Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 04/12/2024 15:25 (GMT +7)
Thẳng thắn nhìn nhận hạn chế, cụ thể hóa các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ 2015-2020
Thứ 2, 20/07/2015 | 13:52:35 [GMT +7] A A
Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 20/7, sau khi nghe các văn kiện của Đại hội, nghe phát biểu chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Đại hội Đảng bộ huyện Đầm Hà lần thứ XXIV tiến hành thảo luận, trọng tâm là Báo cáo chính trị và Báo cáo kiểm điểm của BCH.
Đoàn Chủ tịch điều hành Đại hội. |
Phát biểu thảo luận, các ý kiến đều đồng tình với những đánh giá về kết quả đạt được, những mặt còn hạn chế, khuyết điểm và những bài học kinh nghiệm được đề cập trong Báo cáo chính trị; làm rõ hơn những kết quả đạt được, những mặt còn hạn chế, khuyết điểm và những bài học kinh nghiệm; đồng thời cụ thể hóa hơn chỉ tiêu, nhiệm vụ và những giải pháp để thực hiện có hiệu quả trong nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Các đại biểu nghiên cứu tài liệu. |
Về kết quả đạt được các ý kiến đều nhấn mạnh, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, Đảng bộ và nhân dân trong huyện đã không ngừng nỗ lực phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, triển khai toàn diện các chủ trương, biện pháp sát với thực tế. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, hầu hết các chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết đều thực hiện đạt và vượt; thu ngân sách trên địa bàn tăng cao. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả tích cực, nhất là việc thay đổi nhận thức của cả hệ thống chính trị và huy động nhân dân vào cuộc. Tập trung xây dựng quy hoạch, cải cách hành chính; thu hút đầu tư bước đầu đạt được kết quả quan trọng; công tác chỉnh trang đô thị được tích cực triển khai và đã khánh thành nhiều công trình quan trọng.
Các thiết chế kinh tế, văn hóa - xã hội được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng, góp phần nâng cao điều kiện sống của nhân dân, diện mạo đô thị, nông thôn có nhiều đổi mới. Văn hoá - xã hội có nhiều tiến bộ, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao; công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, chăm lo các đối tượng chính sách, gia đình có công đạt nhiều kết quả tốt. An ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, quốc phòng được tăng cường, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao.
Các đại biểu xem triển lãm những hình ảnh về hoạt động của Đảng bộ nhiệm kỳ qua. |
Các đại biểu cũng đồng tình với đánh giá về những hạn chế như: chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung còn chậm so với yêu cầu, mô hình và chất lượng hàng hóa nông nghiệp thấp; việc dồn điền, đổi thửa, ứng dụng khoa học kỹ thuật, cải tạo đất đai còn nhiều khó khăn. Chất lượng giáo dục ở các xã vùng cao còn thấp; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học chưa đồng bộ, nhiều điểm trường xuống cấp, ảnh hưởng tới việc xây dựng trường chuẩn Quốc gia. Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, thái độ phục vụ của một bộ phận cán bộ y tế còn hạn chế; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn cao. Tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp; kết quả giảm nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo cao, đời sống một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn, nhất là các xã vùng cao.
Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực như đất đai, tài nguyên, môi trường, xây dựng cơ bản, đô thị... còn hạn chế; tình trạng vi phạm pháp luật về xây dựng, đất đai có lúc chưa được giải quyết kịp thời và chưa triệt để; thực hiện Quy chế dân chủ ở một số cơ quan, đơn vị chưa tốt. Công tác cải cách hành chính còn chậm, chưa tạo được sự chuyển biến tích cực của cả bộ máy hành chính trong việc giải quyết công việc liên quan đến tổ chức và công dân. Việc triển khai học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng ở một số cơ sở chưa sâu rộng, chất lượng chưa cao. Một số ít cán bộ, đảng viên chưa thật sự gương mẫu chấp hành chủ trương, nghị quyết của Đảng, thiếu tu dưỡng, rèn luyện về phẩm chất đạo đức, vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng đến uy tín lãnh đạo của Đảng bộ và sự điều hành của chính quyền các cấp. Đồng thời nhất trí với những nguyên nhân và 5 bài học kinh nghiệm trong nhiệm kỳ qua.
Các đại biểu cũng thống nhất cao với mục tiêu tổng quát: Tạo sự chuyển biến rõ rệt về phương thức, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của toàn Đảng bộ; củng cố hệ thống chính trị vững mạnh với đội ngũ cán bộ, công chức tinh gọn, hiệu quả, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân; phát huy tối đa quyền làm chủ của nhân dân. Đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển, nâng dần tỷ trọng công nghiệp và thương mại dịch vụ trong cơ cấu kinh tế; phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao bền vững, kinh tế biển và gắn với bảo vệ môi trường. Phấn đấu đến năm 2020: 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; xây dựng huyện trở thành vùng trọng điểm sản xuất và chế biến nông sản; xây dựng thị trấn Đầm Hà trở thành đô thị loại IV. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh. Và để hiện thực hóa mục tiêu này, các đại biểu đã đề nghị thực hiện nhiều giải pháp.
Đại biểu Nguyễn Văn Sơn, Uỷ viên Ban Thường vụ Huyện uỷ, Phó Chủ tịch UBND huyện tham luận tại Đại hội. |
Tham luận về vấn đề xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới, đại biểu Nguyễn Văn Sơn, Uỷ viên Ban Thường vụ Huyện uỷ, Phó Chủ tịch UBND huyện đề nghị phải tập trung rà soát kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của các xã, trên cơ sở đó huyện sẽ xem xét, xây dựng kế hoạch của huyện, xác định rõ mức độ đạt từng tiêu chí trong từng năm, xây dựng giải pháp nguồn lực để thực hiện (xác định rõ nhu cầu vốn và cơ cấu các nguồn vốn của tỉnh, của huyện, của xã, người dân đóng góp, hỗ trợ của doanh nghiệp....) đối với từng chỉ tiêu, tiêu chí; phương pháp tổ chức thực hiện.
UBND các xã tiếp tục rà soát toàn bộ các chỉ tiêu, tiêu chỉ nông thôn mới, nhất là các chỉ tiêu trong tiêu chí chưa đạt và xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong từng năm. Nội dung của kế hoạch phải thể hiện được mục tiêu phấn đấu đạt chuẩn từng chỉ tiêu, tiêu chí thật cụ thể, nêu rõ được 4 vấn đề:
Giải pháp thực hiện; nguồn lực thực hiện; cơ quan, đơn vị cá nhân chịu trách nhiệm và thời gian hoàn thành đạt chuẩn tiêu chí. Rà soát quy hoạch các vùng sản xuất tập trung để điều chỉnh, bổ sung phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của huyện, đồng thời tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất theo quy hoạch, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Định hướng công tác sản xuất theo chuỗi giá trị và phát triển bền vững; trong đó đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa trong sản xuất; sản phẩm nông nghiệp phải trở thành hàng hóa trong thị trường; tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi giống vật nuôi cây trồng có trọng tâm, trọng điểm (chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản); tổ chức thực hiện tốt các quy hoạch, nhất là quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung; đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP.... nhằm cải thiện nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân, tăng khả năng đóng góp vào xây dựng nông thôn mới.
Đại biểu Phạm Văn Bình, Huyện uỷ viên, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Lâm tham luận về công tác xây dựng tổ chức Đảng. |
Tham luận về thực trạng và giải pháp phát triển đảng viên, đào tạo cán bộ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu Phạm Văn Bình, Huyện uỷ viên, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Lâm chia sẻ, xác định kiện toàn tổ chức cơ sở Đảng là việc làm không phải dễ, cũng không phải ngày một, ngày hai mà phải là một quá trình cần có sự đầu tư lãnh đạo, chỉ đạo và thời gian thực hiện. Chính vì thế Đảng uỷ đã xây dựng kế hoạch chuyên đề về phát triển đảng và thực hiện hoàn thành xoá bản trắng chi bộ vào năm 2012. Kế hoạch đã đề ra lộ trình và các bước đi cụ thể như, tìm và xác định nguồn để bồi dưỡng; bồi dưỡng, đào tạo nguồn, giáo dục để phát triển Đảng; kiện toàn tổ chức cơ sở Đảng.
Trong công tác bồi dưõng, đào tạo cán bộ người đồng bào dân tộc thiểu số, Đảng uỷ xã đã rất quan tâm công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ người địa phương nâng cao trình độ chuyên môn và lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao trong công cuộc CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Để làm được việc đó Đảng uỷ đã tiến hành rà soát, đánh giá đúng thực trạng đội ngũ cán bộ của xã và các bản; xây dựng quy hoạch cán bộ, quan tâm đội ngũ cán bộ trẻ và đặc biệt là cán bộ các bản.
Song song với việc quan tâm phát triển đảng, Đảng uỷ đề cao việc lựa chọn, bồi dưỡng từng bước bố trí cán bộ thôn bản trẻ và có trình độ; đề xuất tuyển cán bộ có trình độ (trung cấp trở lên đối với cán bộ, công chức; THPT trở lên đối với cán bộ không chuyên trách xã). Đồng thời có cơ chế khuyến khích và tạo điều kiện và bố trí cử cán bộ theo học các lớp tại chức hoặc từ xa hệ Đại học, trung cấp, học bổ túc văn hoá và các lớp lý luận chính trị.
Đại biểu Bùi Quang Bình, Uỷ viên Ban Thường vụ Huyện uỷ, Bí thư Đảng ủy, Trưởng Công an huyện tham luận về giải pháp đảm bảo trật tự chính trị và an toàn xã hội trên địa bàn. |
Tham luận về việc đẩy mạnh xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo đại biểu Bùi Quang Bình, Uỷ viên Ban Thường vụ Huyện uỷ, Trưởng Công an huyện cho rằng: Phải quán triệt quan điểm công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội, của toàn dân và của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong vùng dân tộc, tôn giáo phải gắn kết với các phong trào cách mạng khác như: giảm nghèo; xây dựng nông thôn mới; góp ý xây dựng Đảng; Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, triển khai hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh tại địa phương.
Làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn dân trong công tác đảm bảo an ninh trật tự. Đây là nội dung hết sức quan trọng đòi hỏi các ngành chức năng cần chú trọng đổi mới nội dung, biện pháp tuyên truyền thông qua truyền thanh, truyền hình, đặc biệt chú ý đến các hình thức tuyên truyền mang tính bắt buộc thông qua tuyên truyền miệng, tuyên truyền bằng Panô, Áp phích, tờ rơi với nội dung ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, phát đến tận tay người dân.
Ngoài nội dung để phổ biến, giáo dục đường lối, chính sách, pháp luật, nêu gương người tốt, việc tốt, cần quan tâm tuyên truyền những nội dung mang tính cảnh báo về âm mưu, phương thức hoạt động của các thế lực thù địch, các loại tội phạm để nhân dân nâng cao cảnh giác, phòng ngừa với phương châm “Tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải”.
Đại biểu Vũ Xuân Khải, Huyện uỷ viên, Trưởng phòng NN&PTNT tham luận về việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông- lâm- thủy sản. |
Tham luận tại Đại hội về một số kết quả, kinh nghiệm trong ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông, lâm, thủy sản trên địa bàn và các giải pháp thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện, đại biểu Vũ Xuân Khải, Huyện uỷ viên, Trưởng phòng NN&PTNT cho biết, thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Đầm Hà xác định mục tiêu: Duy trì tốc độ tăng bình quân ngành nông, lâm, thủy sản đến năm 2020 đạt 8%/năm (tốc độ tăng bình quân: trồng trọt 1,59%/năm, chăn nuôi 14%/năm, lâm nghiệp 12,0%/năm, độ che phủ rừng 60% trở lên; thủy sản 13%/năm).
Để đạt được mục tiêu này trên cơ sở Quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội của huyện và đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, thực hiện rà soát, điều chỉnh các quy hoạch ngành, đề án, kế hoạch của huyện bám sát quan điểm định hướng và mục tiêu tái cơ cấu; lựa chọn một số sản phẩm chính là lợi thế của huyện tập trung phát triển. Khuyến khích, thu hút nguồn lực đầu tư vào phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và chế biến nông, lâm, thủy sản. Huy động đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh các hình thức đầu tư có sự tham gia giữa nhà nước và tư nhân để huy động nguồn lực xã hội, nâng cao hiệu quả đầu tư. Đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng các quy trình, kỹ thuật tiên tiến, đưa cơ giới hóa vào sản xuất; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao; ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến để nâng cao năng lực và chất lượng chế biến nông, lâm, thủy sản.
Cùng với đó, đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với dự kiến việc làm sau đào tạo; tập trung vào các lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, chế biến nông lâm thủy sản. Củng cố, khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác, chú trọng phát triển các loại hình kinh tế hợp tác hoạt động sản xuất gắn với cung ứng dịch vụ nông nghiệp tổng hợp theo chuỗi giá trị sản phẩm từ cung cấp dịch vụ đầu vào đến chế biến và phát triển thị trường. Phát triển các hợp tác xã, tổ đội sản xuất nuôi trồng khai thác thủy sản; khuyến khích phát triển mô hình đồng quản lý nguồn lợi ven bờ. Phát triển các tổ chức dịch vụ nông nghiệp phục vụ sản xuất; dịch vụ làm đất, thu hoạch, tiêu thụ và chế biến sản phẩm nông lâm thủy sản; dịch vụ hậu cần cho phát triển thủy sản.
Tăng cường kiểm tra nâng cao chất lượng dịch vụ vật tư nông nghiệp (giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật…). Tổ chức quản lý, triển khai có hiệu quả quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tăng cường vận động người dân “dồn điền, đổi thửa” tích tụ ruộng đất để phát triển quy mô lớn tạo điều kiện đưa cơ giới hóa, công nghệ tiên tiến vào sản xuất.
Chiều nay Đại hội nghe báo cáo tổng hợp ý kiến tham gia vào Văn kiện Đại hội XII của Đảng; tham gia ý kiến vào Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và thảo luận tại tổ.
Q.Huy-Đỗ Giang[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()