Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 00:38 (GMT +7)
Tạo nền tảng tăng trưởng kinh tế cuối năm
Thứ 2, 05/07/2021 | 12:04:25 [GMT +7] A A
Mục tiêu tăng trưởng năm 2021 trở nên vô cùng thách thức do tăng trưởng sáu tháng đầu năm thấp hơn dự báo trong khi diễn biến của đại dịch Covid-19 vẫn khó lường và có khả năng tiếp tục kéo dài.
Chính phủ đã đưa ra các giải pháp mạnh mẽ, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thành công “mục tiêu kép”, phấn đấu đạt kết quả tăng trưởng ở mức cao nhất.
Xây dựng lộ trình mở cửa trở lại
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH và ĐT) vừa xây dựng hai kịch bản điều hành kinh tế sáu tháng cuối năm, tương ứng với các mục tiêu tăng trưởng cả năm 6% và 6,5% cùng hai nhóm giải pháp về y tế và kinh tế. Để tạo nền tảng cho tăng trưởng, nhóm giải pháp về y tế sẽ tập trung mọi nguồn lực để đẩy mạnh triển khai tiêm vắc-xin, coi đây là giải pháp căn cơ để phục hồi sản xuất, kinh doanh, không bị đứt gãy, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đồng thời xây dựng kịch bản, lộ trình và điều kiện để mở cửa trở lại nền kinh tế, vừa giúp Chính phủ chủ động trong điều hành, vừa giúp người dân, doanh nghiệp (DN) chủ động phương án, chuẩn bị sẵn sàng đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, góp phần đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế. Kịch bản đề ra các dấu mốc quan trọng như: Mở cửa trở lại hoạt động hàng không, du lịch quốc tế, giảm thời gian cách ly đối với người đã tiêm vắc-xin. Mức độ mở cửa trở lại nền kinh tế sẽ tương ứng với tình hình kiểm soát dịch bệnh và tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin…
Về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mục tiêu hàng đầu là tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô, trước mắt tập trung điều hành chủ động, linh hoạt chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu. Tạo điều kiện cho DN và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro.
Bộ KH và ĐT cũng đề ra các nhóm giải pháp tập trung vào từng lĩnh vực cụ thể, như công nghiệp và xây dựng, dịch vụ, cải cách thể chế và môi trường kinh doanh, phát triển DN, hộ kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa cơ hội từ các hiệp định thương mại đã ký kết, thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Sáu tháng đầu năm, khu vực công nghiệp và xây dựng, trong đó có công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế.
Xác định ngành này tiếp tục là điểm sáng tăng trưởng những tháng cuối năm, Bộ KH và ĐT đưa ra hàng loạt giải pháp đồng bộ, đó là bảo đảm nguồn cung nguyên liệu đầu vào thông qua việc điều chỉnh chính sách thuế xuất, nhập khẩu, thuế phòng vệ thương mại; cắt giảm tối đa chi phí logistics, phí lưu kho, vận chuyển hàng hóa; xây dựng và ban hành, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp tại các nhà máy, khu công nghiệp để bảo đảm duy trì sản xuất, kinh doanh; ưu tiên tiêm vắc-xin cho người lao động, công nhân tại các khu công nghiệp, địa phương, vùng kinh tế trọng điểm, có chính sách đào tạo lao động thích ứng.
Các giải pháp vừa phải có tác động ngay, đáp ứng yêu cầu ngắn hạn, vừa phải tạo điều kiện hỗ trợ tăng trưởng cho năm 2022 và xử lý căn cơ những khó khăn, vướng mắc đang cản trở quá trình tăng trưởng.
Thúc đẩy đầu tư công và nguồn lực trong nước
Các chuyên gia kinh tế nhận định, khác với năm 2020, các động lực tăng trưởng kinh tế năm nay không rõ nét và chịu tác động trực tiếp của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư cho nên công tác điều hành cần có những điều chỉnh phù hợp hoàn cảnh mới. Trong đó, động lực tăng trưởng từ xuất khẩu đã thay đổi khi cán cân thương mại có dấu hiệu chuyển sang nhập siêu hơn 1,4 tỷ USD trong sáu tháng qua.
Đầu tư công đạt tỷ lệ giải ngân thấp; đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giảm về số dự án đăng ký; đầu tư trong nước gặp khó khăn do DN nhà nước có nhiều ách tắc về thủ tục đầu tư và đóng góp chưa tương xứng với quy mô tài sản, nguồn lực nắm giữ; số DN rút lui khỏi thị trường vẫn ở mức cao và đáng lo ngại là đã xuất hiện những DN quy mô lớn phải tạm dừng sản xuất và phá sản.
TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư cho rằng, Chính phủ đã nhận diện những khó khăn, thách thức đang đặt ra và chưa đề xuất thay đổi mục tiêu tăng trưởng. Điều này thể hiện quyết tâm lớn hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Quốc hội đã đề ra, trước mắt là thực hiện thắng lợi mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Với quyết tâm mới, trong công tác điều hành, cần tiếp tục thúc đẩy động lực tăng trưởng từ đầu tư công và đầu tư tư nhân trong nước bằng những giải pháp mạnh mẽ hơn và cụ thể hơn.
“Thúc đẩy đầu tư công những tháng cuối năm phải rất khác, vì hàng loạt dự án lớn đang đối mặt với nguy cơ đình trệ do biến động giá vật liệu xây dựng. Tình thế đòi hỏi phải có sự thay đổi về việc thông qua chủ trương và quyết định đầu tư, đồng hành cùng chủ đầu tư để giải quyết các vấn đề thủ tục phát sinh, vì khả năng đội vốn dự án là khó tránh khỏi. Thí dụ, dự án đội giá 100 tỷ đồng thì phải phê duyệt lại theo đơn giá mới, nếu không sẽ bị đình trệ vì chủ đầu tư không thể tiếp tục thi công”, TS Nguyễn Đình Cung đề xuất.
Hiện nay, cảm nhận của người dân, DN là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính đang chậm lại và còn nhiều thủ tục hành chính gây cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh. Lúc này cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để khơi thông nguồn lực đầu tư trong nước, góp phần thúc đẩy tăng trưởng.
Theo PGS, TS Trần Đình Thiên, cùng với thúc đẩy tăng trưởng, nhiệm vụ quan trọng lúc này là tìm mọi giải pháp giảm thiểu thiệt hại của đại dịch Covid-19 cho người dân và DN. Tại thời điểm này, các nền kinh tế lớn đang phục hồi mạnh mẽ sau khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19 với năng lượng mới đến từ các ngành công nghệ cao, kinh tế số. Việt Nam cần nhận biết xu hướng này để có thể bắt đúng mạch phát triển. Giải pháp hỗ trợ DN cho giai đoạn tới không phải chia tiền thế nào cho mỗi DN khó khăn mà phải có tầm nhìn cho DN đổi mới sáng tạo.
Theo Nhân Dân
Liên kết website
Ý kiến ()