Những thách thức về chính sách đối nội và đối ngoại đã tạo ra gánh nặng đặc biệt đối với ông chủ Nhà Trắng khi chỉ còn 6 tháng nữa là tới ngày bầu cử, giới quan sát đánh giá. Nó buộc ông phải thể hiện khả năng lãnh đạo mạnh mẽ, cứng rắn, trái ngược với hình ảnh gần gũi, đồng cảm mà Tổng thống Biden vẫn thường thể hiện trước công chúng.
Đội ngũ cố vấn trong chiến dịch tái tranh cử của ông đang theo dõi chặt chẽ cách các cuộc biểu tình diễn ra tại các trường đại học, nhất là ở những bang chiến trường. Theo một số nguồn tin am hiểu vấn đề, các cố vấn Nhà Trắng nhận thức sâu sắc về hậu quả chính trị từ chính sách ủng hộ Israel của chính quyền Tổng thống Biden, nhưng vẫn hy vọng cuộc khủng hoảng tại Gaza sẽ giảm bớt vào mùa thu, trước khi người Mỹ đi bỏ phiếu.
"Không có bất kỳ giải pháp chính trị đơn giản nào cho vấn đề này", một cố vấn cấp cao đảng Dân chủ nói. "Nó bắt nguồn từ các quyết sách phức tạp vốn không có câu trả lời dễ dàng".
Tổng thống Biden từng nói với các đồng minh rằng một trong những lo lắng lớn nhất của ông là tác động tiêu cực từ hình ảnh hỗn loạn tại các trường đại học và thành phố trên khắp đất nước do phong trào biểu tình phản chiến.
Các sinh viên biểu tình hôm 1/5 đã đập vỡ kính cửa sổ và xông vào chiếm hội trường Hamilton của Đại học Columbia để phản đối chiến sự tại Dải Gaza, buộc cảnh sát chống bạo động phải mở chiến dịch truy quét, bắt khoảng 300 người tại Đại học Columbia và Đại học Thành phố New York. Hàng nghìn cảnh sát tối 1/5 cũng được triển khai đến các trường đại học trên toàn quốc để đối phó biểu tình.
Ông Biden đến nay vẫn hạn chế đề cập đến tình trạng bất ổn đang bao trùm một số trường đại học. Tổng thống Mỹ từng nói với các phóng viên tại một sự kiện hôm 22/4 rằng ông lên án chủ nghĩa bài Do Thái, cũng như "những người không hiểu chuyện gì đang xảy ra với người Palestine".
Bình luận trên là nhận xét công khai gần nhất của ông về vấn đề này. Kể từ đó, Tổng thống Biden luôn tránh né câu hỏi về các cuộc biểu tình. Quan điểm của Nhà Trắng về tình trạng bất ổn được truyền đạt thông qua người phát ngôn và những tuyên bố bằng văn bản.
Nhà Trắng hôm 1/5 cố dập tắt những ý kiến phàn nàn về sự im lặng của Tổng thống bằng cách chỉ ra cách ông lên án chủ nghĩa bài Do Thái.
"Không có tổng thống nào lên tiếng mạnh mẽ hơn về việc chống chủ nghĩa bài Do Thái hơn Tổng thống hiện nay", thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nói.
Jean-Pierre cho biết Tổng thống Biden sẽ có bài phát biểu quan trọng tại buổi lễ của Bảo tàng Tưởng niệm Holocaust Mỹ vào ngày 7/5, nhằm "thảo luận về nghĩa vụ đạo đức của chúng ta trong nỗ lực chống lại những tai họa từ việc chủ nghĩa bài Do Thái ngày càng lan rộng".
Tuy nhiên, bà không tiết lộ bất kỳ nội dung cụ thể nào của chính quyền nhằm ứng phó phong trào biểu tình trong khuôn viên các trường đại học.
Các quan chức Nhà Trắng hôm 30/4 lên án gay gắt việc đám đông biểu tình chiếm một tòa nhà tại Đại học Columbia, cho rằng sinh viên đã đi quá xa. Trong một tuyên bố nhân Tháng Di sản Người Mỹ gốc Do Thái, Tổng thống Biden cũng chỉ trích "tình trạng gia tăng dữ dội chủ nghĩa bài Do Thái" trong các trường đại học và cả những nơi khác.
"Những hành động này thật đáng khinh bỉ và lặp lại những chương tồi tệ nhất trong lịch sử loài người", Tổng thống Biden viết trong tuyên bố. "Chúng nhắc nhở chúng ta rằng thù ghét không bao giờ biến mất, nó chỉ co mình cho đến khi được cung cấp oxy".
Tuy nhiên, các đối thủ chính trị đã lợi dụng những hình ảnh bạo lực tại các trường đại học và sự im lặng của Tổng thống Biden để cáo buộc ông đang phớt lờ tình hình.
"Ông Biden được cho là tiếng nói của đất nước chúng ta và chắc chắn đó không phải tiếng nói lớn. Đó là tiếng nói mà không ai nghe thấy", cựu tổng thống Donald Trump nhận xét trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại với kênh Fox News tối 30/4.
Lauren Hitt, người phát ngôn chiến dịch tranh cử của Tổng thống Biden, phản bác bằng việc nhấn mạnh rằng chính cựu tổng thống Trump mới là người có tiền sử kích động bạo lực.
"Trong khi ông Donald Trump tự hào đứng về phía những người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng và khuyến khích đàn áp bạo lực đối với những người biểu tình ôn hòa, ông Joe Biden lại bảo vệ Tu chính án thứ nhất của chúng ta và tăng cường các biện pháp bảo vệ chống lại chủ nghĩa bài Do Thái và bài Hồi giáo", bà nói.
Các quan chức chính quyền Biden cho hay họ đang cảnh giác theo dõi các cuộc biểu tình trong trường đại học mặc dù chưa phát hiện ra "tác nhân xấu" nào trong số những người biểu tình.
Và họ đã trao quyền quyết định về chính sách ứng phó cho từng trường và giới chức địa phương. Khi được hỏi về khả năng cử Vệ binh Quốc gia đến để dập tắt các cuộc biểu tình, Nhà Trắng tuyên bố quyết định đó thuộc về các thống đốc.
Nếu các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn tới mùa thu, ông Biden có thể sẽ không được chào đón khi đến thăm các trường đại học, vốn từ lâu đã là một phần quan trọng trong nỗ lực thu hút cử tri trẻ tuổi.
Tổng thống Biden có kế hoạch tổ chức hai buổi lễ phát bằng tốt nghiệp vào cuối tháng này, tại Học viện Lục quân Mỹ ở West Point và Đại học Morehouse ở Atlanta. Nhiều sinh viên trường Morehouse đã phản đối việc ông có kế hoạch phát biểu tại đây. Một số đồng minh của Tổng thống dự đoán sẽ có biểu tình khi sự kiện diễn ra.
Dường như chưa có thời điểm nào trong lịch sử nước Mỹ mà một thách thức về chính sách đối ngoại lại có khả năng đè nặng lên nền chính trị trong nước đến vậy, đặc biệt là khi quân đội Mỹ thậm chí còn chưa tham chiến ở Gaza. Và bây giờ, những người biểu tình đang đến từ chính liên minh của Tổng thống Biden, bình luận viên Kevin Liptak và Jeff Zeleny từ CNN đánh giá.
Karim Safieddine, nghiên cứu sinh tiến sĩ xã hội học tại Đại học Pittsburgh, bang Pennsylvania, đã cùng một nhóm người tổ chức cuộc biểu tình phản đối Tổng thống Biden khi ông đến thăm thành phố hồi tháng trước.
"Tiền thuế của chúng tôi sẽ được dùng vào các chính sách mà Tổng thống Biden đang thực hiện và chúng tôi có trách nhiệm ngăn chặn điều đó", Safieddine nói. "Nếu thực sự có ý chí muốn chấm dứt cuộc xung đột này, ông ấy hoàn toàn có thể làm được".
Khi được hỏi liệu ông có bỏ phiếu cho Tổng thống Biden một lần nữa như hồi năm 2020 hay không, Safieddine trả lời: "Tôi không nghĩ mình sẽ làm vậy và tôi tin nhiều người cũng sẽ không bỏ phiếu cho Joe Biden nữa".
Bước vào mùa vận động tranh cử hè, các cố vấn cho Tổng thống Biden thừa nhận những hình ảnh biểu tình trên truyền thông hoàn toàn không hữu ích đối với nỗ lực tái tranh cử. Tuy nhiên, một số trợ lý nói rằng họ lo ngại về nguy cơ xuất hiện các hành vi vi phạm luật pháp, gây rối trật tự trong biểu tình hơn là việc cử tri trẻ sẽ quay sang ủng hộ cựu tổng thống Trump.
Nhóm của Tổng thống Biden cũng tin rằng các vấn đề khác, như nền kinh tế và phá thai, sẽ là yếu tố mang tính quyết định lớn hơn vào tháng 11, kể cả đối với giới trẻ Mỹ.
Dahlia Saba, sinh viên tốt nghiệp ngành kỹ thuật điện tại Đại học Wisconsin, đã giúp tổ chức một cuộc bỏ phiếu phản đối Tổng thống Biden trong cuộc bầu cử sơ bộ của bang hồi đầu tháng. Cô tỏ ra khó chịu với câu hỏi liệu việc phản đối ông Biden có thể giúp ích cho ông Trump hay không.
"Chúng tôi muốn thấy một hệ thống dân chủ nơi các chính trị gia phản ánh các giá trị của chúng tôi, thay vì đe dọa chúng tôi bằng một ứng viên tệ hơn trong hai người tệ", Saba nói.
"Tổng thống Biden đang vấp phải sự phản đối dai dẳng từ phía đảng Dân chủ vì cách ông ấy xử lý mọi việc ở Gaza", Barry Burden, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Bầu cử tại Đại học Wisconsin, nhận xét. "Chúng tôi không biết liệu điều đó có còn là vấn đề chính vào tháng 11 hay không, nhưng hiện tại, đây là thứ đang khiến ông ấy phải bận tâm và có lẽ sẽ khiến Tổng thống phải tạm dừng việc đến thăm các trường đại học".
Ý kiến ()