Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 00:20 (GMT +7)
Tên gọi tỉnh Quảng Ninh qua các thời kỳ lịch sử
Thứ 2, 09/10/2023 | 10:29:05 [GMT +7] A A
Quảng Ninh là một tỉnh biên giới thuộc vùng Đông Bắc nước ta. Sinh thời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ví Quảng Ninh là hình ảnh nước Việt Nam thu nhỏ vì có đầy đủ các dạng địa hình (trung du, đồng bằng, đồi núi, ven biển, hải đảo, biên giới) của cả nước.
Tỉnh Quảng Ninh có tiềm năng kinh tế đa dạng và phong phú. Than đá là nguồn tài nguyên quý giá, chiếm 90% trữ lượng khai thác của toàn quốc, chất lượng vào loại tốt trên thế giới. Ngoài ra, rừng và biển là tài nguyên phong phú mang lại giá trị kinh tế cao. Quảng Ninh nơi có tiềm năng lớn và đa dạng về kinh tế cũng là nơi có vị trí quốc phòng an ninh có ý nghĩa chiến lược ở vùng Đông Bắc nước ta.
Giữa thế kỷ XIX, thực dân Pháp xâm lược nước ta, sau cuộc đánh chiếm Bắc Kỳ lần thứ nhất (1874), trong các năm 1880 - 1881 chúng đã đưa các đoàn kỹ thuật đến khu mỏ Hòn Gai thăm dò, khảo sát địa chất nơi đây. Vào cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp xâm lược Bắc kỳ lần thứ hai, sau khi đánh chiếm Hà Nội được tám ngày, ngày 12/3/1883, chúng đem 500 quân đánh chiếm Hồng Gai dựng trại tại Bãi Cháy. Tên tướng chỉ huy cuộc xâm lược này là đại tá Hăng-ri Ri-vi-e-rơ đã viết về sự kiện này như sau: “Ngày 12 tháng 3, tôi chiếm Vịnh Hạ Long đây là nơi có phong cảnh đẹp lạ lùng. Sự chiếm đoạt phía tây vịnh Hòn Gai cho chúng ta cái chủ quyền trên vùng mỏ và là chìa khóa mở ra cả mặt bể Bắc Kỳ”. Qua lời nhận xét đó, có thể thấy thực dân Pháp coi Quảng Ninh là vùng đất có ý nghĩa chiến lược về mặt quốc phòng, nếu chiếm được Quảng Ninh coi như làm chủ cả khu vực Bắc Kỳ. Do vậy, năm 1884, sau khi ép triều đình nhà Nguyễn kí hiệp ước Pa-tơ-nốt đánh dấu sự đầu hàng của nhà Nguyễn giao nước ta vào tay Pháp, chúng tiếp tục ép triều đình nhà Nguyễn làm khế ước bán mỏ Hồng Gai, Cẩm Phả cho tên tư bản Pháp là Ba-vi-ê-sô-phua với giá 10 vạn đồng Đông Dương. Từ đó nhân dân khu mỏ chịu sự áp bực, bóc lột của bọn tư bản Pháp.
Vào năm 1888, công ty mỏ than đầu tiên của người Pháp được thành lập có tên là công ty mỏ Bắc Kỳ khai thác than ở khu vực Hòn Gai, Cẩm Phả. Kể từ đó dưới thời Pháp thuộc, Hòn Gai, Cẩm Phả còn có tên gọi tắt là “vùng đất nhượng” tức thuộc quyền của chủ mỏ, có bộ máy bạo lực riêng.
Dưới thời kỳ Pháp thuộc, chúng chia khu mỏ thành ba địa giới hành chính: Tỉnh Quảng Yên (về cơ bản phạm vi của Quảng Yên vẫn như hiện nay, có thêm huyện Cát Hải, Thủy Nguyên của Hải Phòng và huyện Sơn Động của tỉnh Bắc Giang, huyện Chí Linh, Kinh Môn, Nam Sách của tỉnh Hải Dương); tỉnh Hải Ninh (gồm toàn bộ khu vực miền Đông của tỉnh và huyện Na Dương, Đình Lập, Lộc Bình của Lạng Sơn) và đặc khu Hòn Gai. Hệ thống chính quyền tỉnh gồm hệ thống quan lại người Pháp và hệ thống quan lại người Việt. Quan lại người Việt phải phục tùng quan lại người Pháp. Quan lại cấp tỉnh có chánh sứ, công sứ người Pháp, giúp việc có Tòa Công sứ và Hội đồng hàng tỉnh. Để điều hành đất nước, thực dân Pháp và triều đình nhà Nguyễn thành lập hệ thống tòa án, cảnh sát, nhà tù và ban hành các bộ luật. Ngoài pháp luật nhà nước, còn có hệ thống hương ước của các làng, xã.
Cách mạng Tháng Tám thành công, nhà nước Việt Nam Dân chủ Công hòa ra đời dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, kể từ đây người dân đã trở thành người tự do và làm chủ chế độ. Địa bàn tỉnh Quảng Ninh gồm 3 tỉnh: Quảng Yên, Hải Ninh và đặc khu Hòn Gai. Trung ương quyết định thành lập Ban cán sự (với chức năng tương đương Ban chấp hành Đảng bộ) ở 3 tỉnh.
Tháng 3/1947, Trung ương quyết định sát nhập Đặc khu Hòn Gai với tỉnh Quảng Yên thành Liên tỉnh Quảng Hồng. Như vậy, năm 1947, khu mỏ có tên gọi là tỉnh Quảng Hồng và tỉnh Hải Ninh. Sau một thời gian sát nhập đến ngày 26/12/1948, Ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu I ra quyết định (số 420 TGY) chia Liên tỉnh Quảng Hồng thành tỉnh Quảng Yên và khu đặc biệt Hòn Gai.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, Hiệp định Giơnevơ được kí kết, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng. Theo quy định của Hiệp đinh Giơnevơ ở khu mỏ thực dân Pháp phải rút lui chậm nhất là trong 300 ngày. Ngày 24/4/1955 tên lính Pháp cuối cùng đã phải rút khỏi Khu mỏ. Sáng ngày 25/4/1955 nhân dân nô nức xuống đường chào mừng Ngày giải phóng Khu mỏ.
Xuất phát từ vị trí quan trọng của Khu mỏ, mối quan hệ về địa lý và truyền thống lịch sử lâu đời với tỉnh Quảng Yên, ngày 22 tháng 2 năm 1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22/SL hợp nhất tỉnh Quảng Yên và Đặc khu Hòn Gai thành khu Hồng Quảng. Khu Hồng Quảng gồm các đơn vị hành chính là 5 thị xã: Hòn Gai, Cẩm Phả, Cửa Ông, Quảng Yên, Cát Bà và 6 huyện: Đông Triều, Yên Hưng, Thủy Nguyên, Cát Hải, Hoành Bồ, Cẩm Phả. Các huyện Chí Linh, Kinh Môn, Nam Sách sáp nhập trở lại Hải Dương, huyện Sơn Động sáp nhập lại tỉnh Bắc Giang. Như vậy, năm 1955, Khu mỏ có hai tên gọi là tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng.
Xét thấy việc hợp nhất khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh thành một đơn vị hành chính có nhiều điểm thuận lợi về kinh tế, quốc phòng, đầu tháng 7/1963, Ban Thường vụ Khu uỷ Hồng Quảng và Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hải Ninh tổ chức Hội nghị liên tịch bàn và nhất trí đề nghị Trung ương hợp nhất khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh thành một đơn vị hành chính. Ngày 4/10/1963, Ban Bí thư Trung ương Đảng có Công văn gửi Ban Tổ chức Trung ương, Đảng Đoàn Bộ Nội vụ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường vụ Khu uỷ Hồng Quảng và Tỉnh ủy Hải Ninh về việc “Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định thống nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng thành một tỉnh” để nghiên cứu kế hoạch thi hành.
Ngày 7/10/1963, Ban Thường vụ Khu ủy Hồng Quảng và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Ninh họp Hội nghị liên tịch và ra Nghị quyết về việc hợp nhất. Theo nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh, ngày 30/10/1963, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá II đã ra Nghị quyết, Quyết nghị phê chuẩn việc hợp nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng thành tỉnh Quảng Ninh.
Về sự kiện này, Bác Hồ đã gợi ý gọi là Quảng Ninh, do ghép chữ Quảng (của khu Hồng Quảng) và chữ Ninh (của tỉnh Hải Ninh) mà thành. Với tên gọi này vừa dễ hiểu, vừa dễ nhớ, lại có nhiều ý nghĩa. “Quảng” là rộng lớn. “Ninh” là yên bình, bền vững. Quảng Ninh ghép vào với nghĩa là một vùng rộng lớn, yên bình, bền vững.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, với tên gọi Quảng Ninh, tỉnh đã có 60 năm xây dựng và phát triển. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh, sự vào cuộc của các cấp chính quyền cùng sự đồng thuận của người dân, Quảng Ninh đã khoác lên mình một chiếc áo mới, diện mạo của tỉnh được thay đổi từng ngày. Tỉnh Quảng Ninh nêu cao quyết tâm chính trị nhằm thực hiện thành công mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra: phấn đấu đến năm 2030, xây dựng, phát triển Quảng Ninh là tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh, tập 1, xuất bản năm 1985. - Địa chí Quảng Ninh, tập 2, xuất bản năm 2002. - Lịch sử công nhân khu mỏ than Quảng Ninh 1820 - 1975, xuất bản năm 1996. |
Ths. Ngô Thị Ninh Dung (Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ)
Liên kết website
Ý kiến ()