Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 19/11/2024 08:32 (GMT +7)
Tật khúc xạ học đường: Cách nhận biết và phòng tránh
Thứ 5, 07/10/2021 | 11:19:17 [GMT +7] A A
Tật khúc xạ học đường là một trong những vấn đề đáng lo ngại hiện nay ở lứa tuổi học sinh, trong đó phổ biến nhất là cận thị. Suy giảm thị lực ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em và có thể làm giảm cơ hội học tập, đến trường, tác động lâu dài về mặt nhận thức, giáo dục và xã hội.
Tật khúc xạ gồm 4 bệnh chính (cận thị, viễn thị, loạn thị và lão thị). Tuy nhiên, trong độ tuổi đi học, cận thị vẫn là tật khúc xạ phổ biến. Người bị cận thị khó khăn khi nhìn các vật ở xa, khi nhìn vật từ xa có thể gây mỏi mắt và nhức đầu. Nếu cận thị nặng, võng mạc của mắt có thể mỏng đi, gây tổn thương đến mắt…
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tật cận thị ở lứa tuổi học sinh, đó là việc học tập và sinh hoạt thiếu hợp lý, cường độ học tập ngày càng dày đặc cùng với môi trường ánh sáng, tư thế ngồi không đảm bảo; trẻ sớm sử dụng các thiết bị điện tử, làm cho mắt cũng phải điều tiết ở cự ly gần trong thời gian dài. Điều này dẫn đến nguy cơ suy giảm thị lực và cận thị cao, đặc biệt là lứa tuổi 7-9 tuổi và 12-14 tuổi. Ngoài ra, bệnh về mắt cũng có yếu tố di truyền.
Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã có nhiều chương trình khám, điều trị về mắt cho người dân, nhất là người cao tuổi và lứa tuổi học sinh, sinh viên. Tại các trường học, nhất là ở cấp phổ thông cơ sở, các trường thường xuyên phối hợp triển khai các chương trình khám sức khoẻ tổng thể cho học sinh, trong đó đặc biệt quan tâm đến tật khúc xạ. Bên cạnh đó, các trường cũng được đầu tư nhiều trang thiết bị dạy và học, như bảng chống loá, thiết bị ánh sáng, bàn ghế đảm bảo kích cỡ phù hợp… Nhiều trường còn lồng ghép trong các buổi học, sinh hoạt để giáo dục về sức khoẻ cho học sinh, nhất là việc điều chỉnh tư thế ngồi, sử dụng ánh sáng học… để các em chủ động giữ sức khoẻ, phòng tránh bệnh về mắt.
Cô giáo Vũ Thị Hoàng Yến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Trung (TP Hạ Long), cho biết: Hằng năm, trường đều phối hợp triển khai các đợt khám sức khoẻ sàng lọc bệnh cho học sinh. Trong các đợt khám, đều có bác sĩ chuyên khoa về mắt tham gia. Năm học 2020-2021, trường có 1.360 học sinh, trong đó gần 200 học sinh có bệnh về mắt. Kết quả khám đều được nhà trường gửi về cho gia đình, đồng thời thường xuyên duy trì trao đổi thông tin giữa nhà trường và gia đình trong quản lý, giáo dục học sinh. Dự kiến trong tháng 10 này, nhà trường tiếp tục phối hợp tổ chức khám sức khoẻ cho học sinh toàn trường.
Theo bác sĩ CKI Ngô Xuân Thanh, Trưởng khoa Mắt (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), trung bình mỗi năm khoa tiếp nhận khám cho từ 1.500-2.000 bệnh nhân ở lứa tuổi học sinh, hầu hết đều mắc cận thị, một số ít là viễn thị, loạn thị, tuy nhiên phần lớn bệnh nhân ở thể nhẹ, bởi nhiều cháu mới có biểu hiện đã được gia đình đưa đi khám kịp thời. Vì vậy, phụ huynh cần đưa con em khám định kỳ 6 tháng/lần để xác định tật khúc xạ và các bệnh về mắt khác sớm, nhằm có phương pháp điều trị kịp thời… Đặc biệt, khi vào thời kỳ mẫu giáo 5 tuổi, trẻ em cần được khám mắt, bởi nếu có bệnh về mắt, việc khám sàng lọc càng sớm thì độ can thiệp càng kịp thời và hiệu quả hơn. Nhiều trường hợp khám, phát hiện muộn đã dẫn đến tình trạng nhược thị, ảnh hưởng lâu dài trong học tập, đời sống. Đối với những trẻ bị cận thị cần được đi khám thường xuyên để kiểm tra tiến triển của tật, thay kính kịp thời, tránh đeo kính sai độ khiến mắt phải điều tiết nhiều hơn, tăng nhanh độ cận, dẫn đến thị lực giảm sút. Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng cũng cần lưu ý bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin A, E, B như cà rốt, bí đỏ, trứng, thịt, cá… trong bữa ăn hằng ngày để nuôi dưỡng đôi mắt.
Theo lời khuyên của các chuyên gia mắt, có nhiều biện pháp phòng tránh cận thị học đường như: Cải thiện điều kiện học tập và sinh hoạt bằng cách đảm bảo góc học tập đủ ánh sáng và ngồi học đúng tư thế; thực hiện thời gian biểu học tập, nghỉ ngơi, vui chơi hợp lý để đảm bảo sức khỏe, thư giãn thị giác…
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()