Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 02:47 (GMT +7)
Kinh nghiệm quý từ thực tiễn phát triển của Quảng Ninh
Thứ 7, 18/11/2023 | 15:43:17 [GMT +7] A A
Hội thảo“Tư duy và hành động đột phá phát triển của tỉnh Quảng Ninh - Giá trị lý luận và thực tiễn” do Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Ninh tổ chức đã góp phần làm sáng rõ hơn những vấn đề lý luận và thực tiễn của Quảng Ninh trong tiến trình đổi mới của đất nước. Tại hội thảo nhiều kinh nghiệm, cách làm đổi mới, sáng tạo của các sở, ngành, địa phương đã được đúc kết, đánh giá, nhận định. Từ đó, tiếp tục gợi mở cho tỉnh định hướng phát triển mới, bền vững trong giai đoạn tới.
Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh Quảng Ninh: “Sức mạnh Đại đoàn kết toàn dân tộc là nguồn nội sinh để xây dựng và phát triển Quảng Ninh bền vững” Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu, di sản vô giá được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, là nguồn sức mạnh nội lực, điều kiện cơ bản cho thành công của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Xác định rõ vị trí, vai trò và tầm quan trọng trong việc xây dựng và phát huy sức mạnh Đại đoàn kết toàn dân tộc, trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp, những thành quả của các thế hệ đi trước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh đã tích cực xây dựng, phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân trên tất cả các lĩnh vực: Kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng và trong xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc... và đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần tạo động lực và nguồn lực quan trọng cho phát triển nhanh, bền vững. Với sự chủ động tích cực thực hiện, đã giúp tỉnh vươn lên và trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo của vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc. Để phát huy sức mạnh khối Đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận, huy động sức mạnh nhân dân thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, theo tôi tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc công tác thực hiện Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở gắn với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; phát huy dân chủ, ý chí tự lực, tự cường, khơi dậy mạnh mẽ sức sáng tạo, hiến kế và nguồn lực trong nhân dân; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, giải quyết thấu đáo, kịp thời những nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của nhân dân; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân;… Cùng với đó, tiếp tục phát huy sức mạnh sáng tạo to lớn của các tầng lớp nhân dân, tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia mạnh mẽ vào các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Trung ương và tỉnh phát động, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển chung của tỉnh. |
Bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh: “ Phát triển công nghiệp chế biến chế tạo (CBCT) theo hướng công nghiệp thông minh, công nghiệp xanh, công nghiệp thân thiện, gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng” Tính riêng 9 tháng năm 2023, ngành công nghiệp CBCT ước tăng 11,77%, đóng góp 1,49 điểm % GRDP của tỉnh. Trong giai đoạn trước khi ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU, nhìn vào cơ cấu ngành công nghiệp của tỉnh Quảng Ninh có thể nhận thấy ngay sự chiếm ưu thế của công nghiệp khai khoáng, ngành công nghiệp CBCT chỉ chiếm tỷ trọng 9,4% trong GRDP. Việc lệ thuộc vào hai ngành trên đã gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường. Với tinh thần đồng tâm, hiệp lực thống nhất, xuyên suốt trong chỉ đạo, qua 3 năm triển khai Nghị quyết số 01-NQ/TU, đến nay Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tỷ trọng công nghiệp CBCT trong GRDP đạt 11,6%; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2020 - 2023 đạt 19,68%; tổng vốn thu hút vốn đầu tư cả giai đoạn đạt xấp xỉ 105.000 tỷ đồng; tạo ra 23.886 việc làm mới. Đây chính là minh chứng rõ nét nhất cho việc Quảng Ninh đã đi đúng hướng, đúng mục tiêu với tư duy và hành động phù hợp với xu thế phát triển của cả nước. Để tiếp tục phát triển công nghiệp CBCT theo hướng công nghiệp thông minh, công nghiệp xanh, công nghiệp thân thiện, theo tôi trong thời gian tới, tỉnh cần xác định các KCN trọng điểm, xây dựng tiến độ cụ thể, tập trung chỉ đạo hỗ trợ các nhà đầu tư hoàn thiện hạ tầng đồng bộ, sớm thu hút các nhà đầu tư thứ cấp. Cùng với đó, tiếp tục tập trung xây dựng các KKT ven biển, phát huy lợi thế hệ thống cảng biển, phát triển các dịch vụ cảng, xây dựng mối liên kết phát triển logistics bên trong và bên ngoài khu vực cảng; tăng cường kết nối cửa khẩu, hàng không và đường sắt, kết nối các tuyến quốc lộ với mạng lưới đường bộ để phát triển đa dạng các loại dịch vụ logistics đáp ứng nhu cầu sản xuất và xuất khẩu từ các KCN, KKT; tiếp tục thu hút, xúc tiến đầu tư 2 ngành chiến lược với tốc độ tăng trưởng cao là sản xuất ô tô và sản xuất các thiết bị phục vụ ngành năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời...) theo định hướng của Quy hoạch tỉnh. Đặc biệt trong giai đoạn tới, Quảng Ninh tập trung xây dựng, ứng dụng nền tảng và công nghệ số trong quản lý vận tải của các khu công nghiệp, cảng, bến bãi, từng bước thiết lập đồng bộ nền tảng giao dịch số về logistics, hình thành các trung tâm kho bãi, chia chọn tự động trên công nghệ số, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp công nghiệp CBCT nói riêng. |
Ông Hoàng Quang Hải, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ninh: “ Phát triển và hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội” Nhắc đến Quảng Ninh hôm nay, có lẽ không chỉ hiện hữu một Hạ Long xanh hơn, một Yên Tử kỳ vĩ, linh thiêng, những con người cần cù lao động và giàu lòng mến khách, mà ở đây còn có những con đường, cây cầu rộng thênh thang, chạy suốt chiều dài vùng Đông Bắc của Tổ quốc. Những công trình mang đầy ước mơ, niềm tự hào, khát vọng phát triển và giá trị khác biệt đã được hiện thực hóa, phát huy hiệu quả to lớn, thể hiện được chủ trương đúng đắn, tư duy đổi mới, sáng tạo của tỉnh Quảng Ninh trong thời gian qua. Với phương châm “giao thông đi trước mở đường” để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án động lực, có tính lan tỏa cao theo hướng công khai, minh bạch, tỉnh Quảng Ninh đã huy động nguồn lực lớn từ các thành phần kinh tế trở thành giải pháp đột phá để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông, dịch vụ, du lịch, khu công nghiệp, khu kinh tế. Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh có 5 phương thức vận tải đang khai thác là: đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt, đường biển và hàng không. Thực tế cho thấy, việc phát triển kết cấu hạ tầng có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Kết cấu hạ tầng nói chung, hệ thống hạ tầng giao thông nói riêng có phát triển thì đời sống nhân dân sẽ nâng lên. Quảng Ninh thực hiện phát triển các dự án hệ thống giao thông đã chứng minh các dự án đó thực sự của lòng dân, nhân dân đã hưởng ứng, vào cuộc, được nhân dân ủng hộ để dự án triển khai thuận lợi và cũng chính nhân dân được thụ hưởng những thành quả đó. Giao thông kết nối đồng bộ cũng là yếu tố đưa Quảng Ninh về đích Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trước 3 năm theo tiêu chí của Trung ương. Quảng Ninh hiện không có huyện nghèo, xã nghèo; thành phố Hạ Long không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo; 3 địa phương là Quảng Yên, Cô Tô, Vân Đồn không còn hộ nghèo; 9 địa phương còn lại tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%. Thành quả này minh chứng sinh động về những nỗ lực của hệ thống chính trị trong toàn tỉnh. Những thành tích to lớn, dấu ấn nổi bật về hạ tầng đã minh chứng cho tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đột phá của tỉnh với những định hướng chiến lược, từ đó cụ thể hóa, vận dụng sáng tạo trong thực tiễn phát triển dài hạn. |
Bà Nguyễn Hải Vân, Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh: “Tư duy và cách làm của Quảng Ninh trong quá trình xây dựng chính quyền hành động, phục vụ, góp phần đẩy mạnh công tác cải cách hành chính” Quảng Ninh có 6 năm liên tiếp (2017 - 2022) giữ vị trí Quán quân Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), 5 năm dẫn đầu toàn quốc Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), 4 năm xếp vị trí thứ nhất Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), 2 năm dẫn đầu Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI). Trong thực hiện nhiệm vụ CCHC, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, Quảng Ninh không chỉ “cạnh tranh” với các địa phương khác, mà còn phải “vượt lên chính mình”, bằng quyết tâm lớn, tinh thần đổi mới sáng tạo, đổi mới không ngừng, lấy người dân làm trung tâm, tạo sự chuyển động nhanh trong phát triển 3 trụ cột “hạ tầng, thể chế, nguồn nhân lực”. Từ quan điểm này, Quảng Ninh thường xuyên “soi lại chính mình”, kịp thời nhận ra những tồn tại để khắc phục, xây dựng những giải pháp mới. Thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng CCHC, trọng tâm là cải cách TTHC thông qua đổi mới hoạt động của trung tâm phục vụ hành chính công các cấp, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã; đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, thực chất, sâu rộng trong tiếp nhận và giải quyết TTHC; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp theo hướng sâu sát, cụ thể, “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ thời gian hoàn thành và rõ hiệu quả”, “một việc, một đầu mối xuyên suốt”. Đồng thời, rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định để đổi mới cơ chế tự chủ về tài chính tại các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, khuyến khích và thúc đẩy sáng tạo của chính quyền địa phương; tiếp tục nâng cao chất lượng các hoạt động hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp, người dân trong giao dịch TTHC nhằm phát huy sự tham gia đóng góp tích cực của người dân vào tiến trình chuyển đổi số, góp phần đẩy mạnh CCHC. CCHC chỉ có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc. Việc đổi mới tư duy, quyết liệt, đột phá trong hành động đưa Quảng Ninh phát triển mạnh mẽ, bền vững. Từng mốc thành công của Quảng Ninh ngày càng củng cố thêm niềm tin của tổ chức, doanh nghiệp và người dân đưa Quảng Ninh là địa bàn phát triển kinh tế - xã hội nhanh, mạnh, bền vững, nâng cao chỉ số hạnh phúc của nhân dân. |
Ông Nguyễn Văn Công, Bí thư Thị ủy Đông Triều: " Phát huy các nguồn lực, tạo sự đồng thuận xã hội trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn nâng cao, nông thôn kiểu mẫu" Kết quả 12 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thị xã Đông Triều đã cho thấy sự thống nhất cao trong nhận thức về vai trò chủ thể xây dựng nông thôn mới của người dân, bảo đảm thực hiện tốt quy chế dân chủ dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự điều hành quyết liệt của chính quyền các cấp, tinh thần tham gia hưởng ứng tích cực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, lực lượng vũ trang, các tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân là yếu tố quyết định thắng lợi. Từ những kết quả lãnh đạo, chỉ đạo và thực tiễn tổ chức huy động nguồn lực, tạo sự đồng thuận xã hội trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu 12 năm qua, TX Đông Triều đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm. Trong đó, xây dựng nông thôn mới cần xác định người dân là chủ thể của chương trình, là người trực tiếp thực hiện và cũng là người thụ hưởng thành quả. Công tác tuyên truyền, vận động phải được coi là giải pháp quan trọng hàng đầu. Bên cạnh đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền phải đồng bộ, nhất quán và liên tục, phải xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm trong từng giai đoạn và huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Cùng với đó, cần phát huy hiệu quả vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động, thông tin về chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân, tạo sự thống nhất về nhận thức và phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị từ thị xã đến cơ sở cùng chung tay xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, xây dựng nông thôn mới phải có cách làm chủ động, sáng tạo, phù hợp với điều kiện và đặc điểm của địa phương, tránh dập khuôn, máy móc; đa dạng hóa việc huy động nguồn lực để xây dựng nông thôn mới; thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ ở cơ sở, theo phương châm “Huy động nguồn lực từ cộng đồng là quyết định, sự tham gia của doanh nghiệp và xã hội là quan trọng, sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là cần thiết”. Đồng thời khai thác nguồn lực từ trong dân trên quan điểm “lấy sức dân để lo cho dân”; công khai, minh bạch “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”… |
Minh Đức - Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()