Facebook mua lại WhatsApp vào năm 2014 với giá 19 tỷ USD, con số khổng lồ đối với một ứng dụng nhắn tin miễn phí, dù nó thu hút được hơn 400 triệu người dùng trong 5 năm. Đây cũng là khoản mua sắm lớn nhất trong lịch sử Facebook, nhưng công ty - hiện đổi tên thành Meta - vẫn chưa tìm ra cách thu hồi tiền đầu tư.
Các ứng dụng nhắn tin của Meta thu về 218 triệu USD trong quý III/2022, chủ yếu nhờ tính năng trả tiền của WhatsApp, đóng góp một phần nhỏ bé trong tổng nguồn thu gần 29 tỷ USD của Meta.
Tăng trưởng doanh thu chững lại và cổ phiếu mất giá thúc đẩy công ty tìm kiếm tiềm năng thương mại từ WhatsApp, thậm chí biến nó thành "siêu ứng dụng" như WeChat của Trung Quốc.
"Đây là thách thức rất lớn. Làm thế nào để phát triển kinh doanh trên nền tảng sản phẩm nhắn tin sẵn có?", Matt Idema, Phó chủ tịch phụ trách kinh doanh bộ phận nhắn tin của Meta, đặt câu hỏi. Nguồn thu lớn nhất của WhatsApp hiện là từ các nhà quảng cáo trả tiền để gửi tin nhắn đến người dùng để tương tác.
Câu trả lời của Idema là xây dựng "chiến lược nhắn tin kinh doanh", trong đó doanh nghiệp có thể trò chuyện, phát quảng cáo và phục vụ khách hàng qua ứng dụng tin nhắn. Ông cho rằng số lượng người liên lạc qua WhatsApp tăng mạnh trong Covid-19 cho thấy tiềm năng kiếm tiền từ nền tảng này.
"Giờ đã khá muộn. Đáng lẽ WhatsApp phải kiếm được tiền từ lâu", một ý kiến cho hay, nhấn mạnh ứng dụng đáng ra nên có chức năng thanh toán tích hợp đầy đủ từ nhiều năm trước. Idema không phủ nhận WhatsApp đã mất quá nhiều thời gian để trở thành một phần quan trọng trong bức tranh tài chính của Meta. Nỗ lực xây dựng kinh doanh cho WhatsApp đang trở thành mục tiêu hàng đầu.
Idema gia nhập Facebook từ 2011 để phụ trách mảng kinh doanh quảng cáo và sản phẩm non trẻ của hãng. Đến tháng 4/2017, ông thăng chức lên giám đốc vận hành WhatsApp, sau khi ban lãnh đạo Facebook nhận ra ứng dụng này vẫn chỉ xoay quanh nhóm 200 lập trình viên và không có định hướng rõ ràng.
"Đó là nền tảng với một tỷ người dùng nhưng lại chưa nghĩ đến kinh doanh", Idema nhớ lại.
Tiềm năng của siêu ứng dụng
Các tính năng mới có thể biến WhatsApp thành siêu ứng dụng, đem đến phương tiện liên lạc, mua sắm, đặt hàng, thanh toán trong một ứng dụng duy nhất. Tuy vậy, một nguồn tin giấu tên nói "siêu ứng dụng là từ cấm kị ở Facebook" vì nó quá trừu tượng và khó hiện thực hóa.
"Có rất nhiều thứ để học hỏi từ WeChat", Idema nói.
WhatsApp hồi tháng 8 triển khai quan hệ đối tác với Uber và nhà bán lẻ JioMart ở Ấn Độ, thị trường lớn nhất của WhatsApp với hơn 500 triệu tài khoản. Người dùng nước này có thể gọi xe Uber và thanh toán mua hàng từ WhatsApp. "Một trong những vấn đề hiện nay là làm thế nào mở rộng nhanh hơn", Ajut Varma, Giám đốc sản phẩm của WhatsApp, cho hay và bày tỏ mong muốn "mọi công ty trên thế giới" hợp tác với WhatsApp.
Không chỉ Meta, trước đó, Elon Musk cũng không giấu tham vọng mở rộng nền tảng Twitter thành một siêu ứng dụng. "Mua Twitter là cách thúc đẩy việc tạo ra X, ứng dụng của mọi thứ", Musk nói hồi đầu tháng 10. Ông không đề cập X sẽ hoạt động như thế nào, nhưng khẳng định việc sở hữu Twitter giúp "tăng tốc quá trình phát triển X từ 3 đến 5 năm".
Siêu ứng dụng, hay như tỷ phú Mỹ gọi là "ứng dụng của mọi thứ", được ví như con dao đa năng của quân đội Thụy Sĩ khi tích hợp hàng loạt tính năng, tiện ích khác nhau, từ thanh toán điện tử, nhắn tin, tìm kiếm, giao nhận, đặt xe, đi chợ hộ cho đến kết bạn, tra cứu thông tin hành chính...
Siêu ứng dụng đang rất thịnh hành tại châu Á với WeChat, Grab, KakaoTalk, Paytm... nhưng lại chưa phát triển ở Mỹ và châu Âu. Snapchat từng cho ra mắt ứng dụng thanh toán ngang hàng Snapcash nhưng đã ngừng hoạt động từ 2018. Facebook và Instagram cũng tìm cách mở rộng ngoài khuôn khổ mạng xã hội và nhắn tin, nhưng chưa đạt kết quả cụ thể.
Ý kiến ()