Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 28/12/2024 08:22 (GMT +7)
Tên lửa Hwasong-19 của Triều Tiên 'có thể bay tới mọi nơi ở Mỹ'
Thứ 6, 01/11/2024 | 17:17:24 [GMT +7] A A
Triều Tiên xác nhận thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) nhiên liệu rắn mới mang tên Hwasong-19.
Thông tin do truyền thông nhà nước Triều Tiên công bố ngày 1/11, trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang chỉ trích nước này triển khai binh sĩ để hỗ trợ Nga tại Ukraine.
Hwasong-19 mạnh thế nào?
Việc phóng tên lửa diễn ra ngày 31/10, với quỹ đạo cao hơn bất kỳ tên lửa nào trước đó của Triều Tiên.
Theo quân đội Hàn Quốc và Nhật Bản, tên lửa đã bay sâu vào không gian trước khi rơi xuống biển giữa Nhật Bản và Nga. Hãng thông tấn nhà nước KCNA ca ngợi đây là "tên lửa chiến lược mạnh nhất thế giới".
Dù vẫn còn những nghi vấn về khả năng dẫn đường của tên lửa và khả năng bảo vệ đầu đạn hạt nhân khi tái nhập khí quyển, Hwasong-19, giống như các tên lửa ICBM gần đây của Triều Tiên, đã chứng minh tầm bắn có thể vươn tới hầu hết mọi nơi ở nước Mỹ.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, người đã trực tiếp giám sát vụ phóng, tuyên bố: "Loại ICBM mới này đã chứng minh trước thế giới rằng vị thế thống trị mà chúng ta đã đạt được trong phát triển và sản xuất vũ khí mang đầu đạn hạt nhân là không thể đảo ngược".
Hwasong-19 sẽ hoạt động cùng với Hwasong-18, một loại tên lửa nhiên liệu rắn được ra mắt năm ngoái. Tên lửa nhiên liệu rắn có ưu điểm không cần tiếp nhiên liệu ngay trước khi phóng, dễ vận hành và yêu cầu hỗ trợ hậu cần ít hơn so với tên lửa nhiên liệu lỏng.
Giáo sư Kim Dong Yup từ Đại học Nghiên cứu Triều Tiên tại Seoul, nhận định: "Tên lửa này có thể di chuyển linh hoạt, mang lại khả năng cơ động, tính bí mật và độ bền cao".
Hình ảnh từ KCNA cho thấy tên lửa đa tầng cỡ lớn được phóng từ một thiết bị đặt trên xe vận chuyển. Các hình ảnh còn ghi lại quá trình tách tầng và hình ảnh Trái đất từ camera gắn trên tên lửa.
Giáo sư Kim nhận định độ dài hơn bình thường của tên lửa có thể là do lượng nhiên liệu lớn hơn, dẫn đến lực đẩy mạnh hơn và có khả năng tăng tầm bắn. Tuy nhiên, tên lửa hiện tại của Triều Tiên đã đủ tầm bắn tới bất kỳ nơi nào ở Mỹ, và việc tăng cường khả năng tải trọng của Hwasong-19 nhằm mục đích mang theo đầu đạn nặng hơn hoặc nhiều đầu đạn hạt nhân cùng lúc.
"Họ có thể sẽ tiếp tục thử nghiệm để xác minh xem liệu ở giai đoạn tái nhập khí quyển cuối cùng, các đầu đạn có thể tách rời và hướng tới các mục tiêu riêng biệt hay không", giáo sư Kim cho biết thêm.
Theo KCNA, Hwasong-19 đã bay được 1.001,2km trong 85 phút 56 giây trước khi rơi xuống biển phía đông bán đảo Triều Tiên, với độ cao tối đa đạt 7.687,5km.
Chuyển giao công nghệ Nga - Triều
Vụ phóng thử diễn ra ngay trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 5/11, đã ngay lập tức vấp phải sự lên án từ Washington và các đồng minh như Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu và Liên Hiệp Quốc.
Ông Ankit Panda, chuyên gia cấp cao tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình quốc tế, cho biết vụ phóng tên lửa này khẳng định thêm khả năng của Triều Tiên về răn đe chiến lược, đồng thời nhấn mạnh ông Kim Jong Un dường như muốn gửi thông điệp này tới Mỹ.
Người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho rằng vụ phóng này có thể có nhiều mục đích, bao gồm thể hiện công nghệ quân sự, gây áp lực lên Washington và đánh lạc hướng dư luận về vấn đề đưa quân đội Triều Tiên sang Nga.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã chỉ trích mạnh mẽ phản ứng yếu ớt của các đồng minh trước việc Nga đưa quân Triều Tiên đến tham chiến ở Ukraine, gây lo ngại rằng Matxcơva có thể chuyển giao công nghệ quân sự nhạy cảm cho Bình Nhưỡng.
Trong khi đó Nga và Triều Tiên không phủ nhận việc triển khai binh sĩ và khẳng định quyền hỗ trợ lẫn nhau.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết Lầu Năm Góc đang trong giai đoạn đầu đánh giá vụ phóng ICBM và hiện chưa thấy dấu hiệu cho thấy có sự tham gia của Nga.
KCNA khẳng định vụ phóng không gây ảnh hưởng đến an toàn của các nước láng giềng và được coi là bước đi quân sự thích hợp trước các mối đe dọa từ các đối thủ của Triều Tiên.
Giáo sư Kim Dong Yup cho rằng Nga có thể cung cấp một số chuyên gia hỗ trợ kiểm tra hoặc điều chỉnh, nhưng khả năng chia sẻ công nghệ nhạy cảm với Triều Tiên là thấp.
Theo Tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()