Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 23:05 (GMT +7)
Tháo gỡ khó khăn cho nguồn vật liệu san lấp
Thứ 2, 20/05/2024 | 09:56:34 [GMT +7] A A
Trên địa bàn Quảng Ninh hiện có nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm đang bị chậm tiến độ, ảnh hưởng đến sự phát triển KT-XH của địa phương, nguyên nhân chủ yếu là thiếu vật liệu san lấp. Để giải bài toán này, tỉnh đã và đang tập trung triển khai nhiều giải pháp, trong đó quyết liệt rà soát đẩy nhanh giải quyết các hồ sơ pháp lý để cấp phép sớm cho các mỏ đất trong quy hoạch trên cơ sở tuân thủ tuyệt đối các quy định của pháp luật; đề xuất Bộ GTVT cho phép tỉnh thí điểm sử dụng cát nước mặn phục vụ san lấp thay thế cát sông tại một số dự án...
“Khát” nguồn vật liệu san lấp
Dự án tuyến đường ven sông kết nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều, đoạn từ đường tỉnh 338 đến TX Đông Triều (giai đoạn 1) được khởi công đầu tư xây dựng đầu năm 2023, dự kiến hoàn thành năm 2025. Công trình có chiều dài tuyến 40,25km, đi qua TX Quảng Yên, TP Uông Bí và TX Đông Triều. Đây là công trình có ý nghĩa chiến lược, đặc biệt của Quảng Ninh nhằm hiện thực hóa chủ trương, mục tiêu xây dựng hành lang kinh tế phía Tây của tỉnh, kết nối tới Đồng bằng sông Hồng và Thủ đô Hà Nội với định hướng phát triển chuỗi đô thị - công nghiệp xanh và du lịch văn hóa lịch sử. Đây cũng là công trình giao thông trọng điểm dự kiến được tỉnh đưa vào khánh thành, chào mừng đại hội Đảng các cấp tới đây.
Do là tuyến đường đầu tư hoàn toàn mới, chạy trên vị trí đầm lầy, khu vực ngập nước, địa chất phức tạp nên cần khối lượng nguồn vật liệu san lấp, đất đắp lớn, với khoảng trên 6,4 triệu m3 đất đắp và 1,3 triệu m3 cát san lấp. Để có nguồn vật liệu san lấp cho dự án, các sở, ngành, địa phương liên quan của tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh cấp 7 mỏ đất thuộc địa bàn TP Uông Bí, TX Đông Triều. Tuy nhiên đến nay, mới chỉ có 2 mỏ đủ điều kiện khai thác (mỏ Tràng Bạch, Bắc Sơn 1), còn lại 5 mỏ cung cấp đất đắp K95, K98 chưa đủ điều kiện khai thác (Trưng Vương, Hang Hùm của TP Uông Bí; Tây Sơn, Thủy An, Đông Sơn của TX Đông Triều).
Chính vì thiếu nguồn vật liệu san lấp nên đến nay dự án mới chỉ đồng loạt thi công 13 cầu trên tuyến; phần nền đường hầu như phải thi công cầm chừng dẫn đến dự án thi công chậm tiến độ theo kế hoạch ban đầu đề ra, tiềm ẩn nguy cơ không thể về đích như dự kiến.
Phó Giám đốc BQL Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Nguyễn Duy Kiên cho biết: Đối với khu vực có nền đất yếu, cần sử dụng cát san lấp, một số nhà thầu thi công đã cùng với chủ đầu tư khảo sát nhiều mỏ cát ở tỉnh ngoài để cung cấp cho dự án. Tuy nhiên các đơn vị cung ứng cát này trả lời không cung cấp được các hồ sơ pháp lý đầy đủ của mỏ, không xác định nguồn gốc và không chấp thuận bổ sung được các mỏ cát cho dự án. Còn các mỏ đất trên địa bàn, mỏ sớm nhất được cấp cũng phải cuối tháng 5/2024, mỏ chậm nhất là quý I/2025.
Cùng gặp khó khăn như dự án tuyến đường ven sông kết nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều, hiện dự án tuyến đường nối Vũng Đục (phường Cẩm Đông) đến phường Cẩm Sơn trên địa bàn TP Cẩm Phả (giai đoạn I) cũng đang phải tạm ngừng thi công, nhà thầu phải di chuyển thiết bị máy móc kỹ thuật sang công trình khác vì không có nguồn vật liệu đất đắp K98. Theo kế hoạch, dự án đến nay đã phải hoàn thành, tuy nhiên hiện mới chỉ đạt trên 60% khối lượng. Riêng phần đất đắp K98 trên tuyến có chiều dài 1,2km chưa được thi công.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do hầu hết các dự án đầu tư công hay dự án ngoài ngân sách hiện nay đều đang gặp khó khăn về nguồn vật liệu san lấp, nhất là đối với nguồn K95, K98. Nhiều dự án, công trình đã phải thi công cầm chừng hoặc dừng thi công do thiếu nguồn vật liệu san lấp. Thực tế này đã gây ra rất nhiều hệ lụy trong quá trình thu hút đầu tư cũng như việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, kìm hãm sự phát triển, ảnh hưởng đến chất lượng tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Tính đến hết tháng 4/2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh mới chỉ đạt 10,9% kế hoạch, trong đó có đến 12/23 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn bình quân chung toàn tỉnh.
Cần sớm tháo gỡ khó khăn
Theo ngành chức năng, để cấp phép được một mỏ khai thác đất san lấp, cần rất nhiều thời gian vì thủ tục liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành do luật pháp quy định chặt chẽ. Chỉ tính riêng khu vực miền Tây của tỉnh, hiện tại mới chỉ cấp phép khai thác được 3 mỏ (mỏ Nam Tràng Bạch, mỏ Bắc Sơn 1 và nguồn tận thu tại Công viên nghĩa trang Quảng Yên), với tổng khối lượng đất khoảng 18,9 triệu m3. Tuy nhiên chỉ đủ trữ lượng cấp đất san lấp K95, K98 cho các dự án giao thông khu vực Quảng Yên, Uông Bí do BQL Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp làm chủ đầu tư.
Còn 5 mỏ khác nằm trong quy hoạch đang được triển khai, tuy nhiên thời gian để được cấp phép khai thác những mỏ này tương đối dài. Dự kiến, mỏ đất sớm được cấp phép (mỏ Đức Sơn, xã Yên Đức và Tây Sơn, xã Bình Khê, TX Đông Triều) trong tháng 5/2024; mỏ chậm nhất (mỏ Đông Sơn, xã Bình Khê, TX Đông Triều) phải tận đến quý I/2025. Như vậy, các dự án đầu tư công khu vực Uông Bí, Đông Triều sẽ tiếp tục phải chờ nguồn vật liệu đất đắp, trong bối cảnh tiến độ về đích đã cận kề, nhất là dự án đường ven sông kết nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng với TX Đông Triều (giai đoạn 1) đang được triển khai.
Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 và các dự án đầu tư ngoài ngân sách, nhu cầu sử dụng nguồn vật liệu san lấp đến năm 2030 của Quảng Ninh vào khoảng 1,05 tỷ m3. Trong đó, giai đoạn từ nay đến năm 2025 cần khoảng 566 triệu m3; từ năm 2026 đến 2030 cần gần 490 triệu m3. Cùng với đó, nhu cầu cát san lấp đến năm 2030 cần khoảng 38,5 triệu m3. Trong khi đó, đến năm 2030 toàn tỉnh có 79 mỏ đất đồi đã được phê duyệt tại quy hoạch tỉnh với tổng trữ lượng có thể khai thác trên 250 triệu m3. Trung bình mỗi năm, những mỏ này chỉ đáp ứng được 30 triệu m3, tương đương với khoảng 25% nhu cầu sử dụng toàn tỉnh.
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn nguồn vật liệu san lấp cho các dự án đang được tập trung triển khai trên địa bàn tỉnh, từ đầu năm đến nay, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn giải pháp tháo gỡ. Trong đó, chỉ đạo Sở TN&MT chủ động phối hợp hướng dẫn đẩy nhanh tiến độ cấp phép các mỏ đất trên địa bàn đảm bảo theo quy định, trọng tâm là các mỏ đất tại khu vực Uông Bí, Đông Triều và quy trình thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất đối với các dự án đầu tư công, dự án trọng điểm của tỉnh.
Phó Giám đốc Sở TN&MT Ngọc Thái Hoàng cho biết: Hiện nay đơn vị đang xem xét, hoàn thiện các thủ tục cấp phép cho các mỏ khai thác đất làm vật liệu san lấp có đủ điều kiện. Trong đó ưu tiên khu vực miền Tây của tỉnh nhằm tháo gỡ kịp thời cho tuyến đường ven sông và đang tiếp tục rà soát các mỏ theo quy hoạch để sớm triển khai các bước tiếp theo theo quy định nhằm chủ động nguồn vật liệu san lấp cho những dự án, công trình trong kế hoạch đầu tư công.
Bên cạnh việc sớm cấp các mỏ đất đồi theo quy hoạch dùng để san lấp mặt bằng, các sở, ngành, địa phương liên quan của tỉnh cũng cần phải nghiên cứu, tính toán sử dụng nguồn cát san lấp từ các mỏ, nguồn tận thu cát từ các dự án nạo vét luồng lạch trên sông, trên biển đang được phép khai thác và sớm cấp phép các mỏ nằm trong quy hoạch. Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của tỉnh, tháng 3 vừa qua Sở GTVT đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hội nghị trao đổi, thông tin về quy trình thực hiện sử dụng cát biển để làm nền đường. Tại hội nghị này, nhiều chuyên gia cho rằng Quảng Ninh là địa phương có nhiều điều kiện để mở rộng thí điểm khi sở hữu hơn 250km đường bờ biển với hơn 6.000km2 mặt biển, lượng cát biển dồi dào. Những dự án khó khăn về nguồn vật liệu đất đắp của tỉnh có nhiều yếu tố tương đồng có thể sử dụng cát đắp làm vật liệu thay thế khi vị trí thi công tại khu vực ngập mặn.
Tại khu vực Vân Đồn hiện nay có dự án nạo vét luồng lạch, có trữ lượng cát thu hồi tương đối lớn, tuy nhiên đến nay, lượng cát này chưa được các đơn vị liên quan tính toán đến trong việc sử dụng làm nguồn vật liệu san lấp mặt bằng ở những dự án có đủ điều kiện.
Còn ở những khu vực khác, nhiều chủ đầu tư cũng đã tính toán sử dụng nguồn đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp, tái chế thành vật liệu đắp nền K95, K98. Tuy nhiên giữa ngành than với các nhà thầu chưa thống nhất được đơn giá, cung đường vận chuyển dài, dẫn đến chưa có nhiều dự án sử dụng nguồn vật liệu này. Vừa qua, Công ty CP Dịch vụ vệ sinh môi trường Đông Khê và Công ty TNHH Thương mại S&D (TX Đông Triều) đã phối hợp, nghiên cứu và lắp đặt dây chuyền thí điểm tái chế đất đá thải mỏ làm vật liệu đắp nền K95, K98 nhằm đáp ứng nhu cầu cho các dự án, công trình xây dựng vốn đang thiếu vật liệu đắp, gia cố công trình. Dây chuyền này sẽ được lắp đặt trên diện tích 1,87ha thuộc phường Hoàng Quế (TX Đông Triều), công suất tái chế chất thải rắn xây dựng, đá thải mỏ công suất đạt tối đa 3.000 tấn/ngày.
Tại buổi đi kiểm tra tiến độ thi công các dự án giao thông trọng điểm của tỉnh ngày 6/4/2024 vừa qua, trước những khó khăn, vướng mắc về nguồn vật liệu san lấp, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chỉ đạo: Các sở, ban, ngành, địa phương phải cùng vào cuộc để tháo gỡ nút thắt về nguồn vật liệu san lấp phục vụ cho thi công các dự án. Phương châm giải quyết là phải tiếp cận tổng thể các nguồn vật liệu phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn và quy định của pháp luật. Tiến hành rà soát tổng thể các mỏ khai thác đất phục vụ làm vật liệu san lấp đã cấp phép trên địa bàn; ưu tiên tập trung nguồn đất đắp cho các công trình trọng điểm. Đồng thời có biện pháp kiểm soát, không để nâng giá, ép giá trong việc cung cấp nguồn vật liệu san lấp. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, độc quyền, thao túng thị trường, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước và các đơn vị thi công.
Mạnh Trường
Liên kết website
Ý kiến ()