Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 15:56 (GMT +7)
Tết Trung thu đặc biệt
Chủ nhật, 19/09/2021 | 08:34:25 [GMT +7] A A
Chỉ còn vài ngày nữa là tới Tết Trung thu trong khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp nên mùa trăng năm nay chắc hẳn với mọi người sẽ là một mùa trăng đặc biệt. Sẽ không có các hoạt động bày cỗ trông trăng, rước đèn ông sao, hay tổ chức múa hát, vui văn nghệ…, song tin chắc rằng, mỗi người, mỗi gia đình sẽ đều có những cách riêng để đón Tết đoàn viên thật ấm cúng, đảm bảo các quy định phòng chống dịch.
Trung thu giản dị, đầm ấm
Nhắc đến Trung thu không thể không nhắc đến món bánh nướng, bánh dẻo truyền thống. Để phù hợp với tình hình phòng chống dịch bệnh, năm nay, rất nhiều người tìm mua bánh trung thu bằng hình thức “online”. Các sản phẩm bánh trung thu “handmade” với nhiều hương vị, kiểu dáng mới lạ, đẹp mắt cũng được người tiêu dùng ưa thích.
Bên cạnh đó, xu hướng làm bánh Trung thu tại nhà mùa dịch cũng được rất nhiều các gia đình lựa chọn, vừa tạo được không khí đầm ấm, quây quần giữa các thành viên trong gia đình, nhất là đối với trẻ nhỏ, vừa là một cách giáo dục đơn giản song hiệu quả giúp các em hiểu hơn và biết trân trọng, nâng niu nét văn hóa truyền thống của dân tộc.
Bà Phan Thị Cúc, phường Bãi Cháy (TP Hạ Long), chia sẻ: Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, công việc của các con cũng đỡ bận rộn hơn, vì vậy tôi chọn mua nguyên liệu về nhà làm bánh cùng các con, các cháu thay vì mua sẵn như mọi năm. Công thức làm bánh được mấy mẹ con, bà cháu tìm hiểu theo hướng dẫn trên mạng, ai cũng hào hứng trong mỗi công đoạn từ nặn bột đến làm nhân, đúc khuôn... Nhìn các cháu nâng niu những chiếc bánh tự tay làm ra mang gửi tặng hàng xóm, họ hàng tôi thấy rất vui. Quả thật những chiếc bánh trung thu năm nay không chỉ mang hương vị truyền thống mà còn đậm đà "hương vị" tình thân.
Ở các trường học, năm học mới vừa bắt đầu và do yêu cầu về phòng, chống dịch nên không tổ chức hoạt động đón Tết Trung thu tập trung. Thay vào đó, hội phụ huynh và mỗi lớp học tùy điều kiện vẫn tổ chức cho các em đón Trung thu theo cách riêng như: Treo đèn ông sao ở lớp học, tổ chức một số trò chơi dân gian tại chỗ, thi vẽ tranh về Trung thu hay kể những câu chuyện, giới thiệu về nét đẹp văn hóa Tết Trung thu Việt Nam, liên hoan nhỏ với bánh nướng, bánh dẻo... Tuy đơn giản song những việc làm nhỏ ý nghĩa ấy đã tạo không khí vui vẻ, nhắc nhở các em về một Tết Trung thu thật đặc biệt.
Nếu muốn cùng gia đình tận hưởng một mùa trăng trong niềm vui đoàn tụ tại một không gian mới mẻ, tạm gác lại những lo âu, bận rộn, căng thẳng thường nhật thì chương trình “Mùa trăng - mùa của yêu thương và kết nối” được tổ chức tại Làng Nương Yên Tử (TP Uông Bí) sẽ là một gợi ý thú vị và phù hợp. Tại đây, du khách nội tỉnh sẽ được tham gia các hoạt động trải nghiệm như học làm đèn ông sao dành cho trẻ em và Thiền trăng bên hồ dành cho người lớn với các quy định về phòng chống dịch an toàn. Qua đó, giúp mỗi du khách có thêm những trải nghiệm, chiêm nghiệm về giá trị truyền thống, kết nối xưa và nay.
Ngoài ra, năm nay, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long (Hà Nội) cũng tổ chức chương trình trưng bày trực tuyến “Trung thu sum vầy” từ ngày 19/9 tại website: hoangthanhthanglong.vn và trungbayonline.hoangthanhthanglong.vn, nhằm giới thiệu những hình ảnh, câu chuyện về Trung thu truyền thống thông qua tranh vẽ, mô hình tái hiện, cũng như chia sẻ của các nhà sử học, nhà văn hóa, nghệ nhân dân gian. Đây sẽ là kênh thông tin hữu ích, giúp các em thiếu nhi cũng như người thân có thể cùng nhau theo dõi, tìm hiểu và trải nghiệm một mùa Trung thu đặc biệt thêm ý nghĩa trong tình hình dịch bệnh.
Để đón những Tết Trung thu trọn vẹn
Tuy vẫn giữ được địa bàn an toàn, song người dân Quảng Ninh cũng không vì thế mà chủ quan, lơ là, tinh thần phòng chống dịch nghiêm túc luôn được ưu tiên đặt lên hàng đầu. Đó cũng là lý do, trên đường phố Hạ Long những ngày này, các gian hàng bánh trung thu, gian hàng bán đèn lồng hay các đồ chơi trẻ em cũng trở nên lặng lẽ hơn, không đông đúc, tấp nập như mọi năm. Khung cảnh có phần trầm lắng của thành phố khiến nhiều người bồi hồi khi nhớ về những hình ảnh đông vui các năm trước.
Ông Phạm Duy Toàn, phường Trần Hưng Đạo (TP Hạ Long), chia sẻ: Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhịp sống thay đổi và người dân dường như đã thích ứng với điều ấy, vì vậy Trung thu cũng không phải ngoại lệ. Nhưng tôi tin rằng thay thế cho tiếng trống vang dồn, cho tiếng reo hò của những đứa trẻ rồng rắn theo những đoàn múa lân rộn ràng hoạt náo khắp các ngõ xóm mỗi mùa Trung thu về thì năm nay sự bình yên, an toàn trong mỗi mái nhà chắc chắn là điều mà mỗi người dân Quảng Ninh đều cảm thấy biết ơn và trân trọng.
Thật vậy, sẽ có nhiều mùa Trung thu khác, khi cả nước kiểm soát và chiến thắng được đại dịch Covid-19. Năm nay, mọi ưu tiên vẫn đang tập trung dành cho công tác phòng chống dịch, vì vậy, Trung thu mùa dịch có thể không lấp lánh rực rỡ lồng đèn, không trọn vẹn không khí náo nức, rộn ràng nhưng chắc chắn trong lòng mỗi người Trung thu ấy vẫn đầy ắp nghĩa tình, vẹn tròn yêu thương.
Bởi có sự quan tâm của các cấp, các ngành của tỉnh đã huy động hàng nghìn suất quà dành tặng cho trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em là con em những người đang làm nhiệm vụ trên tuyến đầu chống dịch. Bởi hàng trăm y bác sĩ Quảng Ninh vẫn tiếp tục lên đường để “chia lửa” với những địa phương đang là điểm nóng của dịch bệnh nhằm nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân. Bởi đó còn là sự chia sẻ, động viên bằng cả vật chất và tinh thần của đồng bào cả nước vẫn ngày ngày gửi vào miền Nam thân yêu... Tất cả đều đang chung sức để cùng nhau đón những mùa trăng sau an lành, trọn vẹn đúng nghĩa.
Có thể thấy, dù ở đâu, đón Trung thu theo cách nào, rộn ràng hay trầm lắng, mới mẻ hay truyền thống, thì giá trị của ngày Tết đoàn viên, sum họp sẽ không bao giờ thay đổi khi mỗi người hiểu, biết trân trọng nâng niu sự gắn kết tình thân trong gia đình, tình yêu thương, sẻ chia trong cộng đồng. Đó chính là nét đẹp văn hoá cổ truyền đậm đà bản sắc của dân tộc, tạo nên một không khí đặc trưng của Tết Trung thu Việt Nam.
Nguyễn Dung
Liên kết website
Ý kiến ()