Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 17:02 (GMT +7)
Thay đổi tư duy trong sản xuất lúa
Thứ 7, 18/02/2023 | 14:56:35 [GMT +7] A A
Sản xuất vụ lúa trên địa bàn tỉnh những năm gần đây đang có sự thay đổi đáng kể qua việc chuyển dịch cơ cấu giống. Lúa chất lượng đang dần thay thế lúa lai, đóng vai trò chủ lực trên đồng ruộng. Hướng đi này giúp nâng cao hiệu quả trong sản xuất, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đang hướng đến sản phẩm chất lượng.
Tại các địa phương miền Đông của tỉnh, như: Tiên Yên, Bình Liêu, Ba Chẽ, Hải Hà, Đầm Hà, Móng Cái, các giống lúa chủ yếu được trồng là: Khang dân 18, Bồi tạp 49, Bồi tạp Sơn Thanh, Hương thơm 1, Bắc thơm, RVT... Trong đó, giống Bao thai là giống được trồng với quy mô lớn nhất do ít phải chăm sóc, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt nhưng năng suất thấp. Theo thống kê, năng suất lúa trung bình tại các địa phương khu vực miền Đông chỉ đạt 40-45 tạ/ha, thấp hơn rõ rệt so với khu vực các địa phương miền Tây (Đông Triều, Quảng Yên). Do đó giá trị sản xuất lúa không cao.
Từ năm 2020-2022, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai mô hình sản xuất lúa chất lượng cao (các giống QJ4, J02; giống ST25) tại các địa phương Tiên Yên, Hải Hà, Móng Cái. Đánh giá hiệu quả các mô hình cho thấy, giống lúa này có khả năng sinh trưởng, phát triển khỏe, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, năng suất khá, chất lượng gạo tốt và được thị trường tiêu dùng ưa chuộng. Năm 2022, riêng mô hình sản xuất lúa J02 cho năng suất trung bình tại huyện Hải Hà đạt 63,4 tạ/ha, huyện Tiên Yên đạt 47,3 tạ/ha, TP Móng Cái đạt 51 tạ/ha, giá bán thóc khô 12.000 đồng/kg, doanh thu đạt từ 56-76 triệu đồng/ha, hiệu quả kinh tế cao hơn các giống khác từ 5-10 triệu đồng/ha; mô hình sản xuất lúa ST25 cho năng suất trung bình đạt 45-50 tạ/ha, chất lượng tốt, giá thóc, gạo cao.
Để tiếp tục nhân rộng việc đưa các giống lúa chất lượng cao vào sản xuất, Sở NN&PTNT đã ban hành Kế hoạch xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất lúa gạo chất lượng cao định hướng tiêu chuẩn VietGAP tại khu vực miền Đông tỉnh Quảng Ninh. Trong đó, đặt ra mục tiêu trong vụ sản xuất năm 2023 xây dựng được 78,6ha mô hình tại Đầm Hà, Bình Liêu và Ba Chẽ; nhân rộng mô hình 200ha tại Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái. Tiếp đó, năm 2024, nhân rộng mô hình đạt 500ha; năm 2025, đạt 800ha tại 6 huyện miền Đông của tỉnh. Xây dựng được 2 nhãn hiệu sản phẩm (Gạo ngon J02 miền Đông - Quảng Ninh; Gạo ngon ST25 miền Đông - Quảng Ninh) và củng cố, thành lập 2 chuỗi sản xuất gạo tại Tiên Yên và Đầm Hà.
Ông Vi Thanh Vinh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Ba Chẽ cho biết: Sản phẩm lúa chất lượng đang từng bước chiếm ưu thế rõ rệt để nâng cao chất lượng sản xuất của người dân. Trong vụ sản xuất năm 2023 này, phòng tham mưu với UBND thị xã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các địa phương từng bước mở rộng diện tích lúa chất lượng, sản xuất theo quy mô tập trung, tạo ra sản phẩm hàng hóa góp phần nâng cao hiệu quả canh tác, thu nhập cho người dân trên địa bàn.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, diện tích lúa hàng năm trên địa bàn tỉnh đạt trên 39.100ha, năng suất trung bình đạt 51,4 tạ/ha, sản lượng ước đạt trên 201.700 tấn. Các giống lúa phổ biến như: RVT, Thiên ưu 8, Bắc thơm số 7, Nếp ĐT52, Hương thơm số 1, Khang dân 18... Diện tích trồng các giống lúa có chất lượng cao ngày càng được mở rộng nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường và nâng cao giá trị sản xuất. Tính riêng năm 2022, tổng sản lượng thóc trên địa bàn tỉnh đạt 194.270 tấn, tương đương với 139.870 tấn gạo. Tuy nhiên, sản lượng này chỉ đáp ứng 57,2% so với nhu cầu của người dân trên toàn tỉnh. Sản lượng gạo chủ yếu để tiêu thụ trong dân cư nông thôn; nhu cầu gạo tại các khu vực đô thị trong tỉnh vẫn phải phụ thuộc chính vào nguồn cung cấp từ tỉnh ngoài.
Hiện nay, sản xuất lúa gạo chất lượng cao đã được khẳng định về tính ổn định về năng suất, chất lượng và hiệu quả. Tuy nhiên, sản xuất lúa gạo tại Quảng Ninh còn nhiều vấn đề bất cập như: Quy mô manh mún, nhỏ lẻ; chưa tạo được thương hiệu lúa gạo riêng của địa phương (trừ nếp cái hoa vàng); chưa có doanh nghiệp, cơ sở liên kết thu mua, sơ chế, đóng gói, chế biến lúa gạo quy mô lớn tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất do đó chưa phát huy được hiệu quả trong sản xuất, nhiều địa phương còn để xảy ra hiện tượng ruộng để hoang, không tổ chức sản xuất. Do đó, việc triển khai thực hiện kế hoạch xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất lúa gạo chất lượng cao theo hướng VietGAP trên địa bàn tỉnh sẽ là giải pháp quan trọng để khắc phục được những bất cập; góp phần nâng cao giá trị sử dụng đất nông nghiệp, xây dựng chuỗi giá trị gạo chất lượng cao của tỉnh, thực hiện hiệu quả mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()