Thời điểm này, trên những triền đồi của mảnh đất Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng phủ đầy một màu trắng tinh khôi, tỏa hương thơm ngát của những bông hoa cà phê. Đây cũng là thời điểm lý tưởng để người nuôi ong khắp mọi miền "bay theo những cánh ong" đến mảnh đất này để ong đi gom mật ngọt, cần mẫn tạo những giọt mật vàng sánh ngon nhất dâng tặng cho đời.
Tháng Ba hằng năm được coi là mùa con ong đi lấy mật bởi đây là thời điểm tiết trời ấm áp, cây cối đâm chồi nẩy lộc, trăm hoa đua nở. Theo kinh nghiệm của những người nuôi ong lâu năm, dù thời gian thu hoạch mật kéo dài quanh năm, song tháng Ba vẫn là thời điểm thu hoạch mật được nhiều và ngon nhất.
Đến với Đắk Lắk - Thủ phủ cà phê của cả nước vào dịp này, người dân sẽ được chiêm ngưỡng những vườn hoa cà phê trắng xóa.
Mùa hoa cà phê với hai đợt nở hoa, mỗi đợt nở kéo dài từ 7-10 ngày.
Hoa cà phê có mùi hương ngọt ngào, thu hút những đàn ong đua nhau tìm đến hút mật.
Không riêng gì hoa cà phê, tháng Ba Tây Nguyên cũng là mùa trăm hoa đua nở, cứ hoa nở là ong sẽ đi hút mật.
Những người gắn bó lâu năm với nghề nuôi ong cho rằng, việc nuôi ong không khó nhưng đòi hỏi phải yêu nghề, có tính kiên trì, tỷ mẩn và phải có vốn kiến thức nhất định về đặc tính sinh trưởng và phát triển của loài ong. Đồng thời hiểu được quy luật phát triển của các loài hoa để ong làm nên những giọt mật theo đúng mùa hoa.
Từ giáp Tết Nguyên đán đến hết tháng Ba năm sau, những người làm nghề nuôi ong lấy mật tất tả đưa hàng ngàn đàn ong đến những rẫy cà phê hoặc những vùng đất có nhiều hoa dại ở mảnh đất Tây Nguyên để cho ong hút mật.
Người nuôi ong sẽ căn cứ vào lượng mật có được trong mỗi cầu ong để tính toán ngày thu hoạch, thông thường từ 7 - 10 ngày tiến hành "đánh mật" một lần. Trước khi khai thác, người nuôi ong phải phun sương nước cho ong ướt cánh ít bay và xông khói để ong không tìm đến cắn.
Sau đó nhẹ nhàng, khéo léo nâng từng cầu ong lên, lấy chổi lông quét những con ong còn bám lại.
Những thùng ong được đặt khéo léo dưới những tán cây. Để tránh bị ong đốt, những người nuôi ong phải mặc quần áo, mũ bảo hộ rồi nhẹ nhàng kiểm tra những cầu ong để xem mật đã đến độ già có thể thu hoạch chưa. Mỗi thùng thường có từ 7 - 10 cầu ong.
Những cầu ong đầy mật vàng, ngọt ngào được lấy ra khỏi thùng, quét sạch sẽ những chú ong...
... sau đó được chuyển đến nơi quay mật.
Những cầu ong sau khi được dùng dao cắt sạch sáp thừa sẽ cho vào thùng quay mật.
Theo những người nuôi ong, tốc độ quay mật nên vừa phải để mật chảy ra thùng quay.
Những giọt mật vàng ươm, thơm ngon, hấp dẫn được rót vào các thùng nhựa dự trữ rồi sau đó cung cấp ra thị trường.
Ngoài thu hoạch mật, người nuôi ong còn có thêm sản phẩm là phấn hoa cũng rất thơm ngon, bổ dưỡng.
Ý kiến ()