Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 05/12/2024 01:47 (GMT +7)
Thẩm định Đề án "Nâng cao năng lực, sức chiến đấu; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và tinh giản bộ máy, biên chế" huyện Vân Đồn
Thứ 5, 31/07/2014 | 19:28:20 [GMT +7] A A
Chiều 31-7, tại TP Hạ Long, Hội đồng thẩm định Đề án “Nâng cao năng lực, sức chiến đấu; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và tinh giản bộ máy, biên chế” đã thẩm định Đề án của huyện Vân Đồn. Dự cuộc họp có đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy. Đồng chí Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch Hội đồng thẩm định đề án chủ trì cuộc họp.
Nhằm khai thác tối đa thế mạnh của địa bàn, xây dựng và phát triển huyện Vân Đồn trở thành Khu kinh tế phát triển năng động, trong Đề án, Vân Đồn đã nghiên cứu đề ra 9 nhóm giải pháp cụ thể để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, trong đó giải pháp nâng cao chất lượng công tác cán bộ; nâng cao chất lượng ban hành, quán triệt, tổ chức thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết và chất lượng công tác kiểm tra giám sát là những giải pháp trọng tâm.
Đồng chí Nguyễn Văn Chỉnh, Bí thư huyện ủy Vân Đồn báo cáo Đề án của huyện. |
Đối với nội dung tinh giản bộ máy, biên chế, từ nay đến năm 2016 huyện không đề nghị bố trí tăng biên chế đối với khối Đảng, đoàn thể, các phòng ban chuyên môn và cán bộ công chức cấp xã; tinh giản tối thiểu 8% cán bộ, công chức cấp xã; 9% người hoạt động không chuyên trách cấp xã; giữ lại 3 chức danh hưởng phụ cấp ngân sách ở thôn, bản, khu phố; thực hiện bố trí kiêm nhiệm các chức danh theo quy định; giảm 1-2% cán bộ, công chức cấp huyện; cắt giảm 13 điểm trường, dồn 30 lớp học; nhất thể hóa một số Ban Đảng với một số cơ quan chính quyền theo mô hình đặc khu kinh tế, thực hiện theo hướng “một nhà 2 cửa”. Huyện cũng đề xuất áp dụng mô hình “đầu tư công, quản lý tư” đối với Cảng Cái Rồng, Chợ Cái Rồng và mô hình “đầu tư tư, sử dụng công” đối với Trung tâm hành chính của huyện; chuyển đổi mô hình doanh nghiệp đối với Đội Duy tu bảo dưỡng đường bộ; rà soát thực hiện sáp nhập một số thôn ở xã đảo có dân số ít là xã Ngọc Vừng và xã Thắng Lợi”…Lộ trình thực hiện của huyện Vân Đồn được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 là từ nay đến khi có quyết định là đặc khu kinh tế và giai đoạn 2 là sau khi có quyết định là đặc khu kinh tế.
Tham gia ý kiến đối với Đề án của huyện Vân Đồn, các thành viên Hội đồng thẩm định đề nghị huyện cần xem xét điều chỉnh lại việc sáp nhập một số chức năng, nhiệm vụ liên quan đến ngành giáo dục, y tế và một số ngành khác; làm rõ hơn về số liệu kinh phí tiết kiệm được; đánh giá rõ hơn về thực trạng bộ máy công chức, viên chức đồng thời đưa ra được những giải pháp quyết liệt hơn đối với việc tinh giản đội ngũ cán bộ không chuyên trách cấp xã…
Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. |
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Đây là Đề án chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp nên huyện cần hoàn thiện và phổ biến quán triệt trong toàn hệ thống chính trị. Đề án cũng phải được xây dựng trên cơ sở quyết tâm chính trị cao nhất và phải cân bằng 3 nội dung cụ thể, không được xem nhẹ nội dung nào. Song song với đó, huyện phải mạnh dạn hơn trọng việc bố trí sắp xếp lại chức danh nhiệm vụ của các cơ quan trong toàn huyện và mạnh dạn trong khâu thí điểm bầu chủ tịch UBND xã trực tiếp qua phiếu của nhân dân và Bí thư các cấp ủy bầu trực tiếp tại Đại hội; phân tích tác động của đề án, những cái được và chưa được phải thật rõ. Đề án phải tạo ra được sức mạnh tổng hợp và nguồn lực để thống nhất chỉ đạo, lãnh đạo; khi triển khai phải chú ý lấy ý kiến của nhân dân và thông qua HĐND để tạo được sự đồng thuận cao nhất…
Đồng chí Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu kết luận cuộc họp. |
Kết luận cuộc họp, đồng chí Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu huyện Vân Đồn phải làm rõ 3 nội dung cụ thể trong Đề án và cần cụ thể hóa các giải pháp sao cho phù hợp với thực tiễn của Vân Đồn không được chung chung…
Liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy, đồng chí đồng tình với đề xuất của huyện Vân Đồn là thành lập Trung tâm Truyền thông và Văn hóa trên cơ sở sáp nhập Đài TTTH huyện với bộ phận sự nghiệp của Phòng Văn hóa Thể thao. Đồng chí đề nghị huyện không sáp nhập Trung tâm Bồi dưỡng chính trị với Trường dạy nghề mà sáp nhập với Ban Tuyên giáo; riêng bộ phận hậu cần chuyển về Văn phòng…Đối với việc chuyển đổi mô hình, huyện phải mạnh dạn chuyển đổi Ban Quản lý dự án, Trung tâm Phát triển quỹ đất, Ban Quản lý chợ, Ban Quản lý Cảng sang mô hình doanh nghiệp, trước mắt yêu cầu tự chủ hoàn toàn về mặt kinh phí. Về nhất thể hóa Thanh tra với Ủy ban Kiểm tra; Tổ chức và Nội vụ; MTTQ và các đoàn thể dùng chung 1 cơ quan giúp việc; đối với cán bộ cấp xã 100% phải bầu trực tiếp tại Đại hội.
Cùng với đó, đồng chí cũng yêu cầu huyện cần làm rõ hơn vấn đề về cơ chế tài chính, tiết kiệm kinh phí; đánh giá tổng thể hiệu quả của Đề án trên cả 3 nội dung và lộ trình tổ chức thực hiện.
Minh Thu
Liên kết website
Ý kiến ()