Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 10:11 (GMT +7)
Giáo dục Bình Liêu gặt "trái ngọt"
Chủ nhật, 14/04/2024 | 10:13:25 [GMT +7] A A
Năm 2014, ngành giáo dục huyện Bình Liêu đã từng đưa ra con số buồn với số lượng người mù chữ trên địa bàn huyện cao nhất tỉnh. Sau nhiều năm nỗ lực phấn đấu của ngành giáo dục, của các em học sinh và phụ huynh, năm nay ngành giáo dục huyện Bình Liêu lại đưa ra con số đầy ấn tượng. Đó là tỷ lệ học sinh giỏi cao nhất tại Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh THCS năm 2024.
Khi phụ huynh đồng hành
Trong Kỳ thi chọn học sinh giỏi THCS cấp tỉnh năm nay, các trường THCS toàn huyện Bình Liêu có 52/84 thí sinh tham gia dự thi đoạt giải, đạt tỷ lệ 61,9%, cao nhất toàn tỉnh. Các em tham gia thi các môn: Toán học, Vật lý, Hóa học, Tin học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân và Tiếng Anh. Điều đáng mừng là trong số các em học sinh đoạt giải, đa phần các em là học sinh dân tộc thiểu số, có trường 100% học sinh đoạt giải là người dân tộc thiểu số .
Theo lãnh đạo Phòng Giáo dục huyện Bình Liêu, để có những thành tích này, ngoài những nỗ lực của ngành giáo dục, cũng phải kể đến sự đồng hành tích cực của cha mẹ học sinh. Vào khoảng chục năm trước đây, khi các phụ huynh chưa có tầm nhìn xa trông rộng, họ thường đưa ra câu hỏi “Học cao để làm gì?” rồi không có câu trả lời. Nhiều đứa trẻ khi học lên THPT lại phải ở nhà giúp bố mẹ làm rừng, làm ruộng và các thầy cô lại phải vất vả lặn lội đến các thôn, bản vận động các em đến trường.
Để không bị “dột từ nóc”, nghĩa là trước mắt cần trang bị kiến thức cho những người làm cha mẹ, để họ sẽ có những suy nghĩ thông thoáng hơn với việc học của con cái mình, từ nhiều năm trước, ngành giáo dục huyện Bình Liêu đã tích cực vào cuộc xóa mù chữ cho các bậc phụ huynh chưa biết đọc, biết viết.
Một con số thống kê của huyện Bình Liêu vào năm 2014 cho thấy, số người mù chữ trên địa bàn ở độ tuổi 15 - 60 tuổi là 2.306 người (chiếm tỷ lệ 11,6%) và thời điểm đó Bình Liêu có số người mù chữ đứng đầu trong tỉnh. Các cấp ủy đảng, chính quyền đã tích cực vào cuộc vận động người dân xóa mù chữ và ngành giáo dục tổ chức các lớp xóa mù đã mang lại nhiều kết quả khả quan. Chỉ tính đến hết năm 2018, tỷ lệ người từ 15 - 60 tuổi biết chữ ở cấp độ 1 đạt 98,1%, tỷ lệ người mù chữ đã trở về con số 0.
Những năm sau đó, chương trình xóa mù cấp độ 2 (tương đương với lớp 4 và lớp 5) lại được tiếp tục ở các xã và được giao cho Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Bình Liêu thực hiện. Các học viên được học thêm 6 tháng, chương trình học do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bình Liêu soạn thảo. Các học viên được miễn phí mọi mặt khi tham gia lớp học. Khi học xong các lớp xóa mù chữ, các bậc phụ huynh đã đọc được sách báo và mạnh dạn hơn khi tham gia các hoạt động khác của xã, huyện. Từ đó trong tư tưởng của họ đã thay đổi đáng kể, họ tích cực hơn trong việc đầu tư cho học tập của con cái mình.
Điều đáng mừng là trong số các học sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh các năm, nhiều em có phụ huynh chỉ được qua các lớp xóa mù chữ. Nhiều thôn, bản như Khuổi Luông, Khe Lánh... của xã Vô Ngại, nhiều năm trước với niềm vui có nhiều học viên được nhận chứng chỉ xóa mù chữ nhất, thì nay lại hân hoan với niềm vui lớn hơn, là đón các em đoạt giải kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh.
Nhà trường truyền cảm hứng
Chúng tôi cùng cán bộ Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Bình Liêu đến Trường THCS thị trấn Bình Liêu, là ngôi trường có thành tích cao nhất trong Kỳ thi chọn học sinh giỏi năm nay. Trường có 36 học sinh tham gia kỳ thi thì có 24 em đoạt giải, trong đó có 2 giải Nhất, 4 giải Nhì, 10 giải Ba và 8 giải Khuyến khích.
Ngồi trước mặt tôi là cô bé Phạm Thị Minh Anh, học sinh lớp 9A của nhà trường, đã đoạt giải nhất môn Lịch sử trong Kỳ thi chọn học sinh giỏi THCS cấp tỉnh vừa qua. Được biết, cô bé có bề dày thành tích, năm 2023 em cũng từng đoạt giải nhì môn Lịch sử cấp tỉnh, khi đó cô bé mới học lớp 8. Lựa chọn môn học mà nhiều bạn e ngại này, cô bé Minh Anh cho hay: “Cháu yêu môn Lịch sử từ các bài giảng của cô giáo trên lớp”.
Trao đổi với chúng tôi, cô Hoàng Thị Niên, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay: Để giúp các em thêm yêu quê hương, đất nước, nhà trường đã thường xuyên tổ chức cho các em tham gia các lớp trải nghiệm. Ở huyện Bình Liêu, các em được đến thăm đình Lục Nà (xã Lục Hồn), các em chào cờ ở cột mốc biên cương và đến thăm các ngôi nhà cổ của người Tày ở xã Hoành Mô. Ngoài ra, các em còn được đi thăm lăng Bác, thăm Văn miếu Quốc Tử Giám, nhà thầy giáo Chu Văn An (Hà Nội). Qua các buổi trải nghiệm đó, các em rất thích và thấy thêm yêu quê hương, đất nước mình hơn.
Học cao để làm gì?
Năm nay, Trường THCS - THPT Hoành Mô trên địa phận xã biên giới Hoành Mô, có 3 học sinh tham gia Kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh thì có 2 em đoạt giải, gồm: 1 giải Ba môn Lịch sử và 1 giải Khuyến khích môn Ngữ Văn. Năm 2019, tôi cũng đã có buổi cùng các thầy, cô giáo nhà trường đi vận động học sinh đến trường nhân dịp đầu năm học mới, vì năm đó có mấy học sinh thôn, bản xa bỏ học. Khi tiếp xúc với các bậc phụ huynh, chúng tôi hiểu được nỗi băn khoăn của họ, khi gia đình thuộc hộ nghèo, công việc chính là làm rừng, làm ruộng, rất cần người làm. Bản thân họ ít giao tiếp, thiếu kiến thức về xã hội nên lo lắng về kinh phí khi con cái học cao, rồi băn khoăn con tốt nghiệp đại học ra trường thì gia đình cũng không có mối quan hệ để xin việc cho con, rồi con lại về làm rừng, làm ruộng thì cần gì học cao cho mất công, tốn tiền...
Từ chương trình xây dựng nông thôn mới đã thay áo mới cho các thôn, bản trên địa bàn huyện. Các con đường nông thôn đã được đầu tư khang trang giúp giao thông đi lại dễ dàng. Giao thông phát triển đã nâng dần giá trị các rừng keo lên nhiều lần, người chăn nuôi cũng dễ bán hơn các sản phẩm của mình, từ đó giúp việc xóa nghèo ở các xã tốt hơn và dần đưa hộ nghèo trở về con số 0. Các xã đều được xây dựng trường chuẩn quốc gia, giúp học sinh có thêm nhiều niềm vui đến trường. Đặc biệt, trong những năm gần đây, Bình Liêu đẩy mạnh việc phát triển du lịch, người dân được giao tiếp nhiều với du khách, nhiều người từ chỗ chỉ quẩn quanh "bên lũy tre làng" giờ đã mở rộng tư tưởng hơn, muốn đi du lịch, giao lưu… Và cũng từ đây, câu hỏi trước đây “Học cao để làm gì?” đã dần có câu trả lời.
Chị Hoàng Thị Pháp, ở thôn Bản Làng, xã Vô Ngại, mấy năm trước từng tham gia lớp xóa mù chữ, nay rất tự hào vì có con gái đang học ở Trường Đại học Nội vụ Hà Nội. Chị bảo: “Học cao trước mắt là để thoát nghèo, chứ đời bố, mẹ nghèo, đời con cũng nghèo sao được. Con hơn cha là nhà có phúc mà”. Cũng như chị Pháp, các bậc phụ huynh ở Bình Liêu ngày nay đều chung niềm vui con cái mình học giỏi, họ sẵn sàng cố gắng hơn để con cái mình có điều kiện học tập tốt hơn.
Công Thành
Liên kết website
Ý kiến ()