Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 04/12/2024 16:11 (GMT +7)
Tham gia ý kiến vào Luật Xuất bản (sửa đổi)
Thứ 3, 05/06/2012 | 11:41:03 [GMT +7] A A
Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 4-6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Xuất bản (sửa đổi).
Luật Xuất bản được quốc hội khóa XI thông qua từ 3-12-2004, có hiệu lực từ ngày 1-7-2005 và đã được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 3 thông qua việc sửa đổi, bổ sung một số điều (Luật số 12/2008/QH12).
Đại biểu Đỗ Thị Hoàng, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh tham gia ý kiến vào Luật Xuất bản (sửa đổi). |
Luật Xuất bản ra đời đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất bản phát triển, góp phần nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu đọc của nhân dân ngày càng đa dạng. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện Luật Xuất bản cũng bộc lộ nhiều bất cập, chưa theo kịp thực tiễn, như Luật Xuất bản chưa được thể chế hóa đầy đủ một số chủ trương, đường lối mới của Đảng về hoạt động xuất bản, một số quy định còn thiếu đồng bộ với một số luật có liên quan, một số khoảng trống pháp lý trong hoạt động xuất bản, in, phát hành chưa được điều chỉnh bằng Luật, một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn gây ra những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước cũng như việc chấp hành, thực thi luật... Chính vì vậy tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, sửa đổi Luật Xuất bản.
Dự thảo Luật Xuất bản (sửa đổi) lần này bao gồm 5 chương, với 50 điều quy định về tổ chức và hoạt động xuất bản; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xuất bản.
Thảo luận tại tổ về dự án luật này, các đại biểu đã tập trung đóng góp ý kiến liên quan đến các vấn đề: về chính sách phát triển sự nghiệp xuất bản; quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất bản; mô hình tổ chức và đối tượng thành lập nhà xuất bản; liên kết xuất bản và hợp tác quốc tế trong hoạt động xuất bản; xuất bản phẩm điện tử; tổ chức hoạt động in xuất bản phẩm; tổ chức và hoạt động phát hành xuất bản.
Tham gia thảo luận, ĐB Đỗ Thị Hoàng, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho rằng thực tế hiện nay nhiều ấn phẩm xuất bản (cả những ấn phẩm in và tài liệu điện tử trên mạng internet) in lậu tràn lan, không có bản quyền, không ai chịu trách nhiệm về nội dung và cũng không chịu chế tài xử lý gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường xuất bản.
Trong khi đó, Dự thảo Luật tại Khoản 1, Điều 14 qui định: Cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 12 của Luật này (Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị cấp Trung ương và cấp tỉnh; tổ chức chính trị - xã hội cấp Trung ương và các tổ chức khác do Chính phủ quy định được thành lập nhà xuất bản) lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thành lập nhà xuất bản gửi đến Bộ Thông tin và Truyền thông. Theo ĐB Đỗ Thị Hoàng thì như vậy, các tổ chức khác do Chính phủ quy định cũng được thành lập nhà xuất bản, qui định trên sẽ dễ tạo cơ chế xin – cho. Do vậy, cần qui định rõ ngay trong Luật các tổ chức nào được thành lập nhà xuất bản. ĐB Đỗ Thị Hoàng cũng cho rằng Dự thảo Luật cần đưa một số điều ràng buộc như các ấn phẩm được xuất bản phải ghi rõ tên nhà in, kể cả các ấn phẩm trên Website, để sau này có những nội dung sai sót phải có cơ quan chịu trách nhiệm.
Về Điều 21 (Đăng ký xuất bản), tại Khoản 1 Dự thảo Luật qui định: “Trước khi xuất bản, nhà xuất bản phải đăng ký xuất bản với Bộ Thông tin và Truyền thông. Đăng ký xuất bản phải phù hợp với tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ của nhà xuất bản và có giá trị thực hiện đến hết ngày 31 tháng 12 của năm đăng ký", trong khi đó Khoản 2 Điều 5 Dự thảo Luật lại qui định: “Nhà nước không kiểm duyệt tác phẩm trước khi xuất bản’’, theo ĐB Đỗ Thị Hoàng như vậy có sự mâu thuẫn: Nhà xuất bản chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung xuất bản nhưng trước khi xuất bản phải đi đăng kí xuất bản. ĐB Đỗ Thị Hoàng còn cho rằng, qui định trên cũng sẽ tạo nên cơ chế xin – cho. Vì thế, ĐB Đỗ Thị Hoàng kiến nghị, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ nên đưa ra các qui định và giám sát, kiểm tra việc thực hiện các qui định có đúng không chứ không cần thực hiện xác nhận đăng kí xuất bản, như vậy mới tạo sự thông thoáng và chủ động trong kinh doanh cho các nhà xuất bản.
Quang Minh - Nguyễn Thị Huệ
Liên kết website
Ý kiến ()