Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 11:33 (GMT +7)
Than Mông Dương: Tiếp tục khai thông mở vỉa xuống sâu
Thứ 6, 20/09/2024 | 15:34:24 [GMT +7] A A
Công ty CP Than Mông Dương - Vinacomin hiện đang tổ chức sản xuất ở độ sâu từ mức -97,5m đến -250m, công suất khai thác than theo giấy phép được cấp là 1,5 triệu tấn than/năm. Để duy trì sản lượng này, Than Mông Dương được Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và các bộ, ngành trung ương đồng ý triển khai dự án xuống sâu đến mức -550m.
Những năm qua, dù thường xuyên phải đối mặt với điều kiện địa chất biến động phức tạp và sai khác nhiều so với kết quả thăm dò, song Than Mông Dương vẫn luôn cố gắng hoàn thành toàn diện nhiệm vụ được giao, quản lý tốt các chỉ tiêu công nghệ, đảm bảo hiệu quả sản xuất than. Tuy nhiên, điều kiện địa chất ngày càng phức tạp đã buộc mỏ phải tính toán đến việc mở vỉa, khai thông các tầng than mới để duy trì công suất khai thác. Cũng theo tính toán của mỏ, trữ lượng công nghiệp than nguyên khai tầng -250/-97,5 đến cuối năm 2023 còn khoảng 8 triệu tấn, tương ứng tuổi thọ tầng khai thác này khoảng 5 năm.
Như vậy, việc chuẩn bị các điều kiện để huy động khai thác trữ lượng than ở tầng -400/-250 là hết sức cần thiết để đảm bảo đúng như lịch ra than của phân tầng này như Phương án kỹ thuật đã được TKV thông qua để luôn luôn duy trì công suất dự án là 1,5 triệu tấn/năm.
Để Than Mông Dương có thể duy trì công suất 1,5 triệu tấn than/năm ở mức từ -250 đến -550m, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đồng ý để mỏ triển khai dự án khai thác xuống sâu đến mức -550m. Dự án có tổng trữ lượng 33,7 triệu tấn than, tuổi thợ mỏ 18 năm, kết thúc vào năm 2044. Dự kiến, cuối năm 2025, Công ty sẽ đưa lò chợ đầu tiên vào hoạt động. Đây là giải pháp chiến lược nhằm duy trì công suất khai thác mỏ ở mức sản lượng 1,5 triệu tấn/năm và đảm bảo việc làm cho công nhân lao động.
Triển khai dự án, năm 2021, Than Mông Dương đã được TKV thông qua Phương án kỹ thuật khai thác tầng -250/-550. Trong đó, phương án nâng cao năng lực vận tải được xác định là trọng tâm, với các hạng mục đào bổ sung tuyến lò ngầm thông gió vận tải mức -97,5 đến -250, ngầm thông gió vận tải mức -250 đến -400 và các đường lò kết nối các mức -97,5, -250, -400 để vận tải người và vật liệu, đất đá cho tầng -250/-400 trong giai đoạn 2025-2030. Tuyến lò ngầm này đã được đơn vị tư vấn tính toán, đáp ứng công tác vận tải người và vật liệu phục vụ Phương án kỹ thuật khai thác tầng -250/-550.
Ông Trần Mạnh Hà, Phó Giám đốc Công ty CP Than Mông Dương cho biết, đến hết năm 2023, Công ty hoàn thành trên 6.300m lò, đạt 70,6% khối lượng dự án. Theo kế hoạch, Công ty sẽ hoàn thành đào lò và đầu tư thiết bị đưa phân tầng -250/-400 vào khai thác vào đầu quý IV/2025 đảm bảo tiến độ theo phương án TKV đã thông qua.
6 tháng đầu năm 2024, khối lượng đào lò khai thông tầng -250/-400 của dự án này đạt trên 6.700m/7.694m toàn phương án. Đối với phương án nâng cao năng lực vận tải, Than Mông Dương đạt khối lượng đào lò ngầm thông gió vận tải mức -97,5 đến -250 và ngầm thông gió vận tải mức -250 đến -400 đạt 310m/1.240m, bằng 25% toàn phương án.
"Bên cạnh đó, trong 6 tháng đầu năm 2024, Công ty đã chủ động, tích cực làm việc với các phòng chức năng của UBND tỉnh để sớm được UBND tỉnh phê duyệt quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho Dự án khai thác giai đoạn II mỏ than Mông Dương; tiếp tục hoàn thiện hồ sơ chiến lược phát triển mỏ (phương án khai thông mở vỉa, mở rộng mỏ Mông Dương sang khu vực mỏ Bắc Cọc Sáu)" - ông Hoàng Trọng Hiệp, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty CP Than Mông Dương cho biết thêm.
Quá trình thi công, các đơn vị đào lò của công ty đã khắc phục mọi khó khăn về điều kiện đi lại, vận tải đất đá và vật liệu. Với tinh thần thi đua cao nhất, các đơn vị phụ trách công tác đào lò xây dựng cơ bản đã đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành vượt mức số mét lò so với kế hoạch giao hàng năm.
Năm 2024, Công ty xây dựng kế hoạch sản xuất than nguyên khai 1,55 triệu tấn; mét lò đào 19.800m; lương bình quân 18,2 triệu đồng/người/tháng; đảm bảo các chỉ tiêu lợi nhuận, nộp ngân sách nhà nước. Xác định với diện khai thác rộng hơn trong năm 2024, Mông Dương cũng sẽ phải đối mặt với áp lực mỏ lớn, khí, nhiệt độ cao và nước cũng sẽ nhiều hơn. Để đảm bảo hoàn thành kế hoạch trong điều kiện tiếp tục gặp nhiều khó khăn, Than Mông Dương xác định, ngoài việc đẩy mạnh các biện pháp kỹ thuật khai thông mở vỉa xuống sâu hiệu quả, đơn vị cũng chủ động các giải pháp thu hút, giữ chân thợ lò, đảm bảo lao động hầm lò cho sản xuất.
Hoàng Yến
Liên kết website
Ý kiến ()