Tất cả chuyên mục

Là một trong số 17 di tích trên địa bàn huyện Tiên Yên đã được kiểm kê, đưa vào danh mục di tích của tỉnh, miếu Đại Vương (thôn Hà Dong Bắc, xã Hải Lạng) đang là điểm tín ngưỡng có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân nơi đây...
Cách trung tâm xã Hải Lạng khoảng 2km, miếu Đại Vương nằm khuất dưới tán cây cổ thụ có đường kính “hai người ôm không xuể”. Ông Tạ Chắn Sáng, người hiện đang trông coi miếu cho biết: “Khi giặc phương Bắc đến xâm lược, cướp bóc và tàn sát nhân dân, tại một làng nọ có chàng trai tên Hoàng Cần đã đứng ra tập hợp trai tráng trong vùng nổi lên dẹp giặc. Chỉ với chiếc gậy tre trong tay, Hoàng Cần khiến cho quân giặc phải kinh hồn, bạt vía, tháo chạy, đem lại cuộc sống thanh bình cho người dân vùng Đông Bắc. Khi Hoàng Cần qua đời, vua ban sắc, phong thần là “Khâm sai Đông đạo tiết chế”. Để tưởng nhớ công lao của ông, khoảng cuối thế kỷ XVII nhân dân quanh vùng đã lập miếu thờ ông tại đây”.
![]() |
Miếu Đại vương được xây dựng mới vào năm 2010 bằng tiền đóng góp của người dân xã Hải Lạng. |
Theo thông tin từ Phòng VHTT huyện cho biết thì miếu Đại Vương cũ được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVII trên diện tích 241m2, quay hướng Đông Nam, kiến trúc kiểu chữ “Nhất”, tường xây gạch thời Nguyễn, vì kèo bằng gỗ đơn giản, mái lợp ngói âm dương, đắp nổi hình hồ lô ở giữa, hai bên đầu mái cong cách điệu đơn giản. Miếu gồm ba gian, gian giữa đặt bát hương sứ và ba pho tượng. Đáng tiếc là, sau thời gian dài, do ảnh hưởng của khí hậu, chiến tranh, thiên tai và cả sự tàn phá của con người đã khiến di tích bị phá huỷ, xuống cấp. Các hiện vật, tranh ảnh, các đồ tế của miếu đã bị thất truyền, không một hiện vật nào còn được lưu giữ. Nhận thức được tầm quan trọng của di tích lịch sử này đối với nhu cầu tín ngưỡng trong đời sống tinh thần của người dân trong xã, người dân xã Hải Lạng đã vận động, đóng góp kinh phí, huy động sức người để tu bổ, xây dựng lại miếu mới vào năm 2010 trên nền và diện tích miếu cũ. Hiện nay, ngôi miếu được xây dựng bằng gạch mới, ngói mới nhưng vẫn được chia thành ba gian như miếu cũ với những hoạ tiết, hoa văn hình rồng theo mẫu đời nhà Trần. Hệ thống cửa của ba gian nhà được tận dụng lại từ những vì kèo gỗ của ngôi miếu cũ; bên trong miếu vẫn thờ ba pho tượng Hoàng Cần.
Miếu Đại Vương hiện là nơi sinh hoạt tín ngưỡng duy nhất của bà con trong xã. Bà con đến đây để thắp hương tưởng nhớ công lao của vị thần, đồng thời cầu khấn mưa thuận, gió hoà, mùa màng bội thu. Câu chuyện về người anh hùng Hoàng Cần có công dẹp giặc, đem lại sự bình yên cho người dân trong vùng cũng được ôn lại bằng giọng kể hào hùng của người canh miếu mỗi dịp. Một năm tại miếu còn có các ngày lễ: Cầu phúc tháng Giêng, cầu nước chống hạn, lễ cầu may, tạ lễ cuối năm… Vào những ngày này, nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ, các trò chơi dân gian cũng được tổ chức tại đây.
Đỗ Phương
Ý kiến ()