Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 15:51 (GMT +7)
Tập trung xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển
Thứ 5, 03/08/2023 | 13:36:10 [GMT +7] A A
Bám sát đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước; kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được trong các giai đoạn trước và tình hình thực tiễn của địa phương, nửa nhiệm kỳ qua, Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh luôn nhất quán quan điểm phát triển nguồn nhân lực chính là tạo đột phá chiến lược để phát triển KT-XH. Từ quan điểm đó, với sự quan tâm và dành nhiều nguồn lực, đến nay tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, từng bước hình thành được nguồn nhân lực cao đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển trong tình hình mới.
Tại Đại hội lần thứ XV, Đảng bộ tỉnh đã thống nhất định hướng phát triển với 3 khâu đột phá, 4 quan điểm, trong đó tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số; đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông tổng thể; xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh…
Trên quan điểm đó, tỉnh đã có định hướng cụ thể về đối tượng gắn với nhu cầu, nội dung đào tạo, bồi dưỡng, chú trọng khả năng vận dụng thực tiễn sau đào tạo. Đồng thời xây dựng hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực gắn với tăng quy mô và chất lượng dân số. Nổi bật là đã hoàn thiện Đề án nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục phổ thông giai đoạn 2023-2025; Đề án phát triển giáo dục mầm non tư thục giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030; đang hoàn thiện Đề án phát triển giáo dục đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Cùng với đó là hàng loạt đề án và nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh liên quan đến nâng cao năng lực hệ thống y tế, chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân trong tình hình mới; các chính sách thu hút đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại Trường Đại học Hạ Long, Trường Cao đẳng Việt - Hàn, Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh; chế độ hỗ trợ trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi của tỉnh và một số chính sách ưu đãi đối với Trường THPT Chuyên Hạ Long...
Với sự quan tâm và chiến lược cụ thể, đến nay mạng lưới cơ sở giáo dục của tỉnh tương đối đa dạng, đủ các loại hình, cơ bản đáp ứng được nhu cầu học tập của nhân dân, được sắp xếp theo hướng tinh gọn nhằm sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia tính đến tháng 6/2023 đạt 89,19%, ước tính đến hết năm 2023 đạt 90,14%, đạt chỉ tiêu trước nửa nhiệm kỳ (mục tiêu đến năm 2025 đạt 90%); tỷ lệ phòng học kiên cố hoá tính đến tháng 6/2023 đạt 92,1%, tăng 2,1% so với đầu nhiệm kỳ.
Đặc biệt, chất lượng giáo dục có chuyển biến tích cực, thi tốt nghiệp THPT đạt kết quả tương đối cao, xếp thứ 31/63 tỉnh, thành phố, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đạt 97,6%, cao nhất trong 3 năm (2019, 2020, 2021); có nhiều học sinh đạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia, quốc tế, trong đó năm học 2022-2023 đạt 59 giải; kỳ thi học sinh giỏi quốc gia tăng 11 giải so với năm học 2021-2022; đạt 4 giải cuộc thi KHKT, tăng 3 giải so với năm học 2021-2022...
Song song với việc xây dựng, thực hiện các đề án chiến lược, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh cũng tiến hành nhiều chương trình bồi dưỡng cụ thể cho từng đối tượng phù hợp với nhu cầu của địa phương. Cụ thể như chương trình bồi dưỡng cho đội ngũ bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố và người hoạt động không chuyên trách cấp xã; cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã; tập huấn cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác chuyên môn như công nghệ, y tế, giáo dục, môi trường, nông nghiệp; bồi dưỡng ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Trung) cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác du lịch, cán bộ địa phương biên giới....
Đồng thời, ưu tiên những ngành, nghề, lĩnh vực mà tỉnh cần đáp ứng nguồn nhân lực thực hiện mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ, du lịch, công nghiệp và hội nhập, như ngoại ngữ, du lịch, dịch vụ, cải cách hành chính, quản lý đô thị, tin học...
Để thu hút được nguồn nhân lực cao, lao động có kỹ năng về làm việc, sinh sống tại Quảng Ninh, thời gian qua, tỉnh cũng đã tích cực xây dựng và triển khai Đề án phát triển nhà ở cho công nhân, lao động ngành than, KCN, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 xây dựng được khoảng 25.000 căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và người lao động, trong đó nhà ở xã hội cho công nhân các KCN là 10.500 căn; nhà ở cho công nhân ngành than có thu nhập trung bình là 4.300 căn; nhà ở xã hội cho công nhân ngành than thu nhập thấp và đối tượng xã hội còn lại là 9.600 căn... Qua đó đến năm 2025, Quảng Ninh phấn đấu đáp ứng khoảng 50% tổng nhu cầu nhà ở xã hội cho các đối tượng có thu nhập thấp…
Tỉnh cũng gắn công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực với một trong những nội dung công tác trọng tâm trong giai đoạn mới là chuyển đổi số toàn diện đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó xác định việc xây dựng nguồn “nhân lực số” là một nhiệm vụ trọng yếu. Mục tiêu đề ra đến năm 2025, 100% cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước sử dụng thành thạo các ứng dụng của chính quyền số; trên 60% dân số có tài khoản thanh toán điện tử và sử dụng thành thạo các dịch vụ đô thị thông minh; 100% người dân có định danh số… Đến năm 2030, 100% cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, xã xử lý công việc trên nền tảng số; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử và sử dụng các dịch vụ số đạt trên 90%...
Để đáp ứng nhu cầu nhân lực trình độ cao, nhất là các ngành đang là thế mạnh của tỉnh, Quảng Ninh cũng quan tâm xây dựng cơ chế chính sách đầu tư thoả đáng phát triển giáo dục đào tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao, định hướng cho giai đoạn 10 năm tới. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao chất lượng giáo dục từ các cấp học phổ thông lên tới đại học, đặc biệt là các trường nghề, mở rộng liên kết hợp tác với các doanh nghiệp, các tập đoàn đã thành công ở Quảng Ninh. Bên cạnh các nguồn lực nội tại, tỉnh cũng sẽ có cơ chế thu hút, giữ chân người tài ở lại tỉnh lâu dài, trở thành công dân Quảng Ninh để cống hiến, sáng tạo. Tính đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo trên địa bàn tỉnh đạt 85,85% (mục tiêu đến năm 2025 là 87,5%), trong đó tỷ lệ lao động đã đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 47,5% (mục tiêu đến năm 2025 là 52%).
Minh Thu
Liên kết website
Ý kiến ()