Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 01:38 (GMT +7)
Sắc xuân qua một triển lãm tranh dân gian
Chủ nhật, 04/02/2024 | 06:54:25 [GMT +7] A A
Ngày 23/1/2024, tại TP Hạ Long, Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức khai mạc triển lãm trưng bày chuyên đề “Sắc xuân qua sưu tập tranh dân gian Việt Nam”. Triển lãm nằm trong chuỗi hoạt động mừng Đảng - mừng Xuân Giáp Thìn 2024, đồng thời mang đến không khí Tết cổ truyền dân tộc phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của công chúng cùng khách du lịch trong và ngoài nước khi đến với Quảng Ninh.
Với nhiều thể loại khác nhau, tranh dân gian luôn có chỗ đứng riêng của mình. Qua những bộ sưu tập tranh này, người xem có thể hiểu được phần nào quan niệm về thời gian và lối sống sinh hoạt của cha ông thuở xưa. Thời gian nghệ thuật trong bức tranh không có tính tuyến tính mà luân hồi, sự vật hữu diệt và tiếp nối nhau tạo nên sự đa dạng của cuộc sống. Tranh dân gian cũng thể hiện tài năng và óc thẩm mỹ của các hoạ sĩ khuyết danh.
Tranh tứ bình là một thể loại rất đặc biệt của tranh dân gian. Bộ tranh gồm bốn bức thường có hàm ý ẩn dụ cho bốn mùa trong một năm, bốn giai đoạn trong cuộc đời con người, bốn giai thoại trong một câu chuyện hoặc bốn vẻ đẹp của các cô gái. Trên tranh hay có những câu thơ chữ Hán hoặc chữ Nôm. Đó chính là những lời chúc phúc với mong muốn bình an, phú quý. Cũng vì ý nghĩa đó mà tranh tứ bình thường được treo trang trí trong nhà mỗi dịp Tết. Mỗi bộ tranh tứ bình được xem như một tổng thể hoàn chỉnh hài hoà và đầy tính trữ tình. Kho tàng tranh dân gian Việt Nam bao gồm nhiều thể loại: Tranh chúc tụng, tranh sinh hoạt, tranh lịch sử, tranh cảnh vật, tranh thờ cúng.
Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, cho biết: Tranh dân gian là bộ sưu tập rất có giá trị của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Đây là những tác phẩm có lịch sử lâu đời, là di sản văn hoá quý báu của dân tộc, được hình thành qua nhiều thế hệ. Nó không chỉ đáp ứng nhu cầu về đời sống tinh thần, tâm linh và cảm thụ mỹ thuật của nhân dân lao động mà còn chứa đựng những nội dung giáo dục đạo đức, nhân cách trong cuộc sống đời thường. "Triển lãm là sự kết nối giữa Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh trong việc trưng bày hiện vật. Chúng tôi giới thiệu bộ tranh tứ bình là bộ sưu tập hiện vật đặc sắc chọn lọc. Chúng tôi đã từng có nhiều phối hợp triển lãm với Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh. Đây là sự phối hợp nhằm đưa hội hoạ dân gian đến với công chúng và du khách" - ông Nguyễn Đức Kiên chia sẻ thêm.
Lần đầu tiên 76 bức tranh trong kho tàng tranh dân gian Việt Nam về chủ đề mùa xuân đã có mặt tại Quảng Ninh để trưng bày phục vụ thị hiếu của công chúng yêu mỹ thuật. Điều này thể hiện sự sáng tạo và cố gắng của Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh trong việc triển lãm trưng bày đặc biệt trong dịp Tết, đón năm mới Giáp Thìn 2024. Ông Nguyễn Đức Phương, Trưởng Phòng Nghiên cứu - Sưu tầm - Trưng bày, Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh, cho biết: Chúng tôi muốn tạo ấn tượng mới mẻ hơn cho du khách. Mỗi bức tranh được trưng bày đều thể hiện ý nghĩa riêng qua những sắc màu tươi mới như là lời cầu chúc cho năm mới bình an, Tết đến xuân về ấm êm hạnh phúc. Trong việc trưng bày lần này, chúng tôi còn có hướng đi mới là tạo điểm nhấn cho du khách không chỉ hưởng thụ tranh dân gian mà còn có cả trải nghiệm in dập tranh dân gian truyền thống và check-in không gian Tết Việt xưa để cho du khách được sống lại thời bao cấp.
Triển lãm giới thiệu nhiều bức tranh đặc sắc về mùa xuân và người thiếu nữ, rất thu hút người xem. Em Nguyễn Quỳnh Trang, sinh viên Khoa Văn hoá, Trường Đại học Hạ Long, cho biết: Em tự hào về truyền thống văn hoá của dân tộc mình. Các bức tranh triển lãm tại Bảo tàng Quảng Ninh đều rất đẹp, mang đậm dấu ấn truyền thống của cha ông ta. Em mong rằng, tất cả những bạn trẻ có thể tiếp cận được những vẻ đẹp của tranh dân gian. Trong đó, em thích nhất tranh dân gian Đông Hồ bởi nó rất đẹp và mộc mạc. Khi ở trên ghế nhà trường, em đã được giới thiệu về tranh dân gian và phương pháp in cũng như một số bức tranh tiêu biểu mang đến không khí Tết, mùa xuân rất đặc trưng của Việt Nam chúng ta.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()