Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 21/11/2024 14:49 (GMT +7)
Tập trung sản xuất nông nghiệp vụ đông
Thứ 5, 21/11/2024 | 08:40:00 [GMT +7] A A
Vụ đông lâu nay đã trở thành vụ sản xuất chính, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân tại nhiều địa bàn. Ðể khuyến khích người dân đẩy mạnh sản xuất, ngành Nông nghiệp tỉnh chủ động triển khai sớm kế hoạch sản xuất vụ đông; tăng cường hướng dẫn các đơn vị, địa phương và người dân ứng dụng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất...
Tại TX Quảng Yên, thời điểm này, người nông dân đang khẩn trương ra đồng, chuẩn bị các điều kiện cho sản xuất vụ đông. Vụ đông năm nay, thị xã phấn đấu gieo trồng trên 1.600ha cây rau màu, trong đó, riêng rau các loại đã chiếm gần 1.400ha. Thị xã tập trung nâng cao năng suất, chất lượng rau an toàn bằng các hình thức thâm canh, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP; chỉ đạo các phòng, đơn vị chức năng thực hiện tốt công tác điều tra, dự báo tình hình, hướng dẫn nông dân tổ chức phòng trừ kịp thời các đối tượng sâu, bệnh hại trên cây trồng vụ đông; tăng cường công tác kiểm tra đối với lĩnh vực kinh doanh vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật... Đến thời điểm này, toàn thị xã đã gieo trồng vụ đông được trên 1.900ha, trong đó, cây rau các loại đạt 1.350ha, diện tích còn lại là cây lấy củ, cây hoa tập trung ở các phường, xã: Minh Thành, Đông Mai, Cộng Hòa, Tiền An, Quảng Yên, Hiệp Hòa.
Cùng với TX Quảng Yên, các địa phương trong tỉnh đã chuẩn bị sớm các điều kiện, giải pháp phát triển sản xuất vụ đông như tăng trà lúa mùa sớm, tăng giống ngắn ngày... để bố trí thời vụ cây vụ đông, nhất là vụ đông sớm; tăng diện tích sản xuất an toàn theo quy trình VietGAP, hữu cơ; tăng cường tích tụ ruộng đất sản xuất quy mô lớn.
Vụ đông năm nay, ngành Nông nghiệp tập trung sản xuất các cây trồng theo hướng thâm canh, tăng năng suất chất lượng nông sản; tăng hiệu quả kinh tế cho người sản xuất, ưu tiên tập trung sản xuất các loại cây trồng có liên kết, bao tiêu sản phẩm. Dự kiến, tổng diện tích cây trồng vụ đông đạt trên 8.000ha, tổng sản lượng lương thực cây có hạt đạt trên 4.400 tấn.
Theo đánh giá của các chuyên gia, thời tiết vụ đông năm nay có nhiều bất lợi. Đầu vụ đông xảy ra ngập úng do mưa bão và áp thấp nhiệt đới. Vụ đông còn chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ cơn bão số 3 đã làm hơn 7.600ha lúa, hoa màu bị đổ, ngập úng…, ảnh hưởng nghiêm trọng tới năng suất và chất lượng cây trồng, cũng như tiến độ gieo trồng. Bên cạnh đó, việc sản xuất của người dân vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ; các hình thức tổ chức sản xuất hợp tác đã được hình thành nhưng một số vẫn còn mang tính hình thức, khả năng tập hợp, tham gia liên kết, hợp tác còn hạn chế. Ngoài ra, nhân lực lao động nông nghiệp ngày một thiếu nên việc tổ chức sản xuất theo hướng hàng hoá tập trung gặp nhiều khó khăn; giá cả vật tư đầu vào cho sản xuất vẫn ở mức cao nên chi phí sản xuất lớn.
Để đảm bảo các điều kiện sản xuất ổn định, về giải pháp kỹ thuật, Sở NN&PTNT đã phổ biến, khuyến nghị đến bà con các địa phương các nhóm giải pháp đối với từng loại cây trồng, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM); sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật; ứng dụng tưới tiết kiệm, làm tốt công tác khơi thông dòng chảy trên các trục chính và hệ thống kênh mương nội đồng thuận lợi cho công tác tiêu úng...
Ngoài ra, để chủ động phòng ngừa sâu bệnh trên cây trồng, ngành Nông nghiệp cũng đề nghị bà con áp dụng các biện pháp kỹ thuật. Đối với những diện tích đất không thực hiện trồng cây vụ đông, cần tiến hành vệ sinh đồng ruộng ngay sau khi thu hoạch, như: Cày lật đất phơi ải, thu gom và xử lý triệt để tàn dư cây trồng sau khi thu hoạch (tránh đốt rơm rạ, tàn dư cây trồng ngay trên ruộng vì sẽ phá vỡ kết cấu của đất); phát quang, làm sạch cỏ bờ mương, bờ ruộng, gò đống,… thông thoáng nhằm tiêu diệt mầm mống sâu bệnh chuyển vụ và hạn chế nơi trú ngụ của chuột.
Đối với những diện tích trồng cây rau màu vụ đông phải thường xuyên kiểm tra, chăm sóc và phòng trừ sinh vật gây hại kịp thời, như: Bệnh lùn sọc đen, sâu keo mùa thu,… hại ngô; bọ phấn, sâu xanh, sâu tơ, bệnh thối nhũn, đốm vòng,… gây hại trên rau màu khác. Đồng thời, chú ý theo dõi tình hình sinh trưởng và sinh vật hại trên những diện tích trồng giống ngô HN88 từ nguồn dự trữ Quốc gia hỗ trợ khắc phục sau mưa bão tại một số địa phương: Hạ Long, Đông Triều, Đầm Hà, Tiên Yên; thực hiện gieo cấy theo đúng lịch thời vụ và tập trung nhằm tăng năng suất và hạn chế sinh vật gây hại, khi gieo mạ, tiến hành che phủ nilon 100% cho diện tích mạ vừa chống rét cho mạ, vừa ngăn ngừa rầy lưng trắng chích hút truyền virus bệnh lùn sọc đen…
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()