Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 04/12/2024 16:10 (GMT +7)
Tập trung xây dựng Đề án tái cơ cấu kinh tế một cách chất lượng khả thi
Thứ 2, 11/06/2012 | 13:56:34 [GMT +7] A A
Tại phiên thảo luận ở hội trường để đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2012, ĐB Trần Văn Minh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đã tham gia một số ý kiến về vấn đề này.
ĐB Trần Văn Minh đánh giá, trong tình hình khó khăn chung của thế giới và những khó khăn nội tại tích lũy nhiều năm của nền kinh tế nước ta, từ kết quả thực hiện năm 2011 và 4 tháng đầu năm 2012 có thể khẳng định, đây là một thành tích rất đáng ghi nhận. Chính phủ đã có những thành công rất đáng ghi nhận trong điều hành kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta cũng còn nhiều khó khăn, tồn tại như một số chỉ tiêu kế hoạch không hoàn thành của năm 2011 chiếm tới 30%, tốc độ tăng trưởng liên tục suy giảm với tỷ lệ lớn. Tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội năm 2011 chỉ đạt 85% kế hoạch, CPI năm 2011 gấp 2,6 lần so với kế hoạch. Những tháng đầu năm 2012, CPI giảm mạnh thể hiện sự thành công trong kiềm chế lạm phát, nhưng đồng thời cũng có mặt trái của nó thể hiện sức mua của thị trường cũng giảm sút mạnh, hoạt động của doanh nghiệp thì khá ảm đạm, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm, trong khi nhiều chục ngàn doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể, hàng tồn kho lớn, có ngày đã đạt đến mức tồn kho kỷ lục trong nhiều năm qua; số lao động mất việc do doanh nghiệp đình đốn sản xuất lớn, đời sống nhân dân cũng còn gặp nhiều khó khăn, tệ nạn xã hội tiêu cực, tham nhũng, khiếu kiện gia tăng và các biểu hiện bất thường trong xã hội, dịch bệnh lạ xuất hiện nhiều chưa được kịp thời khắc phục v.v...
Trên cơ sở đó, ĐB Trần Văn Minh đã đề nghị, Chính phủ quan tâm đánh giá khách quan hơn, phân tích nguyên nhân sâu sắc hơn về những khó khăn tồn tại này để có giải pháp đúng, kịp thời và có hiệu quả cho phát triển kinh tế-xã hội và những tháng còn lại của năm 2012 và những năm tiếp theo.
Về chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới, ĐB Trần Văn Minh cho rằng, kế hoạch năm 2011 đặt ra là 4% số xã đạt các tiêu chí nông thôn mới, nhưng kết quả đạt được thì mới chỉ dừng lại ở mức đánh giá sơ bộ thực trạng đang trong tiến trình lọc và phê duyệt các đề án xây dựng nông thôn mới, kể cả ở 61 huyện được xác định làm điểm thì cũng chưa có xã nào đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Theo ĐB Trần Văn Minh thì xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Thực trạng kết quả xây dựng nông thôn mới đặt ra câu hỏi, phải chăng chúng ta đặt ra chỉ tiêu, kế hoạch 2011 một cách lạc quan, thiếu căn cứ hay đáng lo ngại hơn là sự không phù hợp về mục tiêu, tiêu chí của chương trình và nội dung, phương pháp, cách thức triển khai chương trình. Nếu không xác định trúng và làm đúng thì sẽ là một sự lãng phí lớn và quan trọng hơn là bộ mặt nông thôn, đời sống của một bộ phận lớn dân cư không được cải thiện và sẽ tiềm ẩn nhiều bất ổn cho xã hội. Do vậy, ĐB Trần Văn Minh đề nghị Chính phủ làm rõ hơn trong các phiên họp tiếp theo trong kỳ họp này.
Về phương hướng, nhiệm vụ những tháng còn lại của năm 2012, ĐB Trần Văn Minh nhất trí với những nhiệm vụ giải pháp của Chính phủ, nhưng phân tích thêm một số điểm. Đó là: Bên cạnh việc tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết số 13 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường thì việc tiếp tục hạ lãi suất cho vay để doanh nghiệp có cơ hội có thêm nguồn lực tài chính phát triển sản xuất là cần thiết. Vì thế, trong quá trình tổ chức thực hiện cần phải có những qui định phù hợp trong tình hình hiện nay. Mặt khác cũng phải tránh được tình trạng lợi dụng để tái cơ cấu lại cho cả doanh nghiệp và cho cả ngân hàng.
ĐB Trần Văn Minh đề nghị, doanh nghiệp sau khi đảo nợ thì được hưởng lãi suất thấp và ngân hàng thì giảm được nợ xấu, nợ quá hạn mà số vốn vay này ra không có tác dụng trực tiếp cho phát triển sản xuất. Tuy nhiên, theo ĐB Trần Văn Minh, việc làm này là cần thiết, nhưng không nên quá kỳ vọng vào giải pháp này, bởi lẽ lượng hàng tồn kho hiện nay rất lớn, nên mối quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp là giải phóng hàng tồn kho, chứ không phải vay mới để sản xuất. Trong khi đó, cơ cấu vốn của doanh nghiệp dựa phần lớn vào ngân hàng mà hiệu quả sản xuất không cao, nên mức lãi suất hiện nay cũng chưa phải là thực sự hấp dẫn với doanh nghiệp. Như vậy, cần phải giảm nhanh hơn nữa lãi suất vay cho phù hợp với kết quả kiềm chế lạm phát thì mới có tác dụng.
Vấn đề quan trọng nhất hiện nay theo ĐB Trần Văn Minh là cần phải kích cầu một cách hợp lý và phải tập trung vào những về sau: Thứ nhất, cần phải có giải pháp phát triển thị trường để tiêu thụ hàng tồn kho, ở đây đối với thị trường trong nước cần phải quan tâm ba nhiệm vụ trọng tâm. Một là: Cần phải đẩy mạnh chương trình khuyến mại để tiêu thụ sản phẩm. Ở đây các doanh nghiệp sẽ làm tốt và phải chủ động thực hiện biện pháp này. Chính phủ xem xét có các cơ chế hỗ trợ gián tiếp cho doanh nghiệp một cách hữu hiệu. Hai là, nên chăng Chính phủ xem xét có chính sách tín dụng hợp lý để kích thích tiêu dùng cho nhân dân trong việc mua nhà ở của người có thu nhập thấp v.v... chính sách này qua tài liệu tham khảo một số nước cũng đã áp dụng khi xảy ra tình trạng sản xuất bị đình đốn, tài sản tồn kho nhiều. Ba, cần phải tiếp tục đẩy mạnh phong trào người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam và có những biện pháp kèm theo một cách thiết thực hiệu quả, hạn chế đến mức cao nhất việc nhập khẩu những mặt hàng trong nước đã sản xuất được. Ở đây không phải là thực hiện mục tiêu giảm nhập siêu mà để hỗ trợ cho việc giải quyết hàng tồn kho trong nước. Vấn đề này rất cần có sự ủng hộ của người dân và cộng đồng doanh nghiệp vì lợi ích của quốc gia và cho chính mỗi chúng ta sau này.
Đối với thị trường nước ngoài cần phải tăng cường xúc tiến thương mại để đẩy mạnh xuất khẩu. Thứ đến là, cần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Qua 5 tháng vừa qua theo báo cáo của Chính phủ chúng ta đã thực hiện được khoảng 60.000 tỷ và như vậy với khoảng thời gian còn lại 120.000 tỷ đồng. Tuy nhiên ĐB Trần Văn Minh thấy cần tổ chức thực hiện và giải ngân sớm để có thể kích thích ngay một số ngành nghề phát triển và thời điểm hiện nay là rất quan trọng, nếu tổ chức thực hiện chậm thì hiệu quả sẽ kém đi.
Về xem xét cân nhắc khởi động lại một số dự án đầu tư công có vị trí quan trọng tạm dừng trước đây, tạo điều kiện phát triển ngành nghề có vị trí là đầu ra cho một số ngành nghề khác có mối quan hệ liên hoàn để tiêu thụ sản phẩm tồn kho, tạo điều kiện tốt hơn cho sản xuất phát triển. Vấn đề căn cơ dài hạn là phải tập trung xây dựng Đề án tái cơ cấu kinh tế một cách chất lượng khả thi, sớm triển khai hiệu quả đề án này.
Quang Minh - Nguyễn Thị Huệ
Liên kết website
Ý kiến ()