Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 04:27 (GMT +7)
Thành lập 3 tổ công tác chỉ đạo phòng, chống bão số 2
Thứ 5, 17/07/2014 | 10:53:22 [GMT +7] A A
Đây là một trong những nội dung quan trọng do đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo với Chính Phủ tại cuộc họp trực tuyến cùng với các địa phương trong cả nước để triển khai công tác phòng, chống cơn bão số 2 (Rammasun).
Cuộc họp do Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chủ trì.
[links(left)]
Theo tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, trưa 16-7, bão Rammasun đã vượt qua kinh tuyến 120 độ kinh đông đi vào biển Đông thành cơn bão số 2.
Hồi 4 giờ ngày 17-7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,1 độ Vĩ Bắc; 116,3 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 460 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13, giật cấp 15, cấp 16. Dự báo trong 24 giờ tới bão di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25km.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương triển khai phương án phòng, chống bão số 2. |
Đến 4 giờ ngày 18-7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,5 độ Vĩ Bắc; 112,1 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 200km về phía Bắc. Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km.
Đến 4 giờ ngày 19-7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,7 độ Vĩ Bắc; 108,2 độ Kinh Đông, trên vùng biển Bắc Vịnh Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 14, cấp 15. Trong suốt thời gian di chuyển trên Biển Đông, bão số 2 liên tục mạnh lên, trước khi đổ bộ vào đảo Hải Nam, bão đạt mức cực đại ở cấp 15-16. Nguyên nhân bởi trong vùng Biển Đông, bão số 2 di chuyển trên luồng nóng nhất.
Theo dự báo, khoảng sáng 18-7, bão số 2 sẽ đổ bộ vào đảo Hải Nam, suy yếu dần ở cấp 11-12 rồi đi vào Vịnh Bắc Bộ, đổ bộ vào các tỉnh từ Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình. Xác suất bão đổ bộ vào Hải Phòng - Quảng Ninh chiếm đến 60-70%.
Dự báo, từ sáng đến trưa 19-7, bão sẽ đi vào khu vực Hải Phòng-Quảng Ninh, sau đó đi về phía Tây và suy yếu nhanh. Khi tiếp cận bờ, bão ở cấp 10, giật cấp 11-12. Từ ngày 18 đến 22-7, bão sẽ gây mưa lớn với trọng tâm mưa tập trung ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, lượng mưa khoảng 200-300 mm.
Tại cuộc họp, các ngành, địa phương đã báo cáo về tình hình triển khai công tác phòng chống bão số 2. Theo đó, các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế và thành phố Hồ Chí Minh đã có công điện chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai ứng phó với bão.
Các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình đã có báo cáo công tác tổ chức triển khai các phương án chuẩn bị đối phó ở địa phương. Thành phố Hải Phòng, tỉnh Thái Bình đã tổ chức họp BCH PCLB và TKCN tỉnh, hoãn tất cả các cuộc họp chưa cần thiết, thành lập các đoàn công tác đến các địa bàn ven biển để chỉ đạo, đôn đốc triển khai đối phó với bão. Hải Phòng đã điều động tàu CN09 và SAR ra ứng trực tại các vùng biển.
Tỉnh Quảng Ninh đã cử 3 đoàn công tác xuống các cơ sở để trực tiếp chỉ đạo đối phó với bão, đã đưa 324 hộ dân sống trên các lồng bè lên bờ và có phương án tiếp tục yêu cầu các hộ còn lại lên bờ, cấm tàu thuyền ra khơi, dừng hoạt động của tàu du lịch từ trưa 17-7. Các địa phương thực hiện kiểm soát, kêu gọi tàu thuyền về nơi trú tránh an toàn, tổ chức neo đậu tàu thuyền, lồng bè; kiểm tra các công trình đê điều, bến cảng, khu du lịch; chủ động tiêu nước đệm, chặt tỉa cành cây, chằng chống nhà cửa, chuẩn bị phương án di dời dân ở các vùng nguy hiểm; tập trung lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” sẵn sàng đối phó khi bão vào gần bờ, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản.
Đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại đầu cầu Quảng Ninh. |
Phát biểu tại đầu cầu Quảng Ninh, đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh nhấn mạnh: Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh đang kiểm soát được các tàu, thuyền tham gia khai thác, đánh bắt thủy hải sản trên biển và triển khai kêu gọi các tàu, thuyền này về nơi tránh trú bão an toàn; có phương án di chuyển lồng bè nuôi trồng thủy sản về nơi tập kết; kiểm soát được các tàu du lịch; bổ sung các trang thiết bị, vật tư phòng, chống bão cho huyện Cô Tô; có các phương án sửa chữa, nâng cấp các hồ, đập chứa nước trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, Ban Chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh đã chỉ đạo ngành than có phương án gia cố các bãi thải xỉ, sơ tán các hộ dân có nguy cơ bị sạt lở do các bãi thải; có phương án tiêu thoát nước các hầm lò khai thác than. Chỉ đạo các huyện miền Đông di dời các hộ dân có nguy cơ bị sạt lở đất; cắt cử cán bộ trực và xả nước các hồ đập.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Sau cuộc họp này, tỉnh Quảng Ninh sẽ thành lập 3 tổ công tác tham gia chỉ đạo công tác phòng, chống bão số 2 từ Quảng Yên - Vân Đồn - Móng Cái; giao lãnh đạo các ngành trực tại các địa phương; triệu tập các lực lượng triển khai phòng, chống bão, trong đó, lấy lực lượng quân đội làm nòng cốt trực 24/24h tham gia ứng cứu khi có các tình huống xấu xảy ra.
Kết luận tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính Phủ Hoàng Trung Hải đánh giá cao công tác phòng, chống bão số 2 của các bộ, ngành, địa phương. Đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, bão số 2 là một cơn bão lớn, rất nguy hiểm, tuyệt đối không được chủ quan; cần xác định thời điểm bão vào để có ứng phó kịp thời. Tiếp tục theo dõi diễn biến của cơn bão, khả năng bão số 2 mạnh lên nữa. Các địa phương từ Thanh Hóa đến Quảng Ninh có những ứng phó kịp thời trước diễn biến của bão; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để người dân chủ động phòng chống bão. Bộ đội Biên phòng và các địa phương tập trung kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh, trú bão an toàn. Bộ giao thông nắm chắc các hành trình của các tàu vận tải trên biển để thông tin kịp thời.
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố nhanh chóng tổ chức các đoàn công tác xuống địa bàn chỉ đạo, hoãn các cuộc họp không cần thiết để tập trung chống bão. Bộ NN&PTNT chỉ đạo các địa phương đảm bảo an toàn các hồ, đập. Tập trung sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, đặc biệt lưu ý đến các tỉnh vùng núi phía Bắc. Thực hiện cấm biển, không cho các tàu, thuyền ra khơi, nhất là các tàu du lịch, thông báo đến khách du lịch quốc tế để chủ động phòng chống bão; các địa phương khẩn trương kiểm tra các công trình trước bão, đặc biệt là đối với các cột angten, phát sóng điện thoại, cột điện; sơ tán người dân ở các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản trên biển.
Đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ lưu ý tỉnh Quảng Ninh cần đặc biệt quan tâm đến đội tàu du lịch tham gia chở khách du lịch tham quan trên vịnh và người dân sống trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản; các hầm lò khai thác than của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.
Hữu Việt
Liên kết website
Ý kiến ()