Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 12:13 (GMT +7)
Tất cả vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau
Thứ 5, 26/10/2023 | 08:18:10 [GMT +7] A A
Trong 60 năm phát triển, trải qua nhiều giai đoạn, Quảng Ninh luôn xác định chăm lo cho người nghèo là chủ trương nhất quán, xuyên suốt, là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của tỉnh. Thực tiễn đã chứng minh, dù trong khó khăn, gian khổ hay trong thời kỳ đổi mới, Quảng Ninh luôn quan tâm chăm lo cho người nghèo, thực hiện nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững với quyết tâm tất cả vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Từ diệt giặc đói
Trước khi thành lập tỉnh Quảng Ninh, khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh phải đối mặt với nhiều khó khăn do cuộc chiến tranh của thực dân Pháp để lại và do hoàn cảnh thiên nhiên khắc nghiệt. Trước năm 1960, hàng vạn người rơi vào cảnh thất nghiệp và đói kém ở thành thị và nông thôn. Hàng nghìn mẫu ruộng bỏ hoang hóa; công nghiệp, thủ công nghiệp đình đốn; hạn hán, lũ lụt kéo dài... Trước tình hình đó, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh đã nỗ lực phấn đấu, đạt được những thành tích nổi bật. Đời sống công nhân mỏ và nhân dân các dân tộc được cải thiện. Tuy nhiên, sau khi thành lập tỉnh, Quảng Ninh phải hứng chịu liên tiếp 2 cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.
Trước thời kỳ đổi mới, mặc dù rất nỗ lực, song Quảng Ninh phải đối mặt với hàng loạt khó khăn không thể tự giải quyết, đặc biệt là 4 vấn đề chính: Lao động, nhất là lao động ngành than; lương thực; hàng hóa; ngân sách. Lương thực, thực phẩm, ngân sách của tỉnh phụ thuộc vào Trung ương. Hằng năm, Nhà nước phải hỗ trợ khoảng 70-80% số nhu cầu lương thực, thực phẩm; 90% số nhu cầu ngân sách. Nhu yếu phẩm chủ yếu đều phân phối qua tem, phiếu. Trong thời gian dài, thu mua lương thực hằng năm của tỉnh chỉ đạt 10.000-15.000 tấn, nên chỉ đủ tự túc cho số cán bộ, công nhân viên chức và lao động phi nông nghiệp của tỉnh trong một tháng. Tình trạng Nhà nước nợ tiền lương, nợ gạo, nợ thực phẩm… của cán bộ, công chức thường xuyên xảy ra. Lương thực, thực phẩm, hàng hóa tiêu dùng khan hiếm, phần lớn dựa vào Trung ương điều về. Năm 1985, hàng trung ương điều cho tỉnh là 85.939 tấn gạo, 1.077 tấn thịt lợn, 4.940 tấn đường, 2,8 triệu mét vải… Đời sống của nhân dân ở những vùng cao, biên giới, hải đảo càng khó khăn gấp bội.
Trước tình hình đó, tỉnh đã tập trung chăm lo giải quyết các vấn đề bức xúc về việc làm, xóa đói, giảm nghèo, tai nạn, tệ nạn xã hội; từng bước cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh, tạo tiền đề vững chắc cho giai đoạn phát triển tiếp theo của tỉnh. Đặc biệt, công tác xóa đói, giảm nghèo được Quảng Ninh xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Các cấp, các ngành triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện 3 chương trình mục tiêu lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu và chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020. Trong giai đoạn 1993-1997, bình quân mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,18%, giảm được 13% hộ đói kinh niên. Đặc biệt, từ năm 2002, Thủ tướng Chính phủ ban hành “Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo”, Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo được thành lập từ tỉnh cho đến cấp xã, huy động được toàn xã hội vào cuộc. Tích cực xây dựng, triển khai các dự án, đề án thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đặc biệt khó khăn với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, như: Tổ chức tập huấn, hướng dẫn kinh nghiệm làm ăn, kỹ thuật nuôi trồng các loại cây, con; hỗ trợ vốn, giống, vật tư nông nghiệp cho các hộ nghèo phát triển sản xuất; đẩy mạnh khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật; cấp thẻ bảo hiểm y tế, khám, chữa bệnh miễn phí; miễn giảm học phí cho học sinh, sinh viên; đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, giúp nhau làm kinh tế”, “Xoá đói, giảm nghèo”, các phong trào xóa nghèo có địa chỉ…
Từ năm 1998 đến năm 2000, bình quân mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm 3%, và số hộ đói kinh niên giảm 9%/năm. Bước sang giai đoạn 2001-2005 Quảng Ninh đã không còn hộ đói. Giai đoạn 2006-2010, toàn tỉnh đã giảm được 16.147 hộ nghèo, bình quân mỗi năm giảm 3.230 hộ, hạ tỷ lệ hộ nghèo từ 10,62% (năm 2005) xuống còn 3,48% (năm 2010); về đích trước 1 năm so với mục tiêu đề ra cho cả giai đoạn 2006-2010. Cũng trong giai đoạn này, tỉnh đã hoàn thành mục tiêu hỗ trợ nhà ở cho 3.616 hộ dân khu vực nông thôn và 194 hộ dân khu vực thành thị, về đích sớm so với kế hoạch của Trung ương đề ra 2 năm, mức hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở của địa phương tăng gấp 2 lần mức hỗ trợ của Trung ương. Đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm xuống còn 1,33%, đưa Quảng Ninh là một trong những tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất cả nước.
Đến thành tựu trong “cuộc chiến” với chuẩn nghèo đa chiều
Theo sự phát triển ngày càng cao của đất nước, quy định về hộ nghèo, hộ cận nghèo của Việt Nam ngày càng nâng lên. Ngày 19/11/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg về chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020. Theo đó, việc xác định hộ nghèo, cận nghèo không chỉ bằng tiêu chí thu nhập mà còn được đánh giá bằng các tiêu chí mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản gồm: Các dịch vụ xã hội cơ bản (5 dịch vụ): Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin; các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản (10 chỉ số): Tiếp cận các dịch vụ y tế, bảo hiểm y tế, trình độ giáo dục của người lớn, tình trạng đi học của trẻ em, chất lượng nhà ở, diện tích nhà ở bình quân đầu người, nguồn nước sinh hoạt, hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh, sử dụng dịch vụ viễn thông, tài sản phục vụ tiếp cận thông tin.
Bước vào “cuộc chiến” mới, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách chăm lo bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và ưu tiên bố trí nguồn lực lớn cho các vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách, yếu thế, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương, vùng miền. Cùng với đó, Quảng Ninh thực hiện đồng bộ giải pháp giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, tín dụng ưu đãi cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; đào tạo nghề, triển khai hiệu quả chương trình việc làm, nâng cao chất lượng tư vấn, giới thiệu việc làm…
Đến năm 2020, tổng chi cho an sinh xã hội trong 5 năm ước đạt 8.981 tỷ đồng, bình quân tăng 14,9%/năm, gấp 1,8 lần giai đoạn 2011-2015. Tỉnh cũng hoàn thành Chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo giai đoạn 2; nâng mức chuẩn nghèo riêng của tỉnh đối với 3 thành phố (Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí). Nhận thức, ý chí vươn lên thoát nghèo của một bộ phận nhân dân tại địa bàn khó khăn được nâng lên; nhiều hộ dân đã tự nguyện xin ra khỏi diện hộ nghèo, cận nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều giảm từ 4,56% năm 2015 xuống còn 0,36% năm 2020.
Từ năm 2020, trung ương nâng chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều và Quảng Ninh tiếp tục thực hiện công tác giảm nghèo bền vững với quyết tâm cao hơn, nỗ lực nhiều hơn. Với quyết tâm “Mỗi người dân Quảng Ninh đều được hưởng thành quả tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau”, tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp toàn diện trên các lĩnh vực. Trong đó ưu tiên, tập trung phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, kết nối liên thông, tổng thể, nhất là các tuyến giao thông huyết mạch, có tính động lực; tập trung đầu tư các công trình thực sự cấp bách, thiết yếu về y tế, giáo dục, viễn thông, nước sản xuất, nước sinh hoạt; thực hiện tốt các chính sách an sinh, nâng cao phúc lợi xã hội và chăm sóc sức khỏe nhân dân, chăm sóc phụ nữ và trẻ em ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, đảm bảo người dân ở các khu vực miền núi, hải đảo được hưởng tốt các dịch vụ công như người dân ở khu vực thành thị.
Đặc biệt, ngày 17/5/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU “Về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Thực hiện Nghị quyết 06, các cấp, các ngành đã tập trung xây dựng các công trình, dự án hạ tầng chủ yếu phục vụ trực tiếp cho sản xuất và tăng điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân, tạo sự đồng thuận trong nhân dân vùng miền núi, biên giới, góp phần cải thiện rõ rệt diện mạo nông thôn, miền núi.
Đến nay, 100% xã đặc biệt khó khăn đã có đường ô tô được bê tông hóa đến trung tâm xã; đường giao thông đến các thôn, bản đặc biệt khó khăn cơ bản được cứng hóa; 177/177 xã phường, thị trấn có trạm y tế đạt chuẩn theo bộ tiêu chí quốc gia về y tế; 100% hộ dân tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn được sử dụng điện lưới quốc gia; trên 97,82% số hộ dân tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn đối với các địa bàn miền núi, khó khăn. Qua đó đã từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, từng bước thay đổi tập quán canh tác của người dân; khai thác phát huy hạ tầng du lịch cộng đồng, đa dạng hóa các loại hình du lịch trải nghiệm gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Từ đó khơi dậy tinh thần tự lực và ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng của đồng bào, từng bước đưa mức sống của người dân vùng núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo tiếp cận gần hơn với mức sống của người dân ở khu vực thành thị; tạo cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận, học hỏi và áp dụng phương pháp phát triển kinh tế hiệu quả, tiến tới phát triển kinh tế hộ gia đình, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững, từ đó nhân rộng mô hình ra các địa phương khác.
Với cách làm linh hoạt, sáng tạo, đột phá, đến cuối năm 2022 cơ bản tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành các chỉ tiêu về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025 đề ra. Hoàn thành trước 3 năm Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; không có huyện nghèo, xã nghèo; có 1/13 địa phương (Hạ Long) không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo; 3/13 địa phương (Quảng Yên, Vân Đồn, Cô Tô) không còn hộ nghèo; 9/13 địa phương tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%. Thu nhập bình quân đầu người vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh đến hết năm 2021 đạt 52,5 triệu đồng, tăng 13,88% so với năm 2020. Đến nay, toàn tỉnh không còn xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; không còn huyện nghèo. Đặc biệt, đến tháng 9/2023, Quảng Ninh đã hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn với tổng số 441 nhà được hỗ trợ, trong đó xây mới 260 nhà và sửa chữa là 181 nhà. Hiện nay, Quảng Ninh cũng quy định mức chuẩn nghèo riêng của tỉnh cao hơn mức trung ương, qua đó tạo điều kiện cho những hộ dân còn khó khăn tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của tỉnh, tạo lực đẩy để giảm nghèo bền vững.
Bảo Bình
Liên kết website
Ý kiến ()