Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 01:49 (GMT +7)
"Tạo tiền đề quan trọng để Bình Liêu phát triển trong giai đoạn tiếp theo"
Thứ 2, 08/06/2020 | 08:04:56 [GMT +7] A A
Nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Bình Liêu đã có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, toàn diện trên các lĩnh vực. Qua đó đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ, đạt và vượt 18/22 chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVII đề ra.
Đặc biệt, Bình Liêu đã có những kết quả đột phá trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững quốc phòng - an ninh, đồng thời trở thành một điểm sáng mới trên bản đồ du lịch của Quảng Ninh với những nét riêng độc đáo...
Nhân dịp này, phóng viên Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh đã có cuộc trao đổi với đồng chí Dương Mạnh Cường, Bí thư Huyện uỷ Bình Liêu, về những kết quả nổi bật nhiệm kỳ qua cũng như mục tiêu, định hướng phát triển của địa phương trong thời gian tới đây.
Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế riêng
Đồng chí Dương Mạnh Cường, Bí thư Huyện ủy Bình Liêu. |
- Thưa đồng chí, ngành dịch vụ - du lịch của huyện những năm gần đây có sự khởi sắc rất đáng kể với tốc độ tăng trưởng cao. Để tạo được sự phát triển đột phá như vậy, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện uỷ Bình Liêu đã được triển khai như thế nào?
+ Bình Liêu có rất nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020 đã xác định rõ được lợi thế này, vì vậy, ngay sau Đại hội đã ban hành Nghị quyết 01 về phát triển du lịch Bình Liêu giai đoạn 2015-2020, định hướng đến 2030.
Cụ thể hóa Nghị quyết này, Huyện ủy đã tập trung chỉ đạo để xây dựng, triển khai Quy hoạch Tổng thể phát triển du lịch huyện đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn. Quan tâm hoàn thiện hạ tầng, phát huy hiệu quả 3 tuyến, 7 điểm du lịch của địa phương. Tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch bằng nhiều hình thức; phát triển các cơ sở dịch vụ ăn uống, lưu trú. Từng bước triển khai xây dựng các sản phẩm du lịch theo quy hoạch...
Hàng năm, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đều nghe kế hoạch phát triển du lịch của địa phương; có các giải pháp để hỗ trợ nhân dân trong phát triển các dịch vụ cũng như bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa để phục vụ phát triển du lịch. Đồng thời kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư đến Bình Liêu để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm. Với Bình Liêu thì du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, du lịch khám phá, du lịch biên giới là lợi thế nên các giải pháp đều tập trung vào đó.
Nhờ vậy, 5 năm qua Bình Liêu đã thu hút lượng khách du lịch ước đạt gần 363.000 lượt, tổng doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt trên 99 tỷ đồng, góp phần tăng tỷ trọng ngành dịch vụ lên 51,3% trong cơ cấu kinh tế địa phương đến năm 2020.
Từ một địa phương du lịch chưa phát triển, đến nay Bình Liêu đã có tên trên bản đồ du lịch. Hình ảnh mảnh đất, con người Bình Liêu đã được quảng bá rộng rãi trong và ngoài nước. Một số doanh nghiệp đã quan tâm xúc tiến, tìm hiểu cơ hội đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn như: Công ty Long Hải SJC, Công ty CP Sen Á Đông, Tập đoàn TH, HTX Hoa Bình Liêu... Những kết quả đó khẳng định du lịch là hướng đi đúng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho địa phương.
Một số chỉ tiêu đạt và vượt theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020. - Tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh giai đoạn 2016-2017 đạt 52,99%/năm; giai đoạn 2018-2020 tỷ lệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đạt 20%/năm. - Tốc độ tăng trưởng bình quân 13,5%/năm. - Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 3.595 tỷ đồng, tăng bình quân 12%/năm và 2,37 lần so với nhiệm kỳ trước. - Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 5 năm ước đạt 1.008 tỷ đồng, tăng gần 1,9 lần so nhiệm kỳ trước. Số thu nội địa tăng bình quân 10,06%/năm. - Cơ cấu kinh tế, lao động chuyển dịch tích cực. Đến năm 2020, cơ cấu ngành dịch vụ chiếm 51,3%; nông - lâm nghiệp và thủy sản chiếm 30,24%; công nghiệp - xây dựng chiếm 18,46%. - Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 37,53 triệu đồng; tăng bình quân 9,76%/năm và tăng 59,3% so với nhiệm kỳ trước. - Hết năm 2020, 100% nhà văn hóa các xã đạt chuẩn. - Trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,3%; tốt nghiệp THCS đạt 100%, THPT trên 90% (2018-2019 đạt 74,4%). - 100% giáo viên đạt chuẩn, 77% đạt trên chuẩn (tăng 13,9% so với năm 2015). - Số trường đạt chuẩn quốc gia đạt 80% (tăng 9 trường so với năm 2015). - 8/8 trạm y tế đạt chuẩn; 100% trạm y tế có bác sĩ làm việc. Đến năm 2020, đạt 8,7 bác sĩ/vạn dân; đạt 27 giường/vạn dân. - Giải quyết việc làm cho 2.224 lao động, đạt 111,2% kế hoạch. - Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm từ 44,31% đầu năm 2016, đến năm 2020 ước còn 3,88%, đạt bình quân 8,08%/năm. Ngọc Mai (Tổng hợp) |
- Bình Liêu có lợi thế lớn về nông - lâm nghiệp với diện tích đồi núi lớn. Để có thể chuyển dịch hiệu quả cơ cấu sản xuất nông nghiệp trên địa bàn nhiệm kỳ 2015-2020, Bình Liêu đã chỉ đạo tập trung vào những vấn đề lớn nào?
+ Bình Liêu có 86% diện tích đất lâm nghiệp, đầu tiên là việc chỉ đạo công tác rà soát, quản lý, quy hoạch 3 loại rừng, điều chỉnh quy hoạch làm thế nào mà vừa đảm bảo diện tích rừng phòng hộ, rừng tự nhiên nhưng cũng phải đảm bảo diện tích rừng sản xuất.
Qua đó, theo thống kê cho thấy, giá trị sản xuất năm 2020 của ngành ước đạt 402 tỷ đồng, tăng 38,97% so với năm 2015; mức tăng bình quân 6,8%/năm. Cơ cấu nội ngành chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp; hình thành một số vùng sản xuất tập trung, đặc biệt là vùng trồng cây lâm nghiệp hồi, quế, sở, dong riềng và sản xuất miến dong.
Địa phương đã phát triển một số mô hình liên kết sản xuất trong thu mua củ dong, sản xuất, chế biến mật ong hay đầu tư KHCN vào sản xuất, chế biến, bảo quản bột dong sạch... Kinh tế rừng phát triển mạnh, mang lại giá trị kinh tế cao. Các cây lâm sản chủ lực như hồi, quế, thông nhựa với sản lượng, giá trị đều tăng; dần được nhân rộng thay thế cây keo. Huyện trồng bình quân 450ha rừng/năm, rừng trồng được chăm sóc, bảo vệ, phát triển tốt, góp phần giảm nghèo, nâng tỷ lệ che phủ rừng từ 66,8% năm 2015 lên 67,2% năm 2020.
Thời gian tới đây, huyện Bình Liêu sẽ tiếp tục tập trung phát triển kinh tế lâm nghiệp với các sản phẩm thế mạnh: Hồi, sở, thông, các cây gỗ lớn theo quy hoạch, dần thay thế diện tích keo cùng với việc bảo vệ nguồn tài nguyên rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ nhằm bảo vệ đa dạng sinh học, tạo nguồn sinh thủy bền vững, tạo cảnh quan để phát triển du lịch theo chương trình chung của tỉnh.
Đồng chí Dương Mạnh Cường, Bí thư Huyện ủy Bình Liêu, trao đổi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân địa phương. Ảnh do địa phương cung cấp. |
Người dân là chủ thể xây dựng nông thôn mới
- Được biết, nông nghiệp của địa phương phát triển gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM). Vậy nếu vẽ bức tranh NTM của Bình Liêu nhiệm kỳ qua có thể thấy điểm sáng nhất là gì?
+ Chương trình NTM của Bình Liêu nhiệm kỳ qua được sự quan tâm chỉ đạo đổi mới cả về nội dung và hình thức theo hướng cụ thể, thiết thực, phù hợp, hướng về cơ sở, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Nhờ đó, diện mạo nông thôn có chuyển biến tích cực. Kết quả rõ nét nhất là hệ thống hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng với nhiều công trình quan trọng, thiết yếu. Đến nay, 97/97 thôn có đường trục thôn, liên thôn được cứng hóa; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới từ 90,64% năm 2015 lên 100% năm 2019...
Hết năm 2019, 100% số xã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn (về đích trước 1 năm). Thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân vùng nông thôn được nâng cao. Các xã đều tăng từ 7-15 tiêu chí so với năm 2011. Hết năm 2020, toàn huyện phấn đấu có 5/6 xã đạt chuẩn NTM, bình quân các xã đạt 17/20 tiêu chí, 48/53 chỉ tiêu.
Trong bức tranh đó, điểm sáng nhất chính là sự thay đổi tích cực về nhận thức của người dân. Bà con đã thay đổi cách nghĩ, cách làm, loại bỏ dần tư tưởng trông chờ, ỷ lại.
Nếu như người dân trước đây luôn thấy phải có sự hỗ trợ của Nhà nước thì nay họ thấy tự mình phải có trách nhiệm, mình đúng là chủ thể, từ việc tham gia vào quy hoạch NTM đến việc quy hoạch các công trình, triển khai các dự án cho đến việc tham gia và trực tiếp triển khai, đóng góp ngày công, hiến đất làm đường… Từ việc thay đổi nhận thức để rồi người dân tự mình vươn lên thoát nghèo, xây dựng đời sống mới mà họ là chủ thể thực hiện và thụ hưởng thành quả do chính mình tạo ra.
Du lịch Bình Liêu với nhiều tiềm năng, lợi thế đã có sự phát triển đột phá trong những năm gần đây. Nguồn ảnh: Dulichbinhlieu. |
Xây dựng “thế trận lòng dân”
- Bình Liêu là địa bàn vùng biên giới, phên dậu của đất nước. Vậy công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã làm thế nào để hài hoà giữa phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh địa phương?
+ Giữa quốc phòng - an ninh và kinh tế - xã hội của địa bàn biên giới có mối quan hệ hữu cơ với nhau. Kinh tế phát triển, đời sống nhân dân ổn định chính là “thế trận lòng dân”, còn với quốc phòng - an ninh thì chiến lược xây dựng thế trận quốc phòng - an ninh nhân dân vững chắc là xuyên suốt.
Hai lĩnh vực này có quan hệ hữu cơ với nhau, cho nên Bình Liêu tập trung phát triển kinh tế, di dân ra vùng biên giới, chăm lo đời sống nhân dân, xóa nghèo thì chính là yếu tố góp phần giữ gìn quốc phòng - an ninh. Còn thực hiện tốt công tác quản lý đường biên mốc giới, làm tốt công tác đối ngoại nhân dân là bên ngoài tạo ra cái vững ở bên trong. Trong chiến lược phát triển kinh tế quốc phòng, các chương trình, dự án phát triển kinh tế của địa phương đều phải gắn với chiến lược quốc phòng - an ninh.
Những năm qua, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân Bình Liêu đối với nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc thường xuyên được nâng lên. Tiềm lực, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, "thế trận lòng dân" ngày càng được củng cố vững chắc. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội bền vững. An ninh trên tuyến biên giới, an ninh trên các lĩnh vực (chính trị, kinh tế, văn hóa, tư tưởng, an ninh vùng nông thôn, dân tộc) được đảm bảo.
Địa phương cũng tiếp tục phát triển các hoạt động đối ngoại với 2 địa phương cùng cấp của Trung Quốc. Trong 5 năm qua đã tổ chức 43 cuộc hội đàm với khu Phòng Thành, huyện Ninh Minh (Trung Quốc) để thống nhất, giải quyết các vấn đề liên quan đến biên giới, hoạt động xuất nhập khẩu.
Kết quả đột phá trên nhiều lĩnh vực
- Xét về tổng thể, theo đánh giá của đồng chí thì kết quả quan trọng nhất của Bình Liêu trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020, có thể nhắc đến những điểm gì?
+ Kết quả đạt được trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị từ huyện đến thôn, bản có sự chuyển biến tích cực chính là yếu tố quan trọng nhất, quyết định việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2015-2020.
Trong nhiệm kỳ qua, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng được nâng lên. Các cơ quan hợp nhất, mô hình thí điểm hoạt động hiệu quả. Bình Liêu là một trong số các địa phương trong toàn tỉnh thực hiện mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản sớm và đồng bộ, rộng khắp nhất, đến nay đạt 100%.
Thực hiện mô hình bí thư đồng thời là chủ tịch UBND các xã, thị trấn đến nhiệm kỳ này tại 5/7 xã, thị trấn, đạt 71,4% (sau Đại hội Đảng bộ huyện sẽ triển khai thực hiện 100%); 100% bí thư cấp ủy cấp xã và Bí thư Huyện ủy không phải là người địa phương...
Công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch đội ngũ cán bộ được quan tâm chú trọng. Công tác bồi dưỡng cán bộ là người dân tộc, cán bộ nữ được quan tâm thực hiện tốt.
Công tác phát triển đảng được quan tâm, nhất là kết nạp đảng viên người dân tộc thiểu số, các chức danh chủ chốt ở thôn, khu và đảng viên nữ tăng, đã xóa cơ sở trắng đảng viên.
Kết quả đột phá nữa là về hệ thống hạ tầng, từ hạ tầng đô thị, hạ tầng nông thôn, điện, đường, trường, trạm... 5 năm qua đã 402 công trình hạ tầng được đầu tư và đưa vào sử dụng (tỉnh quản lý 8 công trình, huyện quản lý 186 công trình, cấp xã quản lý 208 công trình) với tổng vốn từ các nguồn 1.481 tỷ đồng, tăng 1,7 lần so với 5 năm trước. Nhiều công trình trọng điểm, động lực đưa vào sử dụng, góp phần phát huy lợi thế, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, đảm bảo giữ vững quốc phòng - an ninh.
Diện mạo vùng nông thôn Bình Liêu ngày càng khởi sắc. Trong ảnh: Bản văn hóa người Tày Đồng Thanh, xã Hoành Mô. Ảnh: Hùng Sơn |
Trong đó, kết cấu hạ tầng tại các xã được đẩy mạnh đầu tư, xây dựng đồng bộ theo Chương trình 135, Chương trình NTM, từng bước đáp ứng yêu cầu sản xuất, sinh hoạt của nhân dân.
Đến nay, 100% thôn, bản, khu phố trên địa bàn có điện lưới quốc gia với 100% số hộ dân được sử dụng; 100% hộ dân được xem truyền hình; tỷ lệ kiên cố hóa đường liên thôn, liên xã đạt trên 86%; tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch đạt 95%; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt trên 96%; bộ mặt đô thị, vùng nông thôn ngày càng khang trang, văn minh.
- Vậy những khâu yếu được khắc phục ra sao?
+ Là địa bàn dân tộc, trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế, dân trí chưa đồng đều, cho nên việc khắc phục những hạn chế của địa phương được BCH Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020 tập trung chỉ đạo.
Đó là nâng cao, khắc phục những hạn chế trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đã đề cập ở trên. Đó là khắc phục những hạn chế trong năng lực đội ngũ, trình độ cán bộ, công chức, viên chức thông qua việc đào tạo, cập nhật kiến thức gắn với cử cán bộ, công chức tham gia các lớp học nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, quản lý nhà nước, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành. Bản thân anh em cũng chủ động tự học, tự nghiên cứu để vươn lên.
Quan tâm tới công tác đào tạo nghề cho lao động, nhất là cho lao động nông thôn. Qua đó nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 49,87% năm 2015 lên 68,05% ước năm 2020 (trong đó, số có bằng cấp chứng chỉ tăng từ 13,83% lên 31,03%).
Việc phát triển kinh tế, xóa nghèo cũng là khâu khó của Bình Liêu. Vì vậy, huyện đã tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực thực hiện Chương trình 135 (Đề án 196) gắn với Chương trình Giảm nghèo bền vững. Tổng nguồn vốn giai đoạn 2016-2020 là 556 tỷ đồng, tăng 88 tỷ đồng so với 5 năm trước. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm mạnh từ 44,31% đầu năm 2016 đến năm 2020 ước còn 3,88%, bình quân 8,08%/năm; tương đương với 2.799 hộ nghèo.
Thu hút nguồn lực đầu tư với Bình Liêu còn gặp nhiều khó khăn. Trên địa bàn, số lượng doanh nghiệp ít, các nhà đầu tư còn e ngại khi đầu tư ra địa bàn biên giới, vùng dân tộc, nhưng những năm gần đây có nhiều tín hiệu tốt.
Huyện thông qua tổ chức hội nghị xúc tiến, kêu gọi đầu tư, duy trì đối thoại với các doanh nghiệp, hợp tác xã để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển. Qua đó, đã thu hút một số nhà đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, cửa khẩu, đô thị.
- Có thể hình dung một Bình Liêu vươn mình phát triển với những điểm nhấn lớn nào trong thời gian tới đây, thưa đồng chí?
+ Nhiệm kỳ 2015-2020, Bình Liêu đã phát triển khá toàn diện trên các lĩnh vực, đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu Nghị quyết đề ra, tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển của địa phương trong giai đoạn tiếp theo.
Vì vậy, thời gian tới đây, Bình Liêu xác định tiếp tục tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; phát huy dân chủ, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Chủ động đổi mới, sáng tạo, quyết liệt, kiên trì chuyển những khó khăn, thách thức thành động lực phát triển.
Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động. Huyện phấn đấu đến năm 2025 đạt chuẩn NTM nâng cao. Cùng với đó, tiếp tục bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống; nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Giữ vững ổn định chính trị - xã hội, đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh và chủ quyền biên giới quốc gia.
- Xin cảm ơn đồng chí!
Phan Hằng (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()