, hầu hết tàu của tôi cũng như các tàu khác đều không hoạt động được khiến doanh thu sụt giảm mà chi phí cho tàu thì vẫn phải đóng. Tuy nhiên rất may mắn đợt tháng 3, tháng 4/2020, chúng tôi được Chi cục Thuế Hạ Long miễn giảm một phần thuế khoán. Nếu tính như năm 2019, mỗi tháng chúng tôi phải đóng 9 triệu đồng tiền thuế khoán. Nhưng do dịch bệnh, năm 2020, chạy chuyến nào chúng tôi mới phải đóng chuyến đó, chỉ còn khoảng 1 triệu đồng/tháng. Không những thế, Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu cũng hỗ trợ 50-100% phí hạ tầng cơ sở, tương đương với 30-60 triệu đồng/năm, khiến chúng tôi yên tâm và có động lực hơn để tiếp tục kinh doanh.

Với những quyết sách kịp thời của tỉnh, ngành du lịch đã vượt qua khó khăn, dần lấy lại đà tăng trưởng.
Với những quyết sách kịp thời của tỉnh, ngành du lịch đã vượt qua khó khăn, dần lấy lại đà tăng trưởng.

Cùng với việc ban hành các cơ chế, chính sách, tỉnh đẩy mạnh công tác chỉ đạo, điều hành, cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đảm bảo lành mạnh, thông thoáng, minh bạch; tạo điều kiện giải quyết các TTHC, nhất là thủ tục về đất đai, đầu tư, xây dựng, thuế, hải quan, tín dụng. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, sở, ngành, địa phương thường xuyên kiểm tra, làm việc với các doanh nghiệp trong các Khu công nghiệp Cái Lân, Cảng biển Hải Hà, Hải Yên, Đông Mai... nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, triển khai các dự án đầu tư.

Để các doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh, tỉnh tạm dừng các cuộc kiểm tra, thanh tra các doanh nghiệp theo kế hoạch; chuyển cơ chế kiểm tra, giám sát từ tiền kiểm sang hậu kiểm, gắn với minh bạch hóa, tránh chồng chéo trong kiểm tra, thanh tra. Song song với đó, Quảng Ninh luôn xác định việc giải ngân vốn đầu tư công là yếu tố then chốt để thu hút đầu tư, tạo nền tảng phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Năm 2020, tỉnh đã chỉ đạo khởi công một loạt dự án hạ tầng giao thông quan trọng, như: Đường nối KCN Cái Lân qua KCN Việt Hưng với cao tốc Hạ Long - Vân Đồn; cầu Cửa Lục 1; cầu Cửa Lục 3; nút giao Đầm Nhà Mạc; dự án đường nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến đường tỉnh 338... Đến nay, các dự án này đều được triển khai quyết liệt, đảm bảo tiến độ thi công. Hết năm 2020, Quảng Ninh là một trong số địa phương dẫn đầu cả nước về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công với khoảng 90% số vốn được thanh toán.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tường Văn thăm, tìm hiểu hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong KCN Cảng biển Hải Hà
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tường Văn thăm, tìm hiểu hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong KCN Cảng biển Hải Hà.

Bằng sự linh hoạt, sáng tạo, quyết liệt của tỉnh trong việc tận dụng cơ hội kiểm soát tốt dịch bệnh, đẩy mạnh thu hút đầu tư, tích cực cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển KT-XH, năm 2020 tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 85.360 tỷ đồng, tăng 11,3% so với năm 2019, chiếm 6% cơ cấu GRDP, cao hơn gần 1,0 điểm % so với năm 2019. Năm 2020 trên địa bàn tỉnh có hơn 2.000 doanh nghiệp thành lập mới và 661 doanh nghiệp hoạt động trở lại, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đến hết năm 2020 lên 21.108 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký đầu tư 205.466 tỷ đồng.

Năm 2021, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, các cấp chính quyền tỉnh Quảng Ninh tiếp tục cam kết luôn là người bạn đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, lắng nghe, chia sẻ bằng những giải pháp, chính sách cụ thể. Qua đó, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh sớm khắc phục hậu quả, vượt qua khó khăn, từng bước ổn định sản xuất, kinh doanh, bứt phá vươn lên mạnh mẽ.

Sản xuất tại Công ty TNHH Kỹ thuật điện tử Tonly Việt Nam (KCN Đông Mai, TX Quảng Yên).
Sản xuất tại Công ty TNHH Kỹ thuật điện tử Tonly Việt Nam (KCN Đông Mai, TX Quảng Yên).

Đặc biệt, tỉnh tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thực chất và hiệu quả hơn, đảm bảo thông thoáng, minh bạch, thuận lợi. Đồng thời, hỗ trợ, tạo điều kiện, giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, nhất là thủ tục về đầu tư, đất đai, quy hoạch, chủ trương đầu tư, bảo vệ môi trường, chuyển đổi đất lúa, đất rừng, xác định giá đất... theo phương châm “làm đúng, làm nhanh, làm tốt” mang lại sự hài lòng nhất cho người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó, chủ động rà soát, nắm bắt tình hình triển khai các dự án để kịp thời giải quyết triệt để các vấn đề khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về GPMB, bồi thường GPMB, tái định cư... đối với từng dự án, nhất là các dự án trọng điểm.

Với sự đồng lòng, quyết tâm, nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị, Quảng Ninh sẽ tiếp tục khẳng định, giữ vững địa bàn “An toàn - Ổn định - Phát triển”, thực hiện thành công “mục tiêu kép”. Đây là tiền đề quan trọng để địa phương tiếp tục bứt phá và trở thành “mảnh đất vàng” cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư.

 

Thực hiện: Hoàng Quỳnh

Trình bày: Vũ Đức

 

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu