Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 03:40 (GMT +7)
Ba Chẽ: Tạo sinh kế bền vững theo hướng sản xuất tập trung
Thứ 4, 03/07/2024 | 18:15:40 [GMT +7] A A
Không còn tư duy “làm xổi, ăn xổi”, nhiều hộ đồng bào DTTS huyện Ba Chẽ đã thành lập hợp tác xã nghề rừng để giúp nhau thoát nghèo bền vững. Dưới tán rừng gỗ lớn, cây bản địa, cây dược liệu đã bao phủ. Với chính sách hỗ trợ thiết thực, đồng bào các dân tộc vùng cao đang vươn lên thoát nghèo bền vững, làm giàu từ những cánh rừng quê hương.
Là địa phương có diện tích đất rừng lớn, hàng trăm năm qua những quả đồi của Ba Chẽ luôn phủ kín cây rừng. Làm rừng đã trở thành công việc chính của người dân Ba Chẽ, song hiệu quả kinh tế chưa cao, nhiều hộ dân chỉ dừng lại ở việc trồng, khai thác và chế biến lâm sản thô sơ, chưa hình thành vùng sản xuất nguyên liệu tập trung. Đã có thời điểm bà con đồng loạt chuyển sang trồng quế, bạch đàn do những loài cây này có chu kỳ sinh trưởng ngắn, vốn nhanh xoay vòng. Tuy nhiên đất rừng dần bị xói mòn, kéo theo những hệ lụy lâu dài về môi trường.
Tư duy manh mún của người dân dần thay đổi khi những chính sách của Nhà nước thật sự đi vào đời sống. Từ việc hăng hái đăng ký chuyển đổi cây ngắn ngày cho giá trị kinh tế thấp sang cây có giá trị cao, nhiều hộ trên địa bàn huyện Ba Chẽ đã bàn bạc, liên kết cùng nhau thành lập tổ, nhóm, hợp tác xã phát triển nghề rừng để sản xuất theo hướng tập trung, cùng giúp nhau thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu.
Qua từng năm, những mầm cây trà hoa vàng, ba kích, cát sâm lên xanh dưới tán rừng, thế rồi quế, hồi, sở cho thu hoạch và mươi năm nữa là những cánh rừng lim, dổi, lát trùm bóng. Ba Chẽ tiếp tục định hướng mở rộng diện hỗ trợ phát triển kinh tế lâm nghiệp, rà soát quy hoạch, xác định từng loại cây trồng cụ thể, đẩy mạnh xã hội hoá nghề rừng, thu hút các cơ sở chế biến lâm sản công nghệ cao… Để việc chuyển đổi rừng gỗ lớn thực sự bền vững, hiệu quả, nâng cao năng suất, giá trị, huyện đã xây dựng đề án kinh tế dưới tán rừng, tập trung vào các loại cây dược liệu giá trị cao để “lấy ngắn nuôi dài”, đảm bảo sinh kế cho người dân.
Điều đổi thay lớn nhất trong tư duy của các hộ dân đó là họ đã dần nhận ra vai trò và nguồn lợi quý giá của rừng, từ đó có ý thức gìn giữ và bảo vệ những cánh rừng lâu năm. Các loại cây dược liệu đã thực sự trở thành sinh kế lâu dài và ổn định giúp hàng trăm hộ dân, trên những con đường mòn, xe tải chở quế hồi mang theo ước mơ làm giàu của người dân đi về những trung tâm sản xuất lớn và thấp thoáng giữa những tán rừng, những căn nhà mái ngói đỏ kiên cố đã hiện thực hóa ước mơ đổi đời của đồng bào vùng DTTS.
Với mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế lâm nghiệp và cây dược liệu của tỉnh, huyện Ba Chẽ đang tập trung các nguồn lực, thực hiện tốt các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, thu hút vốn đầu tư vào trồng rừng và quản lý bảo vệ rừng, từng bước xã hội hoá nghề rừng. Qua đó, hình thành vùng nguyên liệu gắn với các nhà máy chế biến gỗ, tạo chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất lâm nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất lâm nghiệp.
Cùng với đẩy nhanh tốc độ che phủ rừng, bảo vệ rừng trồng cây lâu năm và triển khai mạnh mẽ các dự án trồng cây gỗ lớn, huyện Ba Chẽ tiếp tục đẩy mạnh rà soát diện tích đất trống và rừng trồng hiện có để xác định diện tích rừng có thể chuyển hóa sang kinh doanh gỗ lớn, diện tích đất trống có khả năng đưa vào trồng mới theo hướng thâm canh, kết hợp trồng cây dược liệu, tạo thu nhập ổn định, để người dân, nhất là đồng bào vùng DTTS an tâm bám đất, bám rừng.
Chu Tuân
Liên kết website
Ý kiến ()