Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 12:14 (GMT +7)
Tạo thuận lợi trong khám, chữa bệnh từ chuyển đổi số
Thứ 3, 11/04/2023 | 08:25:00 [GMT +7] A A
Để giúp người dân thuận tiện hơn trong quá trình khám, chữa bệnh (KCB); giúp cán bộ, nhân viên trong ngành theo dõi, quản lý được tình hình của người bệnh và sức khỏe người dân trên địa bàn, thời gian qua, các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh chuyển đổi số ở tất cả các khâu.
Là bệnh viện tuyến đầu của tỉnh, từ tháng 3/2022, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã triển khai KCB bảo hiểm y tế (BHYT) bằng thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp; giúp người dân thực hiện các thủ tục KCB một cách thuận lợi, nhanh chóng. Riêng quý I/2023, đã có hơn 41.600 lượt người dùng thẻ CCCD gắn chíp để làm thủ tục KCB BHYT tại Bệnh viện. Cùng với đó, để thuận lợi nhất cho người dân, từ năm 2000, Bệnh viện đã chủ động nghiên cứu và kết hợp với đơn vị cung cấp phần mềm, các ngân hàng trên địa bàn để thực hiện triển khai các phương thức thanh toán không sử dụng tiền mặt. Hiện 9 điểm thu viện phí và 1 Nhà thuốc bệnh viện luôn sẵn sàng phương tiện phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
Không chỉ Bệnh viện Đa khoa tỉnh mà các đơn vị y tế trên địa bàn đều nỗ lực thực hiện chuyển đổi số nhằm bảo vệ, chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho người dân. Sở Y tế đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số, tổ giúp việc cho ban chỉ đạo và ban hành nhiều văn bản, kế hoạch liên quan đến công tác này.
Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân biết về lợi ích, tiện ích số được đẩy mạnh với nhiều hình thức. Từ năm 2022 đến nay, ngành phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông triển khai các lớp bồi dưỡng, đào tạo nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số y tế cho 783 cán bộ, công chức, viên chức và lao động thuộc ngành; cử cán bộ tham gia 2 lớp đào tạo nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn về đảm bảo an toàn thông tin cho cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin.
Hiện nay, tất cả các đơn vị y tế trong ngành đều thực nghiêm túc việc xử lý công việc từ tỉnh đến xã trên hệ thống chính quyền điện tử (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); sử dụng khai thác ổn định, hiệu quả các phần mềm, hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh, phục vụ nhiệm vụ công tác chuyên môn và cung cấp đầy đủ thông tin cho người dân về thủ tục hành chính (TTHC) và tình hình giải quyết hồ sơ qua môi trường mạng; đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 trong giải quyết các TTHC.
Các bệnh viện, trung tâm y tế tiếp tục nâng cấp phần mềm quản lý thông tin KCB để đáp ứng các tiêu chí xây dựng bệnh viện thông minh, bệnh viện không giấy tờ; nâng cấp Hệ thống quản lý thông tin xã, phường, thị trấn trong quản lý thông tin y tế và KCB. Các phần mềm đã đáp ứng việc kết nối liên thông dữ liệu KCB và thanh toán BHYT với cổng giám định Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, đơn thuốc quốc gia và Hồ sơ sức khỏe điện tử của tỉnh. Ngành cũng thực hiện làm sạch dữ liệu, kết nối dữ liệu tiêm chủng Covid-19 với hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia... Tính đến ngày 15/3/2023, dữ liệu tiêm chủng được cập nhật trên hệ thống tiêm chủng Covid-19 là 4.168.272/ 4.275.879 mũi tiêm thực tế, đạt 97,5%.
Ngành y tế còn phối hợp với Công an tỉnh hướng dẫn các cơ sở KCB triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chíp điện tử; đến nay, 100% các cơ sở đã triển khai thực hiện. Việc thực hiện thủ tục KCB BHYT bằng thẻ CCCD gắn chíp thay cho thẻ BHYT đã đem lại nhiều tiện ích cho người.
Bà Nguyễn Thị Hường, khu 4, phường Hồng Hải, TP Hạ Long cho biết: “Tôi tham gia BHYT được nhiều năm rồi. Trước đây, mỗi lần đi KCB lại phải lục tung nhà tìm thẻ BHYT, không cẩn thận thẻ còn bị rách nát. Bây giờ, tôi chỉ cần cầm thẻ CCCD gắn chíp là có thể đến bệnh viện làm thủ tục một cách thuận lợi”.
Cùng với thực hiện thủ tục KCB bằng thẻ CCCD gắn chíp; các đơn vị y tế còn đẩy nhanh tiến độ thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, tăng điểm tiếp cận, điểm chấp nhận thanh toán các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt của người bệnh... Hiện các đơn vị y tế trong toàn ngành đã có tổng số 98 điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt. Quý I năm 2023, 62% số tiền viện phí tại các bệnh viện, 70% số tiền viện phí tại các trung tâm y tế cấp huyện được thanh toán bằng phương thức không dùng tiền mặt.
Việc thực hiện hồ sơ sức khỏe điện tử, tiếp tục duy trì tạo lập và cập nhật dữ liệu của người dân trên địa bàn tỉnh lên Hồ sơ sức khỏe điện tử cũng được đẩy mạnh; qua đó cơ bản đã hình thành cơ sở dữ liệu về sức khỏe người dân tại tỉnh Quảng Ninh. Đến hết quý I năm 2023, có gần 1.387 nghìn nhân khẩu trên địa bàn được quản lý sức khỏe và đồng bộ tích hợp lịch sử KCB với ứng dụng "Sổ SKĐT" của người dân; 100% dữ liệu KCB tại các đơn vị được liên thông dữ liệu với hồ sơ sức khỏe. Cả 12 cơ sở y tế được phép cấp giấy khám sức khỏe lái xe đã thực hiện liên thông với 4 hệ thống dịch vụ công quốc gia triển khai giấy khám sức khỏe điện tử. Từ đầu năm đến 15/3/2023, đã có 2.556 giấy khám sức khỏe điện tử được liên thông.
Bên cạnh đó, các đơn vị y tế tiếp tục triển khai nền tảng KCB từ xa phục vụ công tác đào tạo nghiệp vụ, tư vấn khám, tư vấn điều trị với 11 bệnh viện Trung ương. Từ năm 2022 đến nay, các đơn vị đã thực hiện tổng số 506 buổi đào tạo lý thuyết, chuyển giao kỹ thuật từ xa từ tuyến trên cho 1.235 người; 186 kỹ thuật viên đã được đào tạo chuyển giao trực tuyến; đã có 18 cuộc bệnh viện tuyến tỉnh giám sát, hỗ trợ trực tuyến cho bệnh viện tuyến dưới.
Việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong toàn ngành đã giúp người dân trên địa bàn tỉnh tiếp cận các dịch vụ y tế và được quản lý, chăm sóc sức khỏe một cách tốt nhất.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()