Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 05/12/2024 02:16 (GMT +7)
Thẩm định Đề án "Nâng cao năng lực, sức chiến đấu; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và tinh giản bộ máy, biên chế" của huyện Đầm Hà
Thứ 4, 30/07/2014 | 20:19:56 [GMT +7] A A
Chiều 30-7, tại TP Hạ Long, Hội đồng thẩm định Đề án “Nâng cao năng lực, sức chiến đấu; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và tinh giản bộ máy, biên chế” đã thẩm định đề án của huyện Đầm Hà.
Dự cuộc họp có đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy. Đồng chí Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch Hội đồng thẩm định đề án chủ trì cuộc họp.
Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại cuộc họp. |
Báo cáo tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Hoài Sơn, Bí thư Huyện ủy Đầm Hà nhấn mạnh, đề án của huyện hướng đến mục tiêu tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, tạo sự chuyển biến rõ nét về năng lực, sức chiến đấu và phương thức lãnh đạo của các cấp ủy và đảng viên; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chất lượng phục vụ xã hội và nhân dân; thực hiện đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, xây dựng bộ máy đồng bộ, tinh gọn hiệu quả, khắc phục tình trạng cồng kềnh, chồng chéo, hoạt động kém hiệu quả, đồng thời chuẩn bị tốt đội ngũ nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015-2020 và bầu cử HĐND nhiệm kỳ 2016-2021…
Theo đề án, Đầm Hà dự kiến phấn đấu giảm 100% số lao động hợp đồng của huyện ngoài biên chế; giảm 7% số biên chế ngành Giáo dục.
Đối với các xã, thị trấn phấn đấu bố trí kiêm nhiệm ít nhất một chức danh để tiết kiệm biên chế; giảm từ 2 đến 3 chức danh không chuyên trách cấp xã và có từ 3 đến 4 chức danh bố trí kiêm nhiệm.
Theo tính toán sơ bộ, tổng kinh phí tiết kiệm được khi tinh giản tổ chức bộ máy, biên chế của huyện là trên 8,7 tỷ đồng; tiết kiệm cơ sở vật chất trên 10 tỷ đồng…
Tham gia ý kiến tại cuộc họp, các đại biểu nhận định đề án đã bám sát các chỉ đạo, hướng dẫn và đề cương của tỉnh.
Tuy nhiên, để bản đề án hoàn thiện, Đầm Hà cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét một số nội dung liên quan đến việc sáp nhập, sắp xếp một số chức năng đối với ngành y tế, giáo dục, nông nghiệp…; đánh giá rõ hơn về hiệu quả của đề án; xây dựng lộ trình tự chủ đối với một số đơn vị; cụ thể hóa các giải pháp phù hợp với thực tiễn; quy hoạch lại ngành nghề…
Đồng chí Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch Hội đồng thẩm định đề án kết luận cuộc họp. |
Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, đây là đề án có ý nghĩa lớn đối với việc đổi mới toàn diện; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, là bước chuẩn bị cho đại hội Đảng các cấp và cũng là công cụ để tháo gỡ các vấn đề đã tồn tại từ lâu như công tác tinh giản bộ máy, biên chế, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên... Bởi vậy, Đầm Hà phải tập trung đầu tư để xây dựng hoàn chỉnh đề án và tổ chức thực hiện có hiệu quả.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu trong quá trình thực hiện đề án, Đầm Hà phải mạnh dạn, đột phá hơn trong việc đề xuất các giải pháp; dứt khoát cái gì nhân dân và doanh nghiệp làm được thì nhà nước không làm; tách dịch vụ công ra khỏi quản lý nhà nước; cải tạo được bộ máy để làm tốt công tác huy động các nguồn lực, tạo sự tăng trưởng và nâng cao đời sống cho nhân dân; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở…
Kết luận cuộc họp, đồng chí Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh, bên cạnh một số nội dung làm tốt thì đề án của huyện Đầm Hà vẫn chưa có mầu sắc riêng, còn mang tính chung chung, chưa có sự đề xuất đột phá, việc tính toán sáp nhập một số phòng, đơn vị chưa khả thi…
Đồng chí Nguyễn Hoài Sơn, Bí thư Huyện ủy Đầm Hà báo cáo đề án. |
Đồng chí yêu cầu huyện cần nghiên cứu tiếp thu các ý kiến đóng góp của các thành viên hội đồng thẩm định. Tiếp tục sắp xếp, bổ sung lại các mục tiêu, giải pháp sao cho cụ thể và phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương cũng như xu thế phát triển trong giai đoạn tới.
Huyện cần đưa ra được tầm nhìn, dự báo, điều chỉnh bổ sung các chức năng, nhiệm vụ; rà soát bổ sung các quy định, quy chế, cơ chế trong các mối quan hệ công việc…
Huyện Đầm Hà nghiên cứu các phương án sáp nhập một số tổ chức, đơn vị như: Phòng Dân tộc vào Văn phòng huyện; bộ phận liên quan đến công tác đào tạo bồi dưỡng của Trung tâm bồi dưỡng chính trị vào Ban Tuyên giáo; Đài TT-TH với Trung tâm văn hóa thể thao và giao tự chủ dần; sáp nhập Phòng Y tế với Trung tâm dân số kế hoạch hóa gia đình…
Về chuyển đổi mô hình cần thực hiện ngay đối với ban quản lý chợ; ban quản lý dự án và trung tâm phát triển quỹ đất; thành lập mới trung tâm dịch vụ hành chính công…
Đồng chí cũng yêu cầu huyện Đầm Hà cần làm rõ việc sử dụng các nguồn kinh phí tiết kiệm được; nêu rõ lộ trình tổ chức thực hiện.
Minh Thu
Liên kết website
Ý kiến ()