Tất cả chuyên mục

Khu kinh tế (KKT) và khu công nghiệp (KCN) đã và đang đóng vai trò là những "hạt nhân" phát triển kinh tế địa phương, là nơi thu hút dòng vốn đầu tư, thúc đẩy sản xuất, tạo việc làm và lan tỏa động lực tăng trưởng. Vì vậy, việc cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trong các KKT, KCN luôn được tỉnh Quảng Ninh đặt lên hàng đầu.
Tỉnh, các địa phương liên quan luôn đồng hành, tích cực trong hoạt động thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp trong các KCN. Các cấp, các ngành đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả nhằm tháo gỡ vướng mắc, khơi thông nguồn lực và nâng cao chất lượng phục vụ.
Trong quý I/2025, Ban Quản lý KKT tỉnh đã tiếp nhận 31 kiến nghị của 8 chủ đầu tư hạ tầng. Các nội dung kiến nghị tập trung vào các lĩnh vực đất đai, hạ tầng kỹ thuật, điện, nước, quy hoạch, lao động, việc làm (5 nội dung). Đồng thời tiếp nhận 9 kiến nghị của 7 doanh nghiệp tại KCN, KKT. Toàn bộ các kiến nghị, vướng mắc khó khăn của các doanh nghiệp được Ban Quản lý KKT, các sở, ban, ngành, UBND các địa phương liên quan tập trung tích cực và quyết liệt giải quyết theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền.
Cùng với đó, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác GPMB, cho thuê đất trong các KKT, KCN. Tiêu biểu UBND TX Quảng Yên, UBND huyện Hải Hà đã xác nhận hoàn thành GPMB và chủ đầu tư hạ tầng các KCN đã lập hồ sơ đề nghị xin thuê đất đối với 335ha. Đến nay, tổng diện tích đất đã được GPMB tại các KCN là 2.717ha. Có 8/9 KCN đã được UBND tỉnh có quyết định giao, cho thuê với tổng diện tích 1.941,57ha... Tính đến nay, tổng diện tích đất đã cho thuê trong các KKT, KCN đạt 1.105,9ha, chiếm 56,06% quỹ đất công nghiệp có thể cho thuê.
Công tác hỗ trợ, giám sát triển khai các dự án cũng được thực hiện chặt chẽ, chủ động. Ban Quản lý KKT đã tăng cường công tác hỗ trợ doanh nghiệp xuyên suốt từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư cho đến vận hành dự án. Các tổ chuyên trách thường xuyên được cử xuống hiện trường, theo dõi tiến độ thực hiện, nắm bắt khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để có giải pháp xử lý kịp thời; đảm bảo doanh nghiệp thực hiện đúng các cam kết về tiến độ, chất lượng xây dựng, bảo vệ môi trường, an toàn lao động...
Trong 3 tháng đầu năm 2025, Ban Quản lý KKT tỉnh đã chỉ đạo rà soát tình hình triển khai một số Dự án chậm tiến độ trong các KCN, KKT trên địa bàn và ban hành các văn bản đôn đốc doanh nghiệp triển khai Dự án. Qua rà soát, đã tổng hợp, báo cáo đối với 8 công trình, dự án chậm tiến độ, tồn đọng kéo dài, hiệu quả thấp, có nguy cơ gây thất thoát lãng phí lớn đối với các dự án trong các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh gửi Sở NN&MT tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
Công tác cải cách hành chính được Ban Quản lý KKT cải tiến quy trình giải quyết TTHC theo hướng tinh gọn, minh bạch và lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Trong quý I/2025, Ban Quản lý KKT đã tiếp nhận 116 hồ sơ TTHC, giải quyết 84 hồ sơ, trong đó 68 hồ sơ giải quyết trước hạn, 16 hồ sơ giải quyết đúng hạn, không có hồ sơ giải quyết quá hạn.
Nhờ tăng cường các giải pháp tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp trong KCN, KKT hoạt động, trong 3 tháng đầu năm, các KKT, KCN trên địa bàn tỉnh thuộc phạm vi quản lý của Ban Quản lý KKT tỉnh có tổng số 351 dự án đầu tư ngoài ngân sách nhà nước còn hiệu lực, gồm 147 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đạt 10,367 tỷ USD và 204 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đạt 132.134 tỷ đồng. Tổng số lao động trong các KCN khoảng 42.500 người. Tổng sản lượng sản xuất các sản phẩm công nghiệp trong các KCN, KKT đã đảm bảo các chỉ tiêu; trong đó 8/12 sản phẩm hoàn thành và vượt kế hoạch quý I/2025.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đồng bộ; đẩy mạnh số hóa trong xử lý TTHC; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin thị trường, chuyển đổi số, đào tạo lao động chất lượng cao; xây dựng hệ thống KKT, KCN xanh, hiện đại, thân thiện với môi trường… Qua đó góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế nhanh, bền vững, gắn với nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Ý kiến (0)